Sáng 5-5, phiên phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử 20 bị cáo trong vụ án “thâu tóm” nhà, đất công sản trên địa bàn TP Đà Nẵng bước sang ngày làm việc thứ hai.
Người đầu tiên được xét hỏi là Nguyễn Công Lang, cựu giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng.
Trả lời HĐXX, bị cáo nói được bổ nhiệm giữ chức giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng vào năm 2004. Công ty có chức năng quản lý các dự án nhà thuộc sở hữu nhà nước, cho thuê và thu tiền thuê nhà, báo cáo các sở, ban, ngành nếu có tranh chấp…
Bị cáo khẳng định tất cả những báo cáo của Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng liên quan đến vấn đề nhà, đất công sản đều có cơ sở và đúng quy định. Công ty báo cáo Sở TN&MT, sau đó Sở TN&MT báo cáo với UBND TP.
Các bị cáo trong vụ án thâu tóm công sản trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ảnh: TP
Ông Lang thừa nhận trong 21 dự án công sản, ông đều ký hợp đồng mua bán và có biết việc bán không qua đấu giá, giảm 10% tiền sử dụng đất… Tuy nhiên, việc mua bán này đã được UBND TP đồng ý.
“Tất cả việc làm của bị cáo đều là theo chủ trương của TP và có văn bản chứng minh” – bị cáo nói và nhấn mạnh mình “không vụ lợi gì”.
Khai tiếp, ông Lang nói tại nhiều dự án, Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng bán cho một số công ty khác (đối tượng được mua nhà, đất công sản – PV) chứ không trực tiếp bán cho Phan Văn Anh Vũ. Về sau, các công ty này bán lại cho công ty của Vũ, dẫn tới thất thoát tài sản nhà nước.
Cùng với đó, các chỉ đạo của lãnh đạo TP đối với Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng đều qua đường công văn, bản thân ông Lang chưa bao giờ trực tiếp gặp cựu chủ tịch UBND TP Trần Văn Minh.
Đáng chú ý, HĐXX nhiều lần đề cập tới nhận định của cấp sơ thẩm về việc Phan Văn Anh Vũ có mối quan hệ thân thiết với các cấp lãnh đạo TP Đà Nẵng và hỏi ông Lang biết gì về quan hệ giữa ông Minh với ông Vũ.
Bị cáo này đáp rằng với vai trò chủ tịch UBND TP và công ty bình phong của Bộ Công an, tất nhiên ông Minh và ông Vũ phải có quen biết nhưng quen biết đến mức thân thiết, sâu đậm như thế nào thì không thể nắm rõ.
Cựu giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng sau đó trình bày nhiều tình tiết (thành tích của bản thân, truyền thống gia đình…) để mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Câu hỏi trên cũng được HĐXX đặt ra với bị cáo Trần Phi (cựu tổng giám đốc Công ty XNK Đà Nẵng). Ông Phi bị cáo buộc giúp Phan Văn Anh Vũ “thâu tóm” nhà, đất số 106 Trần Phú và 34 Hoàng Văn Thụ.
Trả lời, ông Phi nói có nghe về mối quan hệ của ông Vũ với các lãnh đạo TP nhưng không biết thân thiết cụ thể ra sao.
Về phía mình, ông Phi biết ông Vũ có công ty kinh doanh bất động sản. Tháng 2-2008, Công ty XNK Đà Nẵng làm văn bản xin mua các dự án nhà, đất đã nêu, sau khi được TP đồng ý bán thì ông Vũ có tới gặp bị cáo để trao đổi việc chuyển nhượng quyền sử dụng.
Theo thỏa thuận trong hợp đồng, công ty của Phan Văn Anh Vũ hỗ trợ Công ty XNK Đà Nẵng 700 triệu đồng tại dự án 106 Trần Phú và 1,6 tỉ đồng tại dự án 34 Hoàng Văn Thụ.
Phan Văn Anh Vũ “có quyền lực rất lớn”
Tòa sơ thẩm nhận định lời khai của các bị cáo thuộc khối ủy ban đều khẳng định Phan Văn Anh Vũ có mối quan hệ thân thiết với các cấp lãnh đạo TP Đà Nẵng, đặc biệt là nguyên bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP. Các bị cáo này thường xuyên nhận được chỉ đạo của các lãnh đạo TP (gồm ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến – PV) trong việc chuyển nhượng dự án nhà, đất công sản cho Vũ. Ngày 30-1-2019, TAND TP Hà Nội xét xử Vũ về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ cũng đã nhận định bị cáo có quan hệ thân thiết với các quan chức khối ủy ban, đặc biệt là các cán bộ cấp cao của Bộ Công an. Vũ đã lợi dụng công ty bình phong để thực hiện mưu đồ cá nhân trong việc nhận chuyển nhượng dự án nhà, đất công sản. Các đơn từ do bị cáo trình lên đều được lãnh đạo UBND TP chấp thuận bằng bút phê. “Có dự án trong thời gian rất ngắn mà UBND đã xét duyệt cho bị cáo, điều đó khẳng định Vũ có quyền lực rất lớn” – HĐXX nhấn mạnh. |
Theo TUYẾN PHAN
Báo Pháp Luật