Vừa qua, TAND Tối cao đã công bố bảy án lệ mới. Trong đó có Án lệ 68/2023/AL về quyền nhận di sản bằng hiện vật là nhà ở của người thừa kế là người Việt Nam (VN) định cư ở nước ngoài.
Án lệ này dựa trên Quyết định giám đốc thẩm 06/2019/DS-GĐT về vụ án tranh chấp thừa kế, đòi công sức đóng góp nuôi dưỡng, trông nom, bảo quản nhà đất và đòi nhà đất giữa nguyên đơn bà H với bị đơn là bà H1.
Tranh chấp di sản là nhà đất
Theo nội dung vụ án, bà H là con duy nhất của cha mẹ bà. Sau đó, cha bà kết hôn với một phụ nữ khác và có một con chung là bà H1.
Sau khi cha chết, bà H khởi kiện bà H1 yêu cầu được chia thừa kế và nhận hiện vật.
Cạnh đó, ông D (cháu mẹ bà H1) cũng khởi kiện bà H1 yêu cầu được chia nhà đất là công sức nuôi dưỡng, chăm sóc, lo ma chay cho mẹ bà H1 và trông nom nhà đất. Do bà H1 đang cư trú tại Mỹ, mang quốc tịch Mỹ nên ông xin nhận hiện vật và thanh toán giá trị cho bà H1.
Sau khi nhập hai vụ án, xử sơ thẩm hồi tháng 5-2015, TAND TP.HCM chấp nhận yêu cầu của bà H và ông D, cho hai người này được nhận hiện vật là nhà đất.
Bà H1 sau đó kháng cáo, muốn nhận toàn bộ hiện vật. Tuy nhiên, TAND Cấp cao tại TP.HCM bác kháng cáo này nên bà H1 có đơn đề nghị giám đốc thẩm.
Sau đó, hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao đã hủy một phần bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm về việc chia công sức đóng góp, bảo quản tài sản… tương ứng bằng đất cho ông D và việc ông D được nhận toàn bộ hiện vật của bà H1.
Trong phần nhận định, hội đồng giám đốc thẩm cho rằng bà H1 không được quyền cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) nhưng được quyền chuyển nhượng hoặc được tặng cho QSDĐ thừa kế (do bà H1 là người VN định cư ở nước ngoài – PV). Việc tòa án hai cấp căn cứ Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 để xác định bà H1 không được cấp GCN QSDĐ và giao toàn bộ hiện vật đối với phần thừa kế của bà H1 cho ông D là không đúng.
Mặt khác, tại thời điểm xử phúc thẩm, Luật Nhà ở năm 2014 đã có hiệu lực. Khi đó, bà H1 đủ điều kiện nhận thừa kế nhà ở tại VN. Do pháp luật thay đổi nên tòa án cấp phúc thẩm phải sửa án sơ thẩm và giao toàn bộ hiện vật đối với phần thừa kế cho bà H1 mới đúng (đây cũng là nội dung được lựa chọn làm án lệ).
Áp dụng luật nào để giải quyết?
Là người đề xuất án lệ này, GS-TS Đỗ Văn Đại (Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên Hội đồng tư vấn án lệ thuộc TAND Tối cao) cho biết quan hệ thừa kế thường kéo dài với những vấn đề pháp lý xảy ra ở các thời điểm khác nhau như thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết hay được xác định đã chết), thời điểm yêu cầu chia di sản. Nếu các thời điểm này đều xảy ra ở thời điểm một luật đang có hiệu lực, luật này sẽ điều chỉnh. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp các sự kiện nêu trên xảy ra ở các thời điểm có luật khác nhau như trong vụ án trên (có thay đổi pháp luật) nên cần xác định pháp luật nào để điều chỉnh. Văn bản hiện nay chưa có hướng xử lý rõ ràng, đặc biệt khi di sản là nhà, QSDĐ.
Theo GS-TS Đại, thực tế nhiều người để lại di sản là QSDĐ và nhà ở chết trước khi Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực nhưng những người thừa kế lại yêu cầu chia di sản đó sau khi các luật này có hiệu lực. Trong khi cả hai luật trên vẫn chưa cho biết áp dụng luật trước đây hay luật này để giải quyết. Do đó, thực tiễn đã có sự lúng túng trong việc xác định quy định cần áp dụng.
Do đó, Án lệ 68 đã được thông qua với tình huống là người để lại di sản là quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ chết trước ngày Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực pháp luật (lần lượt là ngày 1-7-2014 và ngày 1-7-2015). Tranh chấp về chia thừa kế tài sản được tòa án giải quyết sau thời điểm Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực. Khi đó, tòa án áp dụng Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 để giải quyết.
Theo GS-TS Đại, án lệ này là cần thiết để áp dụng thống nhất pháp luật. Hướng của án lệ là thuyết phục, làm cho pháp luật về thừa kế dễ áp dụng (không phải áp dụng luật cũ, nay đã hết hiệu lực) và tạo điều kiện cho người thừa kế được bảo đảm quyền lợi.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận nhà ở khi đủ điều kiện
Luật Nhà ở đã có những thay đổi không chỉ tác động tới người thừa kế ở VN mà còn ảnh hưởng tới người thừa kế là người VN định cư ở nước ngoài.
Đặc biệt, Luật Nhà ở năm 2014 đã cởi mở hơn so với Luật Nhà ở trước đây về điều kiện để người VN định cư ở nước ngoài có thể sở hữu nhà ở tại VN. Có những người VN định cư ở nước ngoài không thể trở thành chủ sở hữu nhà ở tại VN khi áp dụng Luật Nhà ở trước đây nhưng với Luật Nhà ở năm 2014, họ có thể trở thành chủ sở hữu.
Để tạo điều kiện cho những người thừa kế như vừa nêu được hưởng di sản là nhà ở theo luật năm 2014 mặc dù người để lại di sản (thường là cha mẹ họ) đã chết trước khi có Luật Nhà ở năm 2014, Án lệ 68 còn khẳng định: “Trường hợp có người thừa kế là người VN định cư ở nước ngoài thì người thừa kế được nhận di sản bằng hiện vật là nhà ở khi đủ điều kiện nhận nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2014 và di sản có thể phân chia bằng hiện vật”.
Hướng như trên không chỉ bổ khuyết pháp luật, phù hợp với quy định của hiến pháp về “quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ” mà còn thể hiện tính nhân văn cao trong việc đối xử với những người con sống xa quê hương. Vì thực tế nhiều người VN định cư ở nước ngoài khao khát có một nơi ở tại quê hương khi trở về VN, đặc biệt khi đấy là nơi mà mình đã có thời thơ ấu gắn bó do cha mẹ để lại khi khuất bóng. Khao khát này phần nào đã được đáp ứng khi áp dụng án lệ trên.
GS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI
YẾN CHÂU- BÁO PL