CÔNG TY LUẬT CÔNG BÌNH

Hồ sơ tài xế Mercedes bán nhà cho mẹ

Hồ sơ tài xế Mercedes bán nhà cho mẹ

90

Hồ sơ tài xế Mercedes bán nhà cho mẹ
(PL)- Hồ sơ do cơ quan điều tra cung cấp cho thấy cả tài xế Mercedes và mẹ anh ta đều có đơn xin gặp nhau trong trại tạm giam để anh ta bán nhà cho mẹ.
 
Trong vụ Nguyễn Trần Hoàng Phong lái xe Mercedes gây tai nạn khiến một người chết, một người thương tật 79%, dư luận nghi ngờ về việc bị cáo Phong tẩu tán tài sản để né trách nhiệm bồi thường dân sự. Trước khi xét xử phúc thẩm ba ngày, VKSND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu VKSND quận Phú Nhuận cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan đến việc Phong chuyển nhượng căn hộ của mình cho mẹ ruột trong thời gian bị tạm giam. 
Cả mẹ lẫn con đều có đơn xin gặp để bán nhà
Sau đó, VKSND quận Phú Nhuận đã yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an quận Phú Nhuận cung cấp hồ sơ. Theo thông tin mà PV nắm được, toàn bộ hồ sơ mà cơ quan điều tra (CQĐT) đã cung cấp thể hiện những nội dung liên quan đến nguồn gốc căn hộ, việc chuyển nhượng, và việc xin vào trại tạm giam để thực hiện việc công chứng chuyển nhượng.
Theo đó, căn hộ đã được chuyển nhượng cho mẹ Phong trong thời gian Phong bị tạm giam. Hồ sơ thể hiện Phong có đơn gửi CQĐT xin gặp mẹ và công chứng viên để công chứng hợp đồng chuyển nhượng căn hộ cho mẹ để mẹ Phong lo việc bồi thường.

Hồ sơ tài xế Mercedes bán nhà cho mẹ - ảnh 1
Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: CH

(Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 12-2020, Phong khai rằng khi mẹ Phong và công chứng viên vào làm việc thì cán bộ đưa văn bản yêu cầu ký. Phong đã ký nhưng hoàn toàn không biết mình đã ký văn bản gì, nội dung của văn bản ra sao).
Theo chi tiết hồ sơ, căn hộ mà Phong chuyển nhượng cho mẹ thuộc một chung cư ở phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM. Căn hộ được vợ chồng ông H. mua hồi tháng 5-2015, có diện tích 61,7 m2. Ngày 24-3-2018, vợ chồng ông H. chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại của căn hộ này cho Phong với giá 1,067 tỉ đồng. Thủ tục chuyển nhượng được công chứng đầy đủ.
Hồ sơ thể hiện: Ngày 18-6-2020, một văn phòng công chứng ở đường Ngô Gia Tự, quận 10, TP.HCM đề nghị được vào trại tạm giam để công chứng theo yêu cầu của mẹ Phong.
Quảng Cáo
 
Mẹ Phong cũng có đơn gửi CQĐT với nội dung xin gặp Phong. Trong đơn, bà xin phép cho bà và người đại diện văn phòng công chứng được gặp Phong để thực hiện các thủ tục công chứng chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ sang cho bà.
Ngày 22-6-2020, Phong có đơn gửi Công an quận Phú Nhuận xin gặp mặt mẹ để công chứng. Cùng ngày này, văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ giữa bà Mi (mẹ Phong) và Phong đã được công chứng.
Mẹ trả tiền cho con trong trại tạm giam
Hợp đồng công chứng có nội dung số tiền Phong đã thanh toán cho chủ đầu tư là 1,05 tỉ đồng (tương đương 97% tổng giá trị hợp đồng). Hồ sơ kèm theo còn có giấy xác nhận ngày 10-6-2020 của chủ đầu tư về việc chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đối với căn hộ và đồng ý cho Phong được chuyển nhượng căn hộ.
Giá trị chuyển nhượng hợp đồng giữa Phong và mẹ là 1,05 tỉ đồng (đã bao gồm khoản tiền mà Phong đã thanh toán cho chủ đầu tư). Mẹ của Phong trả tiền này cho Phong ngay sau khi văn bản chuyển nhượng được công chứng viên chứng nhận, có số công chứng…
Phong đã nộp gần 10 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng căn hộ cho mẹ. Chủ đầu tư ra văn bản xác nhận chấm dứt giao dịch với Phong, chuyển sang trực tiếp giao dịch với mẹ Phong.
Hồ sơ mà VKS yêu cầu CQĐT cung cấp có văn bản trả lời cho CQĐT của Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng về tình trạng pháp lý của căn hộ.
Theo văn bản trả lời này, cơ sở dữ liệu công chứng điện tử tại TP.HCM mà trung tâm đang quản lý thể hiện từ ngày 18-4-2015 đến ngày 26-1-2021 không có giao dịch mua bán, chuyển nhượng liên quan đến căn hộ.
Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu công chứng điện tử tại TP.HCM mà trung tâm đang quản lý lại thể hiện có hai giao dịch, mua bán, chuyển nhượng liên quan đến căn hộ. Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng giữa bên chuyển nhượng là vợ chồng ông H. và Phong được thực hiện năm 2018 và hợp đồng mua bán, chuyển nhượng giữa bên chuyển nhượng là Phong và người nhận chuyển nhượng là bà Mi (mẹ Phong).

 Trách nhiệm cơ quan tố tụng đến đâu?

Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 12-2020, TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã tuyên phạt Nguyễn Trần Hoàng Phong bảy năm sáu tháng tù và buộc bị cáo này bồi thường 1,4 tỉ đồng cho chị Nguyễn Thị Bích Hường (nữ tiếp viên hàng không) và 477 triệu đồng cho gia đình tài xế xe ôm công nghệ. 

Chị Hường và gia đình tài xế xe ôm công nghệ kháng cáo. Ngày 9-4, TAND TP.HCM đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn do luật sư của bị cáo vắng mặt không lý do. HĐXX ấn định thời gian mở lại phiên tòa vào ngày 22-4.

Điều 128 BLTTHS hiện hành quy định biện pháp kê biên tài sản được áp dụng đối với bị can, bị cáo bị truy tố về tội có quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Những người có thẩm quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam theo khoản 1 Điều 113 BLTTHS (trong đó, thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT, viện trưởng, phó viện trưởng VKSND các cấp) có quyền ra lệnh kê biên tài sản.

Theo quy định trên thì trường hợp của Phong thuộc một trong ba trường hợp cần kê biên tài sản để đảm bảo vấn đề bồi thường thiệt hại dân sự. Tuy nhiên, điều này đã không được cơ quan tố tụng thực hiện mà ngược lại, Phong còn được tạo điều kiện để chuyển nhượng tài sản duy nhất là căn nhà cho mẹ ruột mình. 

Theo CÙ HIỀN
Báo Pháp luật
Danh mục: Tin Pháp luật

Tác giả

Viết bình luận

<