Hợp đồng bảo hiểm nhóm được hiểu như thế nào?

Hợp đồng bảo hiểm nhóm được hiểu như thế nào?

575

Bảo hiểm nhóm là loại hình bảo hiểm bảo vệ cho một nhóm người và thường có mức chi phí thấp hơn bảo hiểm cá nhân. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 mới chỉ xây dựng khung pháp lý cơ bản về hợp đồng bảo hiểm nhóm. Vậy, Pháp luật kinh doanh bảo hiểm 2022 đã có những quy định về hợp đồng bảo hiểm nhóm như thế nào? Hãy cùng công ty Luật Công Bình giải đáp thắc mắc về vấn đề này trong bài viết dưới đây:

Hợp đồng bảo hiểm nhóm là

Bảo hiểm nhóm là loại hình bảo hiểm con người và mới được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Hợp đồng bảo hiểm nhóm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài để bảo hiểm cho những người được bảo hiểm thuộc nhóm tham gia bảo hiểm trong cùng một hợp đồng bảo hiểm (khoản 1 điều 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

 

Đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm nhóm

Dựa theo Điều 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, hợp đồng bảo hiểm nhóm có những đặc điểm sau:

Mục đích của bảo hiểm nhóm là giảm chi phí tài chính cho bên mua bảo hiểm mà vẫn đạt được mục đích bảo hiểm và bảo vệ số đông người được bảo hiểm.

Do đó, sản phẩm bảo hiểm nhóm thường được áp dụng khi nhu cầu mua bảo hiểm xuất phát từ nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm với người được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm mong muốn mang lại lợi ích cho người được bảo hiểm.

Nhóm tham gia hợp đồng bảo hiểm phải là nhóm đã được hình thành không phải vì mục đích tham gia bảo hiểm.

Theo đó, nhóm tham gia bảo hiểm là thành viên, nhân viên trong các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội… với mục đích là sản xuất, kinh doanh, giải trí, nhân đạo, từ thiện…  chứ không phải là bạn bè, người quen hay những người ngẫu nhiên được lập thành một nhóm nhằm mục đích tham gia bảo hiểm.

Bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm có thể thỏa thuận cùng đóng phí bảo hiểm.

Trong hợp đồng bảo hiểm nhóm, tùy theo thỏa thuận, bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm sẽ đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm thường là tổ chức (đại diện cho nhóm như công ty, hội nghề nghiệp…) còn người được bảo hiểm là cá nhân có quyền lợi được bảo hiểm.

Người được bảo hiểm có quyền chỉ định người thụ hưởng cho trường hợp chết của người được bảo hiểm.

Trong bảo hiểm nhóm, người được bảo hiểm hoặc người đại diện của người được bảo hiểm có quyền chỉ định, thay đổi người thụ hưởng. Bên mua bảo hiểm chỉ mang tính chất đại diện mà có thể không có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Quyền lợi được bảo hiểm thực tế phát sinh giữa người được bảo hiểm với người thụ hưởng.

Theo khoản 4 điều 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, người được bảo hiểm chỉ có quyền chỉ định người thụ hưởng trong trường hợp chết mà không quy định quyền chỉ định người thụ hưởng trong trường hợp sống. Đồng thời, người được bảo hiểm  chỉ có quyền chỉ định người thụ hưởng mà không quy định quyền thay đổi người thụ hưởng.

* Lưu ý: Trong hợp đồng bảo hiểm nhóm, bên mua bảo hiểm không có quyền chỉ định người thụ hưởng (khoản 1 Điều 41 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

Quyền chuyển đổi hợp đồng bảo hiểm nhóm thành hợp đồng bảo hiểm cá nhân.

Khi người được bảo hiểm không muốn tiếp tục tham gia hợp đồng bảo hiểm nhóm thì có quyền chuyển đổi thành hợp đồng bảo hiểm cá nhân theo điều kiện và thủ tục được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm nhóm. Khi đó, người được bảo hiểm đồng thời trở thành bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm cá nhân.

Nội dung của hợp đồng bảo hiểm nhóm

Hợp đồng bảo hiểm nhóm có các nội dung chủ yếu sau (khoản 6 Điều 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022):

– Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;

– Đối tượng bảo hiểm;

– Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;

– Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;

– Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;

– Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;

– Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;

– Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

– Phương thức giải quyết tranh chấp;

– Điều kiện tham gia bảo hiểm đối với người được bảo hiểm;

– Điều kiện, thủ tục chuyển đổi thành hợp đồng bảo hiểm cá nhân.

Sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm nhóm

Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm nhóm trong 03 trường hợp sau đây (khoản 5 Điều 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022):

– Khi có ít nhất một người được bảo hiểm không còn là thành viên của nhóm;

– Phí bảo hiểm tính cho từng người được bảo hiểm không được đóng theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

– Trường hợp khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

 

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Công Bình về Hợp đồng  bảo hiểm nhóm theo Luật kinh doanh bảo hiểm mới nhất.

Trường hợp Quý khách hàng có nội dung nào nhầm lẫn hoặc thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

Xin cảm ơn!

 

Công ty Luật TNHH MTV Công Bình

Số 21/2 Đường 14A, phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TPHCM

Điện thoại: 096 567 3939 – 0913 663344

Email: luatcongbinh@luatcongbinh.vn

 

Danh mục: Chia sẻ, Dân sự

Viết bình luận

<