“Đất nước cần những sinh viên giỏi, không chỉ là sinh viên học giỏi. Sinh viên giỏi là vừa học giỏi lại vừa làm giỏi, có đủ kỹ năng cứng, kỹ năng mềm và hừng hực ngọn lửa “nghĩ lớn, làm lớn”, luôn sẵn sàng tạo khác biệt”…
Đó là một trong những nội dung của lá thư mà Trương Trúc Phương, sinh viên năm thứ nhất ĐH Kinh tế TP.HCM, vừa chia sẻ lên mạng.
Lá thư của ông Trần Kim Chung – chủ tịch Tập đoàn C.T – gửi Phương, sau khi Phương email cho ông bày tỏ một số trăn trở, áp lực của một sinh viên khi bước vào đại học cũng như trước ngưỡng cửa cuộc đời.
“Lá thư không viết cho riêng mình, mình cảm nhận đó là những tâm huyết một đời từ khi chú còn rất trẻ, nay chú viết để khơi một khát vọng, cho một thế hệ.
TRƯƠNG TRÚC PHƯƠNG
Món quà bất ngờ và những dòng thư
Vào một ngày đầu năm 2020, Trúc Phương nhận được một bó hoa và một món quà gói rất đẹp, cùng dòng chữ viết tay “Khi nào cần gì quan trọng, con có thể email cho chú” trên tấm card visit tên ông Trần Kim Chung. Trúc Phương cho biết chiếc laptop – món quà của ông Chung tặng khiến cô không khỏi xúc động.
Mới đầu năm học hôm tháng 9, vị chủ tịch này đến dự khai giảng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – nơi ông từng là sinh viên và tặng nhiều suất học bổng hỗ trợ học tập cho thế hệ sau, những bạn có ý chí tiến thủ.
Được nhận học bổng, Phương, cô gái quê Đắk Lắk, như được tiếp thêm động lực để phấn đấu trong môi trường học tập xa nhà. Bạn lưu lại tấm hình trao học bổng như một kỷ niệm trong đời, và chưa bao giờ nghĩ đến một bất ngờ như lúc này.
Phương email cảm ơn ông Trần Kim Chung về món quà quá đỗi cần thiết cho ngành học về hệ thống thông tin quản trị của Phương.
Phương cho hay: “Trong mail gửi chú, mình có giãi bày một số suy nghĩ của bản thân về người khuyết tật, đôi lúc có những tự ti, mặc cảm nhất định trong cuộc sống. Và thật bất ngờ khi mình nhận lại một lá thư hết sức gần gũi, thân thương”.
Không có điều gì giới hạn, trừ mình giới hạn mình
Phương nói: “Càng đọc những lời chia sẻ của chú Chung, mình càng thấm thía và có thêm động lực để vượt lên những khó khăn của bản thân”. Trong lá thư, ông Trần Kim Chung viết:
Hôm trao học bổng cho con ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chú thấy sức mạnh toát ra từ tinh thần lạc quan của con dù con phải đến giảng đường bằng xe lăn.
Con à, dù rằng không ai là hoàn hảo nhưng có những loại khuyết tật khác đáng sợ hơn nhiều so với những khiếm khuyết về mặt cơ thể.
Có sinh viên khuyết tật về sự chăm chỉ. Là người trẻ đầy sức sống nhưng lại lười biếng học tập, lười biếng đi làm thêm; thả mình trôi theo game online và sống ảo Facebook, cuối tháng lại ngửa tay nhận những đồng tiền đầy mồ hôi nhọc nhằn của cha mẹ ở quê gửi lên.
Ở thành phố này, siêng là có tiền, không thể có sinh viên nghèo, mà chỉ có sinh viên lười biếng và sống nhờ chu cấp của cha mẹ nghèo. Đó không phải là một dạng khuyết tật sao?
Có sinh viên khuyết tật về mặt khát vọng, không biết mình muốn gì, phát triển ra sao, những người trẻ lờ đờ tạo nên một thế hệ lờ đờ như thế thì làm sao đất nước vươn lên được?
