Theo đó, sau khi điều tra lại xong, VKS tỉnh không ra cáo trạng truy tố như đề nghị của kết luận điều tra của công an mà có động thái khác. Cụ thể, VKSND và TAND tỉnh Bạc Liêu đã báo cáo đề nghị viện trưởng cũng như chánh án TAND Tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án trên để xét xử phúc thẩm lại.
Trả lời kiến nghị này, TAND Tối cao cho rằng: “Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được nên tòa cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại là cần thiết”.
Qua nghiên cứu hồ sơ lẫn kiến nghị, Tòa Tối cao thấy rằng dù bị cáo Dũng và đồng phạm có hành vi gian dối để được Ngân hàng BIDV Bạc Liêu giải ngân tiền vay. Tuy nhiên, để xác định các bị cáo có hành vi chiếm đoạt tiền vay của ngân hàng không thì cần xem xét toàn bộ tài sản thế chấp còn lại so với số nợ gốc và lãi để xác định có đảm bảo nghĩa vụ trả nợ hay không.
Bị cáo tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: CTV
Vấn đề này còn sự mâu thuẫn giữa kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Bạc Liêu và kết luận định giá tài sản của hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Do đó chưa đủ căn cứ xác định toàn bộ giá trị tài sản thế chấp của công ty có đảm bảo việc trả nợ số tiền gốc lẫn lãi hay không.
Mặt khác, theo quy định trong quy chế của tổng giám đốc Ngân hàng BIDV thì BIDV Bạc Liêu không trực tiếp giải ngân mà giải ngân vào các tài khoản của đối tượng thụ hưởng, căn cứ vào hóa đơn giá trị gia tăng bán hàng, giao dịch đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo công văn của ngân hàng này gửi cho cơ quan điều tra thì hóa đơn thuế giá trị gia tăng không phải là căn cứ để giải ngân, có cũng không thừa mà không có vẫn có thể giải ngân theo hợp đồng tín dụng của các bên đã ký kết. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện ngân hàng này cũng cho rằng “hóa đơn không phải là căn cứ để giải ngân”…
Do giữa lời khai của đại diện ngân hàng và quy định của tổng giám đốc Ngân hàng BIDV có sự mâu thuẫn, vì vậy cần điều tra xác minh làm rõ việc hóa đơn giá trị gia tăng có phải là căn cứ để giải ngân hay không. Từ đó mới có căn cứ xem xét hành vi lập hóa đơn khống và hóa đơn chênh lệch của Ngô Chí Dũng có phải là hành vi gian dối, chiếm đoạt tiền của ngân hàng hay không.
Hủy án vì nghi hình sự hóa quan hệ dân sự
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, xuất phát từ lá đơn đề nghị hỗ trợ giám sát của Ngân hàng BIDV Bạc Liêu, công an tỉnh đã khởi tố vụ án. Từ 116 hợp đồng tín dụng, Công an tỉnh Bạc Liêu đã tách một hồ sơ vay trung hạn và tám hồ sơ vay theo món để điều tra. Công an quy kết ông Ngô Chí Dũng, bà Nguyễn Thị Út, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc và ông Huỳnh Thanh Đoàn, kế toán trưởng, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên Dũng 20 năm tù, Út và Đoàn 14 năm tù. Các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan. TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Một trong những vấn đề cấp phúc thẩm đặt ra là cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa quan hệ dân sự giữa Công ty Minh Hiếu và BIDV Bạc Liêu. Đồng thời việc khởi tố của CQĐT là vi phạm Điều 100 BLTTHS vì ngân hàng không có đơn tố cáo Công ty Minh Hiếu. |