CÔNG TY LUẬT CÔNG BÌNH

Y án Nguyễn Hữu Linh về tội dâm ô

Y án Nguyễn Hữu Linh về tội dâm ô

65


7 giờ 45 bị cáo có mặt tại TAND TP.HCM cùng luật sư bào chữa Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM). Luật sư Học xuống xe trước, còn bị cáo Linh nán lại trong xe, bên ngoài là vòng vây báo chí. Một lát sau, bị cáo bước xuống xe trong sự hỗ trợ của lực lượng an ninh và cán bộ tòa để vào trong bằng lối đi riêng.

Phiên tòa được xét xử kín nhưng sau đó HĐXX tuyên án công khai. Chủ tọa chỉ đọc phần quyết định mà không công khai phần nhận định của bản án theo quy định.

Sau khi tòa tuyên án, bị cáo ngồi xuống ghế, xin được về bằng cửa khác. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp nhận nên bị cáo lại ra về trong vòng vây phóng viên. Ra đến cổng tòa, bị cáo lấy điện thoại hỏi tài xế ở đâu dù chiếc ô tô đang chờ sẵn trước mặt.

Bị cáo Linh vẫn được tại ngoại và có 15 ngày để tự nguyện thi hành án.

Trước đó, ngày 23-8, bị cáo đã bị TAND quận 4 kết án 18 tháng tù giam về tội danh này. Bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và kêu oan.

Trong phiên xử kín lần này cũng như tại phiên xử kín hồi sơ thẩm, bị cáo Linh và luật sư đều cho rằng hành vi của bị cáo không cấu thành tội dâm ô với người dưới 16 tuổi. Cụ thể, cáo trạng chỉ mô tả hành vi của bị cáo là “hôn vào má”, không xác định “dùng tay sờ soạng vào bộ phận nhạy cảm” của người bị hại. Trong khi đó, bị cáo khai “hôn bé gái vì thấy dễ thương”.

Y án Nguyễn Hữu Linh về tội dâm ô - ảnh 1
Bị cáo Nguyễn Hữu Linh rời tòa sau phiên xử phúc thẩm sáng 6-11. Ảnh: HOÀNG GIANG

Làm việc trong cơ quan tư pháp lại phạm pháp

Bị cáo Linh ra tòa phúc thẩm trong bối cảnh Nghị quyết 06/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa có hiệu lực. Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 BLHS 2015.

Nghị quyết hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Trong đó có giải thích rõ một số từ ngữ như bộ phận khác trên cơ thể là bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể không phải là bộ phận sinh dục và bộ phận nhạy cảm (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi, mũi, gáy, cổ, bụng…).

Ngoài ra, một số hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, ví dụ, hôn vào miệng, cổ, vai, gáy… của người dưới 16 tuổi cũng là căn cứ để xác định hành vi dâm ô.

Hồi tháng 5, TAND quận 4 lần đầu đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tòa yêu cầu làm rõ trong khoảng thời gian từ 21 giờ 10 phút 6 giây đến 21 giờ 10 phút 31 giây (theo giờ hệ thống camera), bàn tay trái của bị cáo Linh đã thực hiện hành vi khách quan gì.

Kết quả điều tra bổ sung đã xác định do hình ảnh khuất khỏi tầm quan sát camera nên không đủ cơ sở kết luận trong khoảng thời gian này, bàn tay trái của bị cáo Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước thân người của cháu bé hay không.

Tuy nhiên, VKSND quận 4 giữ nguyên quan điểm truy tố vì cho rằng căn cứ vào chuỗi hành vi của bị cáo, đủ cơ sở xác định bị cáo phạm tội như truy tố. Hành vi của bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người dưới 16 tuổi; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Bị cáo từng làm việc trong cơ quan tư pháp nhưng phạm pháp, cần xử lý nghiêm để răn đe.

Dâm ô bé gái trong thang máy

Bị cáo Nguyễn Hữu Linh bị truy tố theo khoản 1 Điều 146 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm tù vì ôm hôn một bé gái trong thang máy chung cư Galaxy (quận 4, TP.HCM) ba lần.

Bị cáo thừa nhận hành vi ôm hôn bé gái ở thang máy tổng cộng ba lần là sai phạm nhưng cho rằng hành vi của mình chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm như truy tố.

Vụ án được khởi tố từ ngày 20-4. Bị cáo bị khởi tố bi can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú sau 20 ngày CQĐT xem xét, xác minh tin báo về tội phạm theo quy định. Các quyết định khởi tố đã được đưa ra đúng một ngày sau khi các cơ quan tố tụng trung ương họp giải trình với Ủy ban Tư pháp về các vụ án nổi cộm, đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em… Hồ sơ điều tra, truy tố bị cáo đã được hoàn tất trong một tháng sau khi khởi tố vụ án.

Theo PHƯƠNG LOAN – Báo Pháp Luật (PLO)

Tác giả