Ngày 5-11, tại nghị trường Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) đã gửi tới Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình một số băn khoăn về vụ án cưa gỗ khô mà Pháp Luật TP.HCM phản ánh trong hơn ba năm qua.
Kết tội trái hướng dẫn của Tòa Tối cao
Theo ĐB Nghĩa, TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm (lần ba ngày 12-8) đã tuyên năm bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản là trái với Thông tư liên tịch số 19, trái với hướng dẫn của Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình (nay là phó thủ tướng thường trực).
Kết quả này cũng trái với quan điểm của Cục Kiểm lâm, nhiều luật gia, cựu phó chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ, các thẩm phán kỳ cựu. Kết quả này cũng trái ngược với thực tiễn xét xử nhiều năm của ngành tòa án.
Báo cáo trước Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói: “Qua tổng kết xét xử mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn nếu như trong một vụ án có nhiều hành vi thỏa mãn nhiều tội thì phải điều tra, truy tố, xét xử theo nhiều tội”.
Ông Bình ví dụ, dùng súng mà bắn chết người thì phạm tội giết người và tội sử dụng vũ khí quân dụng. Tham nhũng mà lấy tiền đi đầu tư thì phạm tội tham nhũng cộng với tội rửa tiền… “Nếu như để gỗ ở rừng, chặt rừng thì phạm tội phá rừng (hủy hoại rừng – PV) nhưng mang gỗ về thì phạm tội ăn cắp (trộm cắp tài sản – PV)” – ông Bình nhấn mạnh.
Cũng theo Chánh án Bình, với vụ án này, Thường vụ tỉnh Kon Tum đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng phải xử lý nghiêm trong tình hình rừng Kon Tum bị phá rất nhiều. Trong đó, nhiều cánh rừng đã bị các đối tượng khoét lỗ vào cây xong bơm hóa chất vào để cho cây chết, sau đó lấy gỗ. “Còn vụ án cưa gỗ khô, chúng tôi cũng sẽ xem xét một cách cẩn trọng” – Chánh án Bình nói.
Người thân và các bị cáo ôm nhau khóc khi bị TAND tỉnh Kon Tum kết tội trộm cắp tài sản. Ảnh: NGÂN NGA
Rất băn khoăn!
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều thẩm phán và kiểm sát viên ở khu vực Tây Nguyên, Đà Nẵng khẳng định họ chưa thấy hướng dẫn nào như Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu (nếu như để gỗ ở rừng, chặt rừng thì phạm tội phá rừng nhưng mang gỗ về thì phạm tội ăn cắp – PV).
Một lãnh đạo VKSND huyện tại tỉnh Đắk Lắk, nơi có nhiều án xét xử liên quan đến rừng, phản biện: “Người chặt cây rừng mục đích để lấy đất làm nương rẫy, nếu đủ định lượng thì chúng tôi truy tố về tội hủy hoại rừng.
Còn mục đích đối tượng vào rừng đặc dụng để chặt cây về bán lấy tiền, nếu trên 5 m3 thì chúng tôi truy tố tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng (Điều 175 BLHS 1999). Nếu TAND Tối cao hướng dẫn như trên thì trong BLHS 1999 và BLHS 2015 sẽ mất đi tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, mà tất cả chuyển sang xử lý tội trộm cắp tài sản”.
Theo ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, ông rất băn khoăn về lý luận và thực tiễn với lập luận trên. Bởi về lý luận, không thể phân biệt những dấu hiệu về hành vi, mục đích, động cơ phạm tội để quy kết thêm tội danh trộm cắp tài sản.
Về thực tiễn, đã có hàng ngàn vụ án khai thác trái phép, chặt phá rừng (không để lại gỗ tại rừng) ở rừng đặc dụng tòa cũng chỉ xử về một tội theo Điều 175 BLHS 1999, không có vụ nào tòa xử tội trộm cắp tài sản.
Trước đó, tại kỳ họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội vào ngày 4-9, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nói hiện nay loại tội phạm xâm hại đến rừng đặc dụng nói chung và phá rừng nói riêng cần được xử lý nghiêm.
“Yêu cầu chính trị về việc phải xử lý nghiêm này với nhận định của ĐB Trương Trọng Nghĩa nói các bị cáo không có tội đang có tranh chấp. Giữa pháp luật và yêu cầu chính trị, cái nào cần phải được quan tâm hơn là phải cân nhắc thêm” – ông Trí nói.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “Hành vi của các bị cáo vi phạm pháp luật thì rõ rồi. Nhưng xử lý nghiêm không có nghĩa là vụ việc chỉ đáng xử lý hành chính lại chuyển qua xử lý hình sự. Trong trường hợp chúng ta phát hiện ra quy định về xử phạt hành chính chưa đáp ứng yêu cầu thì phải sửa đổi. Còn hiện nay phải áp dụng đúng quy định của pháp luật”.
Đại biểu Quốc hội chất vấn về vụ án đường Hồ Chí Minh
Một vụ án khác mà Pháp Luật TP.HCM cũng cho rằng có dấu hiệu oan được ĐB Nguyễn Bá Sơn và Trương Trọng Nghĩa đưa ra là vụ án đường Hồ Chí Minh mà TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa kết tội 10 bị cáo. ĐB Nghĩa nói: “Vụ án nổ mìn phá đá thi công đường Hồ Chí Minh kéo dài 16 năm, tính thiệt hại dựa vào chứng cứ không hợp lệ và từng bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) bác bỏ. Chúng tôi đã chính thức kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp xem xét, tổ chức giám sát vụ án”. ĐB Sơn tiếp: “Một vấn đề lớn rút ra từ vụ án này là vi phạm tố tụng trong hoạt động của mình thì có phải khôi phục trật tự tố tụng đó hay không”. Theo đó, năm 2000, để đảm bảo an toàn đường dây 500 kV dự án đường Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Xây dựng công trình khai thác đá 621 (thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6) đã ký hợp đồng để Công ty TNHH Thanh Nam thi công với phương án “nổ mìn đặc biệt”. Công ty Thanh Nam đã thi công theo phương án “nổ om” của kỹ sư Bùi Hải Nhân (thuộc Công ty 621) cải tiến nên bị khởi tố. Tháng 4-2009, TAND tỉnh Kon Tum xử sơ thẩm lần đầu đã phạt Nhân và hai người thuộc Công ty Thanh Nam không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa này còn miễn hình phạt cho tám bị cáo còn lại về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ba tháng sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên hủy bản án sơ thẩm vì chưa đủ căn cứ kết tội tất cả bị cáo. Năm 2018, TAND tỉnh Kon Tum xử sơ thẩm lần hai đã phạt ông Nhân 10 năm tù, chín bị cáo còn lại từ 12 tháng tù đến tám năm tù. Các bị cáo kêu oan, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh kháng cáo cho rằng mình không bị thiệt hại. Ngày 1-11, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã bác kháng cáo, sửa án sơ thẩm, giảm án mạnh cho 10 bị cáo. Hiện các bị cáo tiếp tục kêu oan. |