Loạt bài “Chấn động nạn tráo sổ đỏ” (đăng từ ngày 17 đến 19-10) đã cảnh báo một vấn nạn trong lĩnh vực công chứng các giao dịch nhà đất.
Đó là kẻ gian đã giả vờ hỏi mua nhà để xin chụp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (nói gọn là sổ đỏ), sau đó làm giả rồi quay lại đòi xem bản chính để tráo lấy sổ đỏ thật. Từ sổ đỏ đánh tráo đó, kẻ gian đã giả chủ sở hữu nhà, đồng thời làm giả giấy tờ tùy thân đi công chứng hợp đồng ủy quyền, chuyển nhượng nhà đất để chiếm đoạt nhà…
Bà PHAN THỊ BÌNH THUẬN, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nhận định: Tình trạng giả giấy, giả người khác để thực hiện các thủ tục công chứng, chứng thực đang là vấn đề nghiêm trọng không chỉ xảy ra ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh, TP khác trên cả nước.
. Phóng viên: Bà đánh giá sao về việc có nhiều vụ tráo sổ đỏ để chiếm đoạt nhà người khác được bắt đầu bằng hợp đồng ủy quyền do các văn phòng công chứng (VPCC) ở tỉnh chứng nhận. Từ hợp đồng ủy quyền đó, nhiều VPCC ở TP.HCM đã lần lượt chứng nhận các giao dịch tiếp theo khiến số nạn nhân tăng lên…
+ Đúng là trước đây việc giả mạo chỉ để thực hiện các hợp đồng, giao dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi tỉnh, TP thì nay tại TP.HCM phát sinh tình trạng giả mạo giấy tờ và giả người để lập hợp đồng ủy quyền tại các tổ chức hành nghề công chứng ở các tỉnh, TP khác. Sau đó sử dụng hợp đồng ủy quyền này để thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng, thế chấp tài sản tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP.HCM.
Số lượng vụ việc phát hiện hoặc tiềm ẩn dấu hiệu giả mạo ngày càng tăng với thủ đoạn thực hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Sở Tư pháp nhận thấy việc giả mạo để thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực có các hình thức như giả bên chuyển nhượng, bên ủy quyền, bên tặng cho (giả vợ, chồng, cha, mẹ, con…); giả một người hoặc có trường hợp giả nhiều người để thực hiện các hợp đồng, giao dịch.
Việc giả mạo trong hoạt động công chứng, chứng thực gây ra hậu quả nặng nề cho xã hội, tác động và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội, đến việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch; gây thiệt hại về tinh thần và tài sản cho cá nhân, tổ chức bị lừa đảo, chiếm đoạt, đồng thời gây tâm lý lo lắng, bất an cho công chứng viên và người thực hiện chứng thực.
. TP.HCM sẽ xử lý sao đối với những chuyện không hay này để người dân không phải bất an, thưa bà?
+ Thời gian qua Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với UBND quận, huyện, các tổ chức hành nghề công chứng rà soát quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp để đề xuất sửa đổi những bất cập trong quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi giả người, sử dụng giấy tờ giả mạo.
Chúng tôi đã phối hợp với Công an TP tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nhận diện, phát hiện giấy tờ giả, giả mạo người khác trong hoạt động hành nghề công chứng; đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng trang bị máy soi dấu vân tay, giấy tờ, kính lúp… để kiểm tra hồ sơ công chứng. Chúng tôi cũng kịp thời cung cấp, chia sẻ thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin khác về biện pháp ngăn chặn để đưa vào cơ sở dữ liệu công chứng; thường xuyên, kịp thời phối hợp với Sở Tư pháp, cơ quan công an trong việc phát hiện, điều tra, xử lý hành vi vi phạm giả mạo giấy tờ, chủ thể tham gia các hợp đồng, giao dịch.
Ngoài ra, sở cũng thường xuyên chấn chỉnh, nhắc nhở công chứng viên nghiêm túc thực hiện đúng quy trình công chứng, chứng thực, ý thức đạo đức nghề nghiệp, thận trọng kiểm tra giấy tờ, thông tin chủ thể, tài sản, nội dung, mục đích giao dịch. Cùng với đó là tra cứu cơ sở dữ liệu công chứng, chương trình quản lý chữ ký, con dấu, giải thích cho người yêu cầu công chứng, chứng thực hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu chính xác, hợp pháp và các hành vi nghiêm cấm.
