Chiều 12-6, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm đã tuyên chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết tội ông Lương Hữu Phước (người nhảy lầu tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước), để điều tra, xét xử lại.
Giao hồ sơ cho cấp tỉnh điều tra lại
Theo HĐXX, để có cơ sở xem xét toàn bộ vụ án có bỏ lọt người, lọt tội hay không, HĐXX chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Cấp cao hủy hai bản án trên, giao hồ sơ cho cấp tỉnh điều tra, xét xử lại.
Đại diện VKSND Cấp cao tại phiên tòa giám đốc thẩm, ông Hồ Sỹ Hoàn (Viện trưởng Viện Hình sự) nhấn mạnh đây là vụ án được dư luận và báo chí quan tâm. VKSND Cấp cao thống nhất quan điểm đối với các vấn đề mà kháng nghị nêu là hủy án phúc thẩm và sơ thẩm.
Ông Hoàn cho rằng ngoài những thiếu sót mà kháng nghị đã nêu, quá trình điều tra còn có một số vi phạm tố tụng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đánh giá chứng cứ và không đảm bảo khách quan trong thu thập chứng cứ.
Thứ nhất, bản ảnh hiện trường, sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám xe không mô tả vết nhớt để lại trên mặt đường, phản ánh vị trí hai xe ngã không phù hợp với lời trình bày của nhân chứng Bùi Tiến Sỹ. Ông này là người giữ hiện trường khi vụ tai nạn xảy ra xác định hai xe ngã chồng lên nhau.
Biên bản khám nghiệm hiện trường không ghi nhận đầy đủ dấu vết để xác định hiện trường có thay đổi hay không, ảnh hưởng đến việc chứng minh sự thật khách quan của vụ án.
Nhiều điểm chưa rõ
Thứ hai, theo đại diện VKS tại các phiên tòa phúc thẩm lần 1 và lần 2, ông Đỗ Xuân Tân là CSGT thực hiện khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông trình bày khi đến hiện trường thì ông Phước và ông Quý đã được đưa đi cấp cứu. Vì vậy, CSGT đã đo nồng độ cồn của Lâm Tươi trước, ngay sau đó đi vào bệnh viện đo nồng độ cồn của ông Phước. Khi đo thì ông Phước đang nằm ngủ, có ông Vòng Say Hồng chứng kiến ký vào phiếu đo nồng độ cồn (Bút lục 258, 459-460).
Tuy nhiên, tại các bút lục số 119, 221 là biên bản ghi lời khai thì ông Vòng Say Hồng trình bày không trực tiếp chứng kiến đo nồng độ cồn, chỉ ký vào tờ giấy do CSGT nhờ khi ông đang ở ngoài phòng cấp cứu. Khi ký, ông Hồng không đọc nội dung, sau này mới biết là phiếu đo nồng độ cồn của ông Phước.
Ngoài ra, tại Bút lục số 55-56 là phiếu đo nồng độ cồn của ông Phước và Lâm Tươi trên đó thể hiện phiếu của ông Phước có số thứ tự là 3133, Lâm Tươi là 3136. Như vậy, ông Phước được đo nồng độ cồn trước ông Lâm Tươi và còn thể hiện khi đo cho ông Phước xong còn đo hai lần khác mới đến thứ tự đo của Lâm Tươi. Diễn biến thứ tự đo nồng độ cồn của ông Phước và Lâm Tươi thể hiện trên phiếu đo nồng độ cồn và lời trình bày của ông Vòng Say Hồng hoàn toàn khác với lời trình bày của CSGT Đỗ Xuân Tân.
Theo VKS, lẽ ra khi ông Phước được đưa vào cấp cứu thì CSGT thực hiện nhiệm vụ phải yêu cầu bệnh viện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của ông Phước hoặc bệnh viện phải tự mình xét nghiệm. Việc CSGT Tân dùng máy đo nồng độ cồn bằng hơi thở của ông Phước trong cơ sở y tế là không đúng Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA (quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ).
Mặc dù trên phiếu đo nồng độ còn có chữ ký của ông Lương Hữu Phước nhưng việc đo lúc ông Phước đang ngủ và không có người chứng kiến trực tiếp. Lời trình bày của CSGT Tân về cách thức và trình tự đo nồng độ cồn của ông Phước không phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Do đó, việc đo nồng độ cồn của ông Phước không đảm bảo thủ tục và tính khách quan, chưa đủ điều kiện để làm chứng cứ của vụ án theo quy định tại Điều 86 BLTTHS 2015.
Thứ ba, xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, ông Phước khẳng định có quan sát trước khi điều khiển xe băng qua đường, khi quan sát hoàn toàn không thấy xe Lâm Tươi chạy đến. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa làm rõ được thời gian từ lúc ông Phước bắt đầu chuyển hướng cho đến khi xảy ra va chạm là bao lâu để tính vị trí của Lâm Tươi trên đoạn đường xảy ra tai nạn và thực nghiệm xác định với vị trí đó ông Phước có thấy được hay không là thiếu sót.
Thiếu sót này cần phải được ghi nhận trong quyết định giám đốc thẩm và yêu cầu phải tiến hành khi điều tra lại vì đây là tình tiết chứng minh ông Phước có lỗi để dẫn đến vụ tai nạn giao thông hay không.
Như vậy, theo VKS, quá trình điều tra vụ án có vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong việc khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ là nồng độ cồn của ông Phước. Ngoài ra, nhiều nội dung của vụ án chưa được điều tra làm rõ theo Điều 85 BLTTHS 2015 về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án. Đây là căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại, làm rõ lỗi của các bên nhằm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Do đó, kháng nghị của TAND Cấp cao tại TP.HCM là có căn cứ.