BẠO HÀNH TRẺ EM BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT?
Theo quan niệm thời xưa, ông bà ta có câu “thương cho roi cho vọt”. Vì lẽ đó, mọi người nghiễm nhiên cho rằng người lớn có quyền răn đe, đánh đập để dạy bảo trẻ nhỏ. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp họ lợi dụng cái mác này để bạo hành, thậm chí gây thiệt mạng trẻ em. Vậy trường hợp nào là bạo hành trẻ em, hành vi đó đó có vi phạm pháp luật hay không và xử xử lý như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc trên.
Hành vi nào bị xem là bạo hành trẻ em?
Hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tại Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP, bao gồm:
- Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn, uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm;
- Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em
- Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn đến thể xác và tinh thần;
- Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người giám hộ;
- Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần.
Bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?
Tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại, người thực hiện bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (bồi thường tiền) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (ngồi tù, chung thân, tử hình). Theo đó:
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, những hành vi được liệt kê cụ thể như trên có thể bị phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng.
Pháp luật đã quy định hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một trong các tội sau đây theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134);
- Tội vô ý làm chết người (Điều 128);
- Tội giết người (Điều 123);
- Tội hành hạ người khác (Điều 140).
Bên cạnh đó, người có hành vi bạo hành còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của những trẻ em bị bạo hành một số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.
Trong những năm gần đây, tình trạng bạo hành nói chung và bạo hành trẻ em nói riêng đã diễn ra nhiều đến mức đáng báo động. Địa điểm diễn ra ngày càng đa dạng: từ trường mầm non, nhà trẻ, trường tiểu học, thậm chí ngay cả trong gia đình của chính những em nhỏ bị bạo hành. Vì vậy, việc tao ra các quy định pháp luật đặc thù để bảo vệ cho tính mạng và sức khỏe của trẻ em là vô cùng quan trọng.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật Công Bình về vấn đề quy định của pháp luật về hành vi bạo hành trẻ em cũng như các biện pháp xử lý thích hợp. Trường hợp Quý khách hàng có nội dung nào nhầm lẫn hoặc thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi.
Trân trọng!
Luật sư Lê Quang Vũ
BTV: Trần Thị Thanh Thủy
Công ty Luật TNHH MTV Công Bình
Số 21/2 Đường 14A, phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TPHCM
Điện thoại: 08 6622 3939
Email: luatcongbinh@luatcongbinh.vn