CSGT có nên truy bắt người vi phạm?

CSGT có nên truy bắt người vi phạm?

52

Vụ việc CSGT Hà Nội rượt đuổi tài xế taxi Mai Linh phạm luật rồi bỏ chạy hơn 7 km đã đặt mạng sống của người đi đường vào vòng nguy hiểm, gây nên nhiều tranh luận trái chiều

Những vụ việc tài xế bỏ chạy khi phạm luật không phải hiếm gặp, trong một số trường hợp đã tạo ra cuộc rượt bắt giữa bên thi hành công vụ và người vi phạm. Mới đây nhất, hôm 28-8, tại TP HCM, một người đàn ông lái ô tô 4 chỗ bị lực lượng CSGT lập biên bản do không đủ giấy tờ xe theo quy định đã tông một thiếu tá CSGT lên nắp capô rồi đẩy đi hơn 300 m trên Quốc lộ 13, quận Thủ Đức. Trước đó, ngày 25-8, một taxi Mai Linh dừng xe sai làn đường bị thổi phạt nhưng tài xế Nguyễn Văn Dũng bất tuân hiệu lệnh, lái xe chạy bạt mạng qua nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Chiến sĩ thuộc đội CSGT số 1, Phòng CSGT  Công an TP Hà Nội và một số người dân đã rượt đuổi hơn 7 km mới bắt được tài xế.

Theo quy định, người điều khiển phương tiện khi bị lực lượng CSGT thổi còi, yêu cầu dừng xe phải chấp hành hiệu lệnh. Tuy nhiên, đã xảy ra trường hợp người vi phạm bỏ chạy bị CSGT truy đuổi đã tự ngã do hoảng loạn, thậm chí gây tai nạn cho CSGT và người đi đường. Cụ thể, hôm 5-6, trên Quốc lộ 51 (đoạn qua tỉnh Đồng Nai) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông làm anh Nguyễn Tuấn Thành (18 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tử vong. Nguyên nhân được cho là anh Thành bị một chiến sĩ CSGT truy bắt rồi tự gây tai nạn, sau đó tử vong. Vụ việc này đang được điều tra. Ngày 2-7-2014, ở tỉnh Hải Dương, CSGT trong quá trình truy đuổi đã khiến ông Đỗ Hải Nam (45 tuổi, ngụ TP Hải Dương) phanh gấp, té xe rồi tử vong.

 

CSGT có nên truy bắt người vi phạm?

 

CSGT Hà Nội truy đuổi tài xế taxi Mai Linh Nguyễn Văn Dũng qua nhiều tuyến phố hôm 25-8 (Ảnh cắt từ clip)
CSGT Hà Nội truy đuổi tài xế taxi Mai Linh Nguyễn Văn Dũng qua nhiều tuyến phố hôm 25-8 (Ảnh cắt từ clip)

 

Theo một chiến sĩ CSGT đội Rạch Chiếc (thuộc Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt Công an TP HCM), thông thường, chỉ những trường hợp người điều khiển phương tiện có dấu hiệu phạm tội hoặc mắc lỗi nghiêm trọng, khi bị CSGT tuýt còi dừng xe nhưng bỏ chạy thì mới truy đuổi. Quá trình rượt bắt phải bảo đảm an toàn và hành xử đúng quy định của pháp luật.

Thực tế, trong quá trình làm nhiệm vụ, CSGT thường xuyên gặp trường hợp người vi phạm không những không chấp hành luật giao thông mà còn hung hăng khiêu khích CSGT. Nếu không truy bắt thì không thể răn đe và càng khó bảo đảm việc giữ gìn trật tự. Tuy nhiên, CSGT cũng gặp khó khăn do quy định những trường hợp vi phạm lỗi nhẹ chỉ được phép dừng xe chứ không được quyền truy bắt.