Có sinh viên khuyết tật về sự sáng tạo. Trong mọi hành động, chỉ làm rập khuôn theo cách mà thầy cô, bạn bè hoặc các thế hệ đi trước đã định sẵn. Tư duy không phản biện, không nghĩ đến cái mới nên làm việc gì cũng nhàn nhạt, không có sự khác biệt cũng là một loại khuyết tật đáng sợ.
Nói như thế không có nghĩa ai cũng phải toàn mỹ, mỗi người đều có giới hạn của bản thân, quan trọng là ý thức sửa mình từng ngày. Đôi chân không lành lặn của con chẳng là vấn đề lớn, nếu con biết tạo ra sức mạnh ý chí từ việc hoàn thiện các mặt khác của bản thân.
Con hoàn toàn có thể nuôi dưỡng khát khao, thậm chí khát khao lớn hơn người khác trong việc đặt ra mục tiêu và chinh phục mục tiêu của cuộc đời. Con có sức mạnh tuyệt vời từ sự lạc quan để thấy khó khăn nào cũng là chuyện nhỏ.
Qua thư, được biết con mê kinh doanh và đã buôn bán đồ lưu niệm, mỹ phẩm từ lúc còn học cấp 2. Làm công việc gì cũng là rất đáng quý, miễn là có ích, đam mê chăm chỉ.
Việc đó không chỉ đơn thuần mang đến tiền bạc mà cái lớn hơn là giúp mỗi người luyện chí lớn, khám phá được khả năng của bản thân, giúp bản thân mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, tinh tế hơn và sắc sảo hơn.
Chú và con có điểm chung là cũng tập tành kinh doanh từ hồi nhỏ mặc dù thời xưa rất khó khăn. Lên đại học những năm 80, chú đã cùng các bạn mở những bếp ăn khổng lồ, phục vụ cho hàng ngàn sinh viên…
Chia sẻ những điều này để chú và con cùng xác tín rằng, chẳng có bất cứ điều gì có thể giới hạn được khát vọng của một người trẻ, trừ việc chính người trẻ đó tự giới hạn mình. Đất nước kỳ vọng điều gì nếu không phải kỳ vọng vào những người trẻ, đặc biệt là các sinh viên? Chính các bạn trẻ là tương lai của đất nước.
Vì vậy, đất nước cần những sinh viên giỏi, không chỉ là sinh viên học giỏi. Sinh viên giỏi là vừa học giỏi lại vừa làm giỏi, có đủ kỹ năng cứng, kỹ năng mềm và hừng hực ngọn lửa “nghĩ lớn, làm lớn”, luôn sẵn sàng tạo khác biệt từ sự sáng tạo và luôn dũng cảm để lao đến những mục tiêu lớn.
Chú tin con xứng đáng là một người trẻ thực sự của đất nước nhờ vào sức mạnh không giới hạn của mình.
Trúc Phương viết trên trang mạng: “Đó thực sự là lá thư truyền cảm hứng sống cho mình và thế hệ trẻ Việt Nam”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Kim Chung – chủ tịch C.T Group – chia sẻ: “Tôi rất trăn trở khi nhìn thấy không ít những người trẻ đầy sức sống nhưng lại thiếu sự chủ động.
Các bạn trẻ ngoài phấn đấu giỏi trong học tập thì trong những hành động, việc làm của mình cần mang tinh thần chủ động, sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng tiến công. Qua những trải nghiệm khó thì mới phát triển bản thân, từ đó giúp ích cho xã hội”.
Nhiều năm qua, C.T Group đã làm nhiều chương trình ủng hộ những bạn trẻ giỏi, khát khao làm việc, sống đẹp. IRONMAN là một trong những chương trình như vậy, vinh danh những người không biết sợ hãi, lao vào khó khăn thử thách, “gan lì”, dám làm điều lớn.
Năm 2020, Tập đoàn C.T mở rộng chương trình này ra cho sinh viên, trí thức trẻ, nhà khoa học, những IRONMAN dám làm điều lớn lao cho đất nước bằng những ghi nhận có giá trị lớn.