Sắp tới sở sẽ phối hợp với Sở TN&MT, Cục Thuế TP và Sở TT&TT nghiên cứu, đề xuất xây dựng và thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin liên quan đến nguồn gốc và lịch sử giao dịch tài sản nhà đất…
. Xin cám ơn bà.
Ông NGUYỄN TRÍ HÒA, Phó Chủ tịch Hội Công chứng viên TP.HCM:
Đừng chờ có hậu quả thiệt hại thực tế mới xử lý Theo tôi, để giảm sự giả mạo, các tổ chức hành nghề công chứng nên trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ như máy quét dấu vân tay, máy soi, kính lúp, hệ thống camera giám sát. Các công chứng viên trước khi ký công chứng cần xem xét kỹ các giấy tờ xuất trình (nên qua kính lúp phóng đại 30-40 lần); đặt câu hỏi càng nhiều càng tốt với các bên tham gia giao dịch. Đặc biệt là phải cẩn trọng với CMND được bọc lại và việc mua bán qua ủy quyền, cảnh giác với những giao dịch mà địa chỉ bất động sản, nơi cư ngụ của các bên giao dịch ở khá xa nơi công chứng viên đang hành nghề… Tôi cũng đề nghị các cơ quan công an tích cực hỗ trợ nhiệt tình khi nhận được tin báo về giả người, giả giấy và nên thông báo kết quả xử lý cho nơi đã báo tin… Việc xử lý khi phát hiện giả người, giả giấy trong thời gian qua hình như là quá nhẹ hoặc không xử lý dẫn đến tình trạng khinh nhờn, thậm chí công khai thể hiện qua việc các đối tượng quảng cáo, nhắn tin đến rất nhiều số điện thoại khác nhau về việc đảm nhận làm giả giấy tờ, bằng cấp… Tôi có tìm hiểu thì được biết quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng là chỉ khi nào có đầy đủ căn cứ như bắt quả tang đối tượng có dụng cụ, phương tiện in, làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan nhà nước hoặc phải có hậu quả thiệt hại thực tế xảy ra mới xử lý được tội làm hoặc sử dụng giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tôi, khi người yêu cầu công chứng có hành vi giả mạo với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì đó là hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội. Mặc dù hành vi này bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhưng đây là hành vi gian dối, lợi dụng sự tin tưởng của người dân vào tính chất pháp lý của hoạt động công chứng để chiếm đoạt tài sản và thông thường giá trị mong muốn chiếm đoạt là lớn. Việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời là nguyên nhân khách quan làm cho việc chiếm đoạt tài sản của đối tượng có hành vi giả mạo không thực hiện được. Vì vậy, việc xử lý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội làm, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả… không nên cứng nhắc một chiều là đã có hậu quả hay chưa, đã chiếm đoạt được hay không thì mới có thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Đây nên xem là tình tiết trong việc lượng hình, còn khi đã có hành vi giả mạo được phát hiện thì cần đề nghị truy tố hành vi vi phạm theo giai đoạn: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hay tội phạm đã hoàn thành. Luật gia NGUYỄN VĂN THÀNH, Hội Luật gia quận 10, TP.HCM: Không đưa thông tin sổ đỏ lên mạng xã hội Người có nhu cầu mua bán nhà không nên phôtô và cung cấp cho người khác toàn bộ giấy tờ nhà, đất (sổ đỏ, sổ hồng, CMND/CCCD, hộ khẩu, lệ phí trước bạ…). Cũng không nên đưa toàn bộ thông tin bản chính sổ đỏ công khai trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, …) vì sẽ bị các đối tượng xấu lợi dụng các thông tin cụ thể đó để giả giấy tờ. Thường khi đến xem nhà hoặc đến các tổ chức hành nghề công chứng để công chứng hợp đồng mua bán thì các đối tượng xấu sẽ dàn cảnh và tạo ra tình trạng lộn xộn để người chủ nhà, đất mất cảnh giác và đánh tráo sổ đỏ. Do đó, người chủ nhà, chủ đất phải giữ cẩn thận bản chính sổ đỏ và đề phòng, nâng cao tinh thần cảnh giác cao độ. Khi bị phát hiện sổ đỏ mình đang giữ là sổ giả thì phải gấp rút trình báo cơ quan công an có thẩm quyền, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện nơi cấp giấy để các cơ quan này kịp thời xử lý ngăn chặn các giao dịch tránh hậu quả pháp lý đáng tiếc xảy ra. |