Một chiến sĩ CSGT công tác tại đội giao thông Cát Lái (thuộc Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt Công an TP HCM) chia sẻ: “Rất nhiều người vi phạm luật giao thông rồi bỏ chạy. Đối với những trường hợp vi phạm lỗi nhỏ nhưng trốn chạy, chúng tôi không truy đuổi mà chỉ ghi lại biển số để sau đó phạt nguội. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chúng tôi bị đối tượng vi phạm chửi mắng hoặc ngông nghênh thách thức nên rất bức xúc. Nếu rượt đuổi mà có cách hành xử không đúng pháp luật hoặc gây nguy hiểm cho người vi phạm thì chúng tôi lại là người phải chịu trách nhiệm. Với những trường hợp như vậy, chúng tôi cũng rất khó xử lý”.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt Công an TP HCM cho biết không khuyến khích các chiến sĩ CSGT rượt bắt xe vi phạm vì như vậy sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của chính bản thân người làm nhiệm vụ và người đi đường. Tuy nhiên, với những đối tượng vi phạm cố tình chống đối người thi hành công vụ thì cần ngăn chặn kịp thời. Cũng có nhiều trường hợp lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, say rượu bia… nhưng người điều khiển phương tiện lại ngông nghênh thách thức CSGT thì cũng cần xử lý ngay để răn đe. “Người dân không nên đuổi theo truy bắt xe vi phạm vì họ không có kỹ năng cũng như phương tiện cần thiết nên sẽ rất nguy hiểm, dễ gây tai nạn giao thông. Chúng tôi hoàn toàn không khuyến khích việc này” – cán bộ này nói.

Với tình hình giao thông đông đúc như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng CSGT nên cân nhắc từng trường hợp nên hay không nên truy bắt xe vi phạm. Khi CSGT thực hiện quyền truy đuổi thì cần có những biện pháp an toàn để không gây ra hậu quả đáng tiếc.

Đừng phán xét thay luật!

Nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động đề nghị bắt giam, truy tố, đồng thời xử phạt thật nặng để răn đe tài xế đã có hành vi côn đồ, chống người thi hành công vụ, gây nguy hiểm đến tính mạng của CSGT và người đang tham gia giao thông. CSGT nên truy đuổi người vi phạm mà không chấp hành hiệu lệnh, cố tình bỏ chạy bởi lẽ không có tật sao lại giật mình, họ có thể sử dụng hàng cấm hoặc tội phạm nguy hiểm.

Trong khi đó, ý kiến khác cho rằng không nên cổ xúy CSGT rượt đuổi như phim hành động Mỹ với những lỗi vi phạm nhỏ, có thể phạt nguội. Bạn đọc Năm Giao Thông đặt vấn đề: “Nếu tài xế taxi hoảng loạn gây ra tai nạn cho người tham gia giao thông thì ai chịu trách nhiệm?”.

Bạn đọc Minh Hạnh chia sẻ với những khó khăn, hiểm nguy mà CSGT gặp phải khi người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông chống đối lại CSGT. Nhưng người dân cũng “ngán” hình ảnh CSGT chỉ nặng phần bắt lỗi, xử phạt mà nhẹ phần giáo dục, hướng dẫn. Ra đường, ngán nhất là thấy CSGT thình lình bước ra, giơ gậy ép xe vào lề. “Từ xa mà thấy cảnh đó, không “tim đập, chân run” mới lạ, dù bản thân chẳng phạm lỗi gì. Đôi khi sợ hãi sẽ khiến người vi phạm quay đầu bỏ chạy. Vì vậy, CSGT cần cải thiện hình ảnh của mình trong mắt người dân” – bạn đọc Minh Hạnh (tỉnh Tiền Giang) góp ý.

Theo bạn đọc Ngọc Mai (TP HCM), dù con người có phạm tội gì thì cũng phải thượng tôn pháp luật. Chỉ có pháp luật mới được phán xét tội trạng. Tài xế coi thường pháp luật, người ùa vào đánh tài xế, phá hoại xe cũng vi phạm pháp luật. CSGT gián tiếp gây nên sự nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khi rượt đuổi tài xế với những lỗi có thể phạt nguội thì chính CSGT cần tự rút kinh nghiệm.

A.Nhiên tổng hợp

Khó cho CSGT

Chức năng, nhiệm vụ của CSGT là bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho toàn xã hội, cộng đồng. Nhiều tình huống có khả năng gây thiệt hại thì nên chọn phương án ít gây thiệt hại nhất và từ đó đưa ra quyết định truy đuổi hay không truy đuổi đối tượng vi phạm. Nếu việc truy đổi đối tượng vi phạm vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều… mà gây ra tai nạn giao thông hoặc gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng thì việc truy đuổi đó là lựa chọn sai lầm.

Ngoài ra, để truy bắt người vi phạm, CSGT cần được trang bị xe chuyên dụng, còi hụ, bộ đàm và kỹ năng xử lý tình huống, cảnh báo người dân tránh xa cuộc truy đuổi cũng như thuyết phục người vi phạm dừng phương tiện hơn là truy đuổi đến đường cùng vì có thể xảy ra nhiều tai nạn, rủi ro. Đối với người dân thì không nên tham gia truy đuổi đối tượng vi phạm luật giao thông vì có thể gây ra nhiều rủi ro, thậm chí còn ảnh hưởng xấu tới bản thân hoặc người xung quanh.

Luật sư Lê Quang Vũ (Phó trưởng Văn phòng Luật sư Người Nghèo)

Không cần thiết truy đuổi

Qua xem xét tổng thể toàn bộ các văn bản pháp luật hiện hành thì không có bất cứ điều luật nào hướng dẫn hay quy định cụ thể về việc cho phép CSGT được quyền hay bắt buộc phải rượt đuổi người vi phạm. Thiết nghĩ, việc vi phạm Luật Giao thông với những lỗi nhỏ không gây hậu quả nghiêm trọng chỉ là vi phạm hành chính chứ không phải là tội phạm. Do đó, CSGT cần cân nhắc đến trách nhiệm và thiệt hại đáng tiếc (nếu có). Tùy theo tình huống sự việc và hậu quả nếu xảy ra thì chính CSGT đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)

Phạm luật còn bỏ chạy là chống người thi hành công vụ

Các quy định của pháp luật hiện hành cho phép trong trường hợp có dấu hiệu phạm tội hoặc hành vi nghiêm trọng, sau khi CSGT ra hiệu lệnh dừng nhưng người vi phạm vẫn cố tính bỏ chạy thì có thể được truy đuổi. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, các trường hợp vi phạm lỗi nhỏ thì CSGT chỉ được dừng xe của người vi phạm. Điều 3, 14 Nghị định 208/2013/NĐ-CP; Nghị định 171/2013/NĐ-CP nêu rõ: Khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT mà chủ phương tiện không chấp hành, bỏ chạy thì đây được coi là hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Khi đó, CSGT có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi này, trong đó có quyền bắt giữ người có hành vi chống đối.

Luật sư Trần Văn Toàn (Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Hà Nội)

Buộc phải truy đuổi để ngăn chặn “quái xế”

Thông thường, khi người vi phạm có hành vi bỏ chạy, CSGT có thể ghi lại biển số để phạt nguội. Nhưng trong tình huống này, tài xế Nguyễn Văn Dũng đã cho xe đâm thẳng vào CSGT và bỏ chạy với tốc độ cao trên đường phố. Đây là hành vi rất nguy hiểm tới những người tham gia giao thông. Vì vậy, lực lượng CSGT lập tức truy đuổi đồng thời báo các chốt liền kề để ngăn chặn.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (Tổ trưởng Tổ Xử lý vi phạm Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội)

G.Minh – N.Quyết ghi

GIA MINH

Tác giả

Viết bình luận

<