CÔNG TY LUẬT CÔNG BÌNH

Kiến nghị Chủ tịch nước giảm án cho tử tù Đặng Văn Hiến

Kiến nghị Chủ tịch nước giảm án cho tử tù Đặng Văn Hiến

86

Kiến nghị Chủ tịch nước giảm án cho tử tù Đặng Văn Hiến
(PLO)- Phó Ban Dân nguyện Quốc hội chuyển kiến nghị đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xin giảm án cho tử tù Đặng Vặn Hiến.
Chiều 10-10, trao đổi với PV PLO, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng ban Dân nguyện (Ủy Ban Thường vụ QH) cho biết ông đã có phiếu chuyển đơn gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng liên quan đến tử tù Đặng Văn Hiến.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng thông tin: Trước đó Công ty Luật Công Chính (Hà Nội) đã có đơn gửi đến ông.
Theo đó, nội dung đơn đề nghị: Chủ tịch nước soi xét, đánh giá lại bản chất hành vi của Đặng Văn Hiến, xin được ân giảm án tử hình. Đặng Văn Hiến là một nông dân cần cù, chưa có tiền án tiền sự, hành vi của Đặng Văn Hiến mặc dù nguy hiểm và hậu quả lớn, song không phải vì động cơ giết người mà xuất phát từ bức xúc do chính nạn nhân với số đông áp đảo gây ra tại khu đất nhà bị cáo. Cụ thể, 34 người dùng các xe múc, ủi, áo giáp lá chắn tiến hành cưỡng chế chiếm đất là vi phạm pháp luật, gây bức xúc công luận, dù bị cáo đã cảnh cáo nhưng nhóm người Công ty Long Sơn vẫn vi phạm.
Trước đó, trả lời đơn kiến nghị của các luật sư Nguyễn Văn Quynh, Nguyễn Thạch Thảo, Nguyễn Kiều Hưng, Trần Đăng Sĩ, Nguyễn Thanh Huy, Bùi Quang Vui và Hồ Minh Kính, TAND Tối cao đề nghị các luật sư bổ sung bản án và các hồ sơ có liên quan để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án của tử tù Đặng Văn Hiến. Nhóm luật sư đã gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại vụ án và Chủ tịch nước cũng đã có chỉ đạo xem xét lại vụ án này.
Công văn của Tòa Tối cao nêu rõ: Để có cơ sở xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm, TAND Tối cao yêu cầu các ông bà luật sư cung cấp bản sao bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc đề nghị giám đốc thẩm vụ án…

Kiến nghị Chủ tịch nước giảm án cho tử tù Đặng Văn Hiến - ảnh 1
Tử tù Đặng Văn Hiến.

Trước đó, ngày 12-7, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo, y án sơ thẩm đối với bị cáo Đặng Văn Hiến và các đồng phạm liên quan đến vụ nổ súng làm ba người chết, 13 người bị thương tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức vào tháng 10-2016.

Theo bản án sơ thẩm ngày 3-1-2018, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt bị cáo Đặng Văn Hiến (47 tuổi) tử hình; Ninh Viết Bình (35 tuổi) 20 năm tù; Hà Văn Trường (32 tuổi) 12 năm tù cùng về tội giết người… Sau khi tòa tuyên án, các bị cáo đã có đơn kháng cáo gửi TAND Cấp cao tại TP.HCM, xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 17-7-2018, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo, kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án và báo cáo Chủ tịch nước.
Theo cáo trạng, năm 2008 UBND tỉnh Đắk Nông đã cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 ha đất rừng tại tiểu khu 1535 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, một số hộ dân đã đến xâm canh trồng điều, cà phê và sang nhượng cho các hộ dân khác. Trong đó có gia đình ông Hiến, Bình và Hoàng Văn Thắng.
Sáng 23-10-2016, hơn 30 nhân viên của Công ty Long Sơn đã mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của nhà ông Hiến và hai hộ dân khác. Khi phát hiện người của Công ty Long Sơn đến, bị cáo Hiến đã lấy súng đi ra thì bị nhóm người của công ty này chặn lại. Tại đây, bị cáo Hiến đã bắn một phát đạn chỉ thiên thì nhóm người của Công ty Long Sơn dùng đá ném lại.
Sau đó, ông Hiến chạy vào nhà và bắn nhiều phát vào nhóm người của Công ty Long Sơn. Trường đã tiếp đạn cho Hiến. Nghe tin, Bình cũng cầm súng chạy lên nhà ông Hiến hỗ trợ. Cả hai đã ra khu vực san ủi bắn làm chết ba người, 13 người khác bị thương… Sau đó ông Hiến ra đầu thú. Về vụ án này, PLO từng có vệt bài phản ánh chính quyền đã giao đất dân đang xâm canh cho Công ty Long Sơn dẫn đến khiếu nại kéo dài. Khi xảy ra vụ án, trả lời PV PLO, ông Lê Diễn – Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông cũng cho hay do chính quyền địa phương chậm giải quyết, buông lỏng quản lý đất đai dẫn đến những xung đột giữa Công ty Long Sơn và người dân không được giải quyết.
Theo NGUYỄN ĐỨC
Báo Pháp luật

Tác giả