Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ liệu có ai ‘chống lưng’ để ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu chui
TTO – Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ xem liệu có ai ‘bao che, chống lưng’ để ông Quyết có hành vi phi pháp bán cổ phiếu chui mang tính hệ thống như vậy.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 31-3, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói việc ông Trịnh Văn Quyết bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán là vấn đề rất nghiêm trọng.
Theo ông Hòa, ông Quyết hết lần này đến lần khác bán chui cổ phiếu và dù đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi gian dối, vi phạm pháp luật là “tội chồng tội”. Vì vậy, việc xử lý hình sự lần này là đúng đắn, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Hành vi vi phạm pháp luật đó làm lợi cho cá nhân ông Trịnh Văn Quyết hay Tập đoàn FLC và cụ thể thế nào cần đợi cơ quan điều tra làm rõ, kết luận.
Ông Hòa cũng đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ xem liệu có ai “bao che, chống lưng” để ông Quyết có hành vi phi pháp bán cổ phiếu chui mang tính hệ thống như vậy. Ngoài ông Quyết, cần làm rõ ở FLC hay các đơn vị khác, cá nhân nào đồng phạm, giúp sức.
Nhà đầu tư bị thiệt hại có thể kiện đòi bồi thường?
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu rõ luật pháp nước ta đã có quy định cụ thể chống thao túng, lừa đảo, giấu giếm thông tin trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên thực tế thời gian qua việc thực thi không quyết liệt, nghiêm khắc.
Ông dẫn chứng nhiều trường hợp, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nhưng không bị xử lý hình sự mà chỉ phạt hành chính. Trong khi lợi nhuận của những hành vi trục lợi trên thị trường chứng khoán có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng nhưng mức phạt so ra quá nhỏ dẫn đến việc “nhờn luật” và tái phạm.
Từ thực tế này, luật sư Trương Trọng Nghĩa đề xuất để chống thao túng, thổi giá, lừa đảo trên thị trường chứng khoán cần tăng cường áp dụng các quy định pháp luật quyết liệt, nghiêm khắc. Ngoài ra, cơ quan chức năng nếu thấy các văn bản dưới luật chưa đầy đủ cần bổ sung.
Thứ hai, cần tăng cường công cụ quản lý. Cụ thể, các cơ quan quản lý như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các bộ ngành, trên cả là Chính phủ phải có công cụ quản lý bao gồm công nghệ, nhiều biện pháp quản lý khác và sự phối hợp để kịp thời ngăn chặn các sai phạm.
Thứ ba, các doanh nghiệp, đặc biệt người chủ, quản lý doanh nghiệp đang niêm yết, kinh doanh trên thị trường chứng khoán phải tự nâng cao trách nhiệm để xây dựng thị trường lành mạnh, minh bạch. Khi thị trường lành mạnh, các nhà đầu tư sẽ yên tâm, tìm đến đầu tư, tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Thứ tư, ông Nghĩa nhấn mạnh chính các nhà đầu tư, kể cả nhỏ lẻ cũng phải tăng cường kiến thức, hiểu biết, tư vấn đầy đủ chứ đừng kinh doanh tự phát, chạy theo phong trào. Đồng thời, có trách nhiệm bảo vệ thị trường chứng khoán công bằng, minh bạch.
Trả lời câu hỏi khi hành vi thao túng gây hậu quả trực tiếp cho người mua cổ phiếu, nhà đầu tư có thể khởi kiện kẻ thao túng không, ông Nghĩa nêu rõ trường hợp người có hành vi thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý hình sự, ngoài trách nhiệm hình sự còn có trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại.
Do đó nhà đầu tư có thể gửi đơn đến tòa án, sau khi vụ án được đưa ra xét xử để yêu cầu giải quyết trách nhiệm dân sự. Trong quá trình xét xử, tòa án sẽ xem xét vấn đề này và sẽ xử lý phù hợp.
Tuy nhiên, việc bồi thường trách nhiệm dân sự cho các nhà đầu tư bị thiệt hại tương đối phức tạp vì phải chứng minh được thiệt hại thực tế, trong khi luật pháp hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể.