Bị đơn yêu cầu chia tài sản trong trường hợp nguyên đơn chỉ yêu cầu giải quyết ly hôn, có phải là phản tố cần được chấp nhận

Bị đơn yêu cầu chia tài sản trong trường hợp nguyên đơn chỉ yêu cầu giải quyết ly hôn, có phải là phản tố cần được chấp nhận

52

Người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, mà không yêu cầu giải quyết việc chia tài sản chung vợ chồng, việc nuôi con. Nếu bị đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung vợ chồng cùng với giải quyết việc ly hôn, thì Tòa án giải quyết thế nào cho thỏa đáng?

1.Vướng mắc trong thực tiễn

Hiện nay có tình trạng rất phổ biến là khi người khởi kiện gửi đơn đến Tòa án, chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, mà không yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung vợ chồng, việc nuôi con, thì Tòa án chấp nhận đơn để thụ lý  giải quyết.

Trong trường hợp sau khi Toà án đã thụ lý đơn khởi kiện, thông báo cho bị đơn về việc thụ lý vụ án mà bị đơn có yêu cầu giải quyết việc chia tài sản chung vợ chồng cùng với giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, thì Tòa án ra thông báo, yêu cầu bị đơn nộp tiền tạm ứng án phí chia tài sản. Nếu bị đơn chấp nhận việc nộp tiền tạm ứng án phí về việc chia tài sản, thì Toà án chấp nhận yêu cầu này của bị đơn để giải quyết cùng với việc giải quyết yêu cầu ly hôn của nguyên đơn trong cùng một vụ án.

Nếu bị đơn không có điều kiện để nộp tiền tạm ứng án phí theo thông báo của Toà án, hoặc không chấp nhận nộp vì cho rằng nguyên đơn khởi kiện yêu cầu được ly hôn nên nguyên đơn phải nộp các loại tiền tạm ứng án phí, thì Tòa án không chấp nhận giải quyết yêu cầu này.

Về cách làm rất phổ biến trên, tác giả xin có mấy ý kiến sau:

Thứ nhất: Khoản 2 Điều 200 BLTTDS quy định như sau:“2. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn”.

Đối chiếu quy định này với yêu cầu nói trên của bị đơn có thể thấy:

Việc bị đơn yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung vợ chồng không phải là để bù trừ nghĩa vụ đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc được ly hôn. Nếu yêu cầu này được Tòa án chấp nhận cũng không dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn về việc được ly hôn.

Việc giải quyết yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng cũng không làm cho việc giải quyết yêu cầu được ly hôn của nguyên đơn được chính xác và nhanh hơn, mà ngược lại nhìn chung nó còn làm cho việc giải quyết yêu cầu được ly hôn của nguyên đơn phải kéo dài.

Do đó, yêu cầu của bị đơn về việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung vợ chồng cùng với việc giải quyết ly hôn không phải là phản tố cần phải được giải quyết trong vụ án tranh chấp ly hôn mà nguyên đơn khởi kiện.

Thứ hai: Khoản 1 Điều 25 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định như sau:“1. Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được min nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Nghị quyết này”.

Với quy định trên, rõ ràng khi mà ý kiến của bị đơn gửi cho Tòa án không phải là ý kiến phản tố cần phải được giải quyết cùng với vụ án mà nguyên đơn khởi kiện, thì Tòa án không thể buộc bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí. Việc Tòa án buộc bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu của bị đơn về vấn đề chia tài sản chung vợ chồng, mới chấp nhận giải quyết yêu cầu này cùng với yêu cầu của Nguyên đơn trong cùng một vụ án là không có căn cứ pháp luật.

2. Các cách giải quyết khác

Vậy đối với yêu cầu trên của bị đơn, để  không trái với khoản 2 Điều 200 BLTTDS và khoản 1 Điều 25 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Toà án có cách giải quyết nào khác không?

Theo tác giả có các cách giải quyết sau:

Cách thứ nhất: Giải quyết yêu cầu của bị đơn trong cùng vụ án nguyên đơn khởi kiện mà không buộc bị đơn phải nộp tạm ứng án phí. Việc không buộc bị đơn phải nộp tạm ứng án phí trong trường hợp này rõ ràng là đúng theo tinh thần của khoản 1 Điều 25 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuy vậy cách làm này lại trái với quy định có tính xuyên suốt của pháp luật tố tụng dân sự trong vấn đề án phí tòa án, đó là đương sự phải nộp tạm ứng án phí khi yêu cầu Tòa án giải quyết việc tranh chấp tài sản (trong đó có chia tài sản chung vợ chồng).

Mặt khác theo cách giải quyết này có thể phát sinh tình trạng Cơ quan thi hành án dân sự không thu được tiền tạm ứng án phí chia tài sản chung vợ chồng trong các vụ án hôn nhân và gia đình, từ đó dẫn đến việc thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn trong việc thu các khoản tiền cho Ngân sách nhà nước.

Cách thứ hai: Không chấp nhận giải quyết yêu cầu trên của bị đơn trong cùng vụ án mà nguyên đơn khởi kiện; hướng dẫn cho bị đơn khởi kiện bằng một vụ án khác, nếu Tòa án giải quyết cho vợ chồng được ly hôn theo yêu cầu của nguyên đơn. Tất nhiên khi đó bị đơn trong vụ án ly hôn sẽ trở thành nguyên đơn trong vụ án chia tài sản chung vợ chồng và phải nộp tạm ứng án phí theo quy định pháp luật. Cách làm này rõ ràng là không trái với khoản 2 Điều 200 BLTTDS năm 2015 về vấn đề phản tố của bị đơn, không trái với khoản 1 Điều 25 Nghị quyết số326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

 Tuy vậy hôn nhân, tài sản, nuôi con là 3 vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau khi hai người kết hôn và cần được giải quyết dứt điểm khi hôn nhân không còn. Không mấy khi xảy ra trường hợp hai người ly hôn mà về lâu dài không phân chia tài sản chung. Việc bị đơn có yêu cầu giải quyết chia tài sản chung vợ chồng trong cùng một vụ án khi nguyên đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn lại không được Toà án chấp nhận là điều rất khó giải thích để được dư luận xã hội đồng tình. Mặt khác, việc đẩy gánh nặng phải nộp tiền tạm ứng án phí cho người bị người kia chủ động chia tay về mặt tình cảm là điều không thoả đáng về mặt đạo lý. Và thực tế bị đơn trong các vụ án yêu cầu ly hôn này thường là người gặp khó khăn hơn người kia về kinh tế, buộc họ phải chịu nộp tiền tạm ứng án phí là không nên.

Cách thứ ba: Tòa án chỉ chấp nhận thụ lý đơn khởi kiện của nguyên đơn khi nguyên đơn yêu cầu giải quyết đồng thời cả ba mối quan hệ trong vụ án hôn nhân và gia đình, hoặc kèm theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là ý kiến đồng ý của bị đơn về việc không yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung vợ chồng.

Có ý kiến cho rằng cách giải quyết này vi phạm một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự là quyền quyết định của đương sự trong việc khởi kiện. Cụ thể nếu đương sự chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về ly hôn mà tòa án buộc đương sự phải yêu cầu thêm về giải quyết phân chia tài sản chung vợ chồng là vi phạm nguyên tắc về quyền quyết định của đương sự trong việc khởi kiện.

Tuy vậy cũng có ý kiến khác cho rằng cách giải quyết thứ ba này là hoàn toàn đúng pháp luật, không vi phạm nguyên tắc nói trên, vì nếu bị đơn cũng có nguyện vọng không yêu cầu Tòa án chia tài sản chung vợ chồng trong vụ án này, thì hai bên có thể thỏa thuận việc này, gửi ý kiến cho Tòa án để Tòa án không buộc nguyên đơn phải đưa yêu cầu này vