CÔNG TY LUẬT CÔNG BÌNH

Đề nghị truy tố vụ xâm phạm nhãn hiệu bia Sài Gòn

Đề nghị truy tố vụ xâm phạm nhãn hiệu bia Sài Gòn

45

Đề nghị truy tố vụ xâm phạm nhãn hiệu bia Sài Gòn
(PL)- Ngoài pháp nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam, cơ quan điều tra còn đề nghị truy tố giám đốc công ty này về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
 
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) vừa chuyển kết luận điều tra cùng hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can đối với pháp nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam và bị can Lê Đình Trung (giám đốc công ty) về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Bia Sài Gòn nhưng không phải của Sabeco
Theo kết quả điều tra, Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam (TP.HCM) được thành lập vào tháng 5-2019, do Lê Đình Trung là người đại diện pháp luật. Đến tháng 3-2020, người đại diện là bà Trần Thị Ái Loan. Công ty hoạt động trong lĩnh vực buôn bán đồ uống, sản xuất bia và mạch nha ủ men bia, bán lẻ đồ uống trong các cửa hàng chuyên doanh…

Đề nghị truy tố vụ xâm phạm nhãn hiệu bia Sài Gòn - ảnh 1
Sản phẩm có dấu hiệu “nhái” sản phẩm của Sabeco. Ảnh: CTV

Kết luận điều tra nêu ngày 15-4-2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam do bà Trần Thị Ái Loan là đại diện ký hợp đồng hợp tác sản suất và mua bán hàng hóa với chủ cơ sở sản xuất bia Biva (TP Bà Rịa, BR-VT) sản xuất bia mang nhãn hiệu BIA SAIGON VIETNAM cung cấp ngược lại cho Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam.

Thực hiện hợp đồng này, cơ sở sản xuất bia Biva đã sản xuất cho Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam một số lô hàng thành phẩm. Đến ngày 23-6-2020, khi hai bên đang giao nhận lô hàng thứ ba tại cơ sở Biva thì bị Cục Quản lý thị trường tỉnh BR-VT kiểm tra và lập biên bản. Cơ quan chức năng đã tạm giữ 4.712 thùng bia Sài Gòn Việt Nam thành phẩm, 116.700 vỏ lon bia cùng loại và 3.300 vỏ thùng bia chưa sử dụng.

Khi pháp nhân thương mại bị khởi tố thì việc tham gia tố tụng của pháp nhân đó thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.

Chế tài xử lý pháp nhân thương mại phạm tội hoàn toàn khác với cá nhân phạm tội. Cá nhân phạm tội thì chủ yếu bị phạt tù, pháp nhân phạm tội thì bị các hình phạt như: Phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn.

Luật sư Nguyễn Văn Dũ, Đoàn Luật sư TP.HCM 

Lý do tạm giữ là do sản phẩm Bia Sài Gòn Việt Nam có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ cho Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (viết tắt là Sabeco).
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh BR-VT đã ra quyết định trưng cầu Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) giám định để xác định yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Sau đó, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã ra bản kết luận dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM và hình khiên đứng + hình con rồng” gắn trên mặt trước, sau lon bia như mẫu giám định là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ của Sabeco.
Ngày 9-9-2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh BR-VT ra quyết định khởi tố vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Hơn một tháng sau, cơ quan CSĐT khởi tố bị can đối với pháp nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam.
Đến ngày 10-12-2020, cơ quan CSĐT có quyết định khởi tố bị can đối với Lê Đình Trung về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Quyết định này được VKSND tỉnh phê chuẩn.

Đề nghị truy tố vụ xâm phạm nhãn hiệu bia Sài Gòn - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tổng giá trị vi phạm hơn 1,4 tỉ đồng
Theo kết luận điều tra, tháng 12-2019, đại hội đồng cổ đông thành viên công ty họp biểu quyết 100% đồng ý thông qua nội dung: “Tất cả hoạt động từ khi thành lập đến nay và sau này liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công ty sẽ hoàn toàn do công ty chịu trách nhiệm về mặt pháp lý…”.
Quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty đã sản xuất hàng hóa bán ra thị trường khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Mặt khác, sản phẩm Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam sản xuất ra có dấu hiệu (kiểu dáng, mẫu mã bao bì, nhãn hiệu) xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm có nhãn hiệu được bảo hộ của Sabeco.
Cơ quan CSĐT xác định Lê Đình Trung là người từng làm việc nhiều năm tại Sabeco, được tiếp cận nhiều với các sản phẩm bia của công ty. Sau khi nghỉ làm việc tại Sabeco, Lê Đình Trung đã thành lập Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam, sản xuất các sản phẩm bia có kiểu dáng, nhãn hiệu tương tự sản phẩm bia của Sabeco để dễ tiêu thụ ra thị trường, đồng thời thu lợi nhuận cao…
Khi chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, Lê Đình Trung đã chủ động thiết kế kiểu dáng, nhãn hiệu sản phẩm, đặt mua nguyên vật liệu, bao bì.
Trung cũng chủ động đàm phán với cơ sở sản xuất bia Biva (BR-VT) để Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam ký hợp đồng và sản xuất ra số lượng 8,912 thùng bia SAIGON VIETNAM có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được bảo hộ của Sabeco.
Cơ sở sản xuất bia Biva đã giao cho Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam với giá 87.000 đồng/thùng (chưa có thuế VAT) để bán ra thị trường với giá 159.300 đồng/thùng (chưa có thuế VAT). Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 1,4 tỉ đồng…
Từ những lập luận trên, cơ quan điều tra Công an tỉnh BR-VT đã đề nghị truy tố bị can đối với Lê Đình Trung, bên cạnh việc đề nghị VKSND tỉnh này truy tố bị can là pháp nhân công ty do Trung làm giám đốc để xét xử về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

 Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội hai lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500 triệu đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỉ đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều này thì bị phạt tiền từ 2 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ sáu tháng đến hai năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ một năm đến ba năm.

(Điều 226 BLHS 2015)

 
Theo TRÙNG KHÁNH
Báo Pháp luật
Danh mục: Tin Pháp luật

Tác giả

Viết bình luận

<