Phiên tòa công khai, sao ghi âm, ghi hình phải xin phép ?

Phiên tòa công khai, sao ghi âm, ghi hình phải xin phép ?

45

Dự kiến, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV bấm nút thông qua vào ngày 24-6.

Dù vậy, quy định hạn chế ghi âm ghi hình tại phiên tòa của dự luật vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

hạn chế ghi âm ghi hình
Phóng viên tác nghiệp trong một phiên tòa tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tính công khai của phiên tòa

Tính công khai của phiên tòa là nguyên tắc phổ biến trên thế giới (Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966; Công ước châu Âu về quyền con người năm 1950).

Pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận tính công khai của phiên tòa. Điều này thể hiện tại Điều 103 Hiến pháp năm 2013 và trong các bộ luật tố tụng hiện hành.

ghi âm ghi hình

        (Tác giả Quỳnh Thư hiện đang làm việc tại VPLS Phạm Quốc Hưng)

Theo đó, TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, tòa có thể xét xử kín.

Các nguyên tắc xét xử, tranh tụng, quyền bào chữa của bị can, bị cáo được bảo đảm. TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

Ý nghĩa của phiên tòa công khai là nhằm phổ biến, tuyên truyền pháp luật, góp phần giáo dục công dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng quy tắc của xã hội, góp phần bảo đảm sự khách quan, công bằng, cũng như duy trì sự giám sát của nhân dân, góp phần vào quá trình phản biện xã hội,…

Với luồng ý kiến cho rằng ghi âm, ghi hình sẽ ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân nên phải hạn chế thì điều này cần xem lại.

Bởi lẽ, khi vụ việc được đưa ra tòa (các đương sự) hoặc bị đưa ra tòa (bị cáo) thì họ phải biết nguyên tắc tòa xét xử công khai, đã tham gia phiên tòa thì phải chấp nhận tính công khai.

Bị cáo, bị hại, nguyên đơn, bị đơn… phải chấp nhận việc thông tin liên quan đến mình được công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư… thì có thể yêu cầu tòa án xét xử kín. Việc này Hiến pháp cũng đã quy định. Còn người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng khác thì tất nhiên họ phải biết nguyên tắc “xét xử công khai” và họ đâu có lý do gì e ngại việc ghi âm, ghi hình, nếu họ hành xử đúng…?!

Quyền ghi âm, ghi hình tại phiên tòa

Bản chất của nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Bài viết trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư Pháp có nêu: “GS.TS Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhận định: Tòa án là nơi biểu hiện tập trung tính chất dân chủ và công khai trong hoạt động bảo vệ pháp luật. Ở đó, con người tìm thấy lẽ công bằng, tính nhân đạo, thiện và ác một cách trực tiếp và cụ thể qua các sự kiện pháp lý cụ thể”.

Phiên tòa công khai là nguyên tắc quan trọng của nhà nước pháp quyền. Đã công khai thì phải để cho tất cả mọi người được biết.

 

Do đó, việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa được xét xử công khai thì sao phải xin ý kiến? Trong khi đó, việc này chỉ cần thông báo để chủ tọa sắp xếp thuận tiện. Nếu quy định việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa thì trường hợp nào cho phép, trường hợp nào không cho phép? Không có quy định rõ ràng, mà do chủ tọa hoặc HĐXX quyết định thì vô hình chung đã tạo ra những quyền lực có thể áp dụng tùy nghi.

Việc ghi âm, ghi hình giúp cho tính công khai của phiên tòa được phổ biến rộng rãi, ghi nhận chính xác diễn biến, nội dung của phiên tòa. Mặc dù, phiên tòa do thư ký ghi lại nhưng khó tránh khỏi không đầy đủ, chính xác.

Cạnh đó, việc ghi âm cũng là để bảo vệ cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, khi có người cố ý bịa đặt những nội dung không đúng, để có căn cứ xử lý theo pháp luật. Thực tế đã có trường hợp luật sư đề nghị được ghi âm (dù việc này không ảnh hưởng đến phiên tòa) nhưng không được chủ tọa đồng ý. Hậu quả là diễn biến phiên tòa diễn ra khác, biên bản phiên tòa khác, bản án khác.

Đối với luồng ý kiến cho rằng, việc ghi hình làm ảnh hưởng đến tính nghiêm túc của phiên tòa thì cũng chưa hợp lý. Bởi lẽ, khi báo chí tác nghiệp đã có khu vực riêng, nếu họ cố ý gây mất trật tự thì chủ tọa dùng quyền điều hành của mình để xử lý.

Nếu có người cố tình lợi dụng việc ghi âm, ghi hình nhằm xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì hãy xử lý họ theo quy định của pháp luật. Đâu cần phải hạn chế quyền hiến định về việc xét xử công khai.

Do đó, việc ghi âm, ghi hình để thể hiện tốt tính công khai của phiên tòa, cần được phát huy hơn nữa. Thay vì hạn chế, dự thảo nên quy định mỗi phiên tòa đều phải được ghi âm ghi hình (việc này không hề khó và không tốn kém) để phiên tòa diễn ra nghiêm túc, công lý được thực thi, pháp chế xã hội chủ nghĩa được tôn trọng.

Thậm chí, nếu người dân cần, thì có quyền yêu cầu cung cấp các bản ghi âm đó và có thể trả khoản phí nhất định.

 

Đây cũng là nội dung phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 của công dân. Trường hợp ai cố tình làm sai thì xử lý theo quy định pháp luật.

Luật Tiếp cận thông tin 2016

Luật Tiếp cận thông tin 2016 quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Về nguyên tắc, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác.

QUỲNH THƯ – BÁO PL

Viết bình luận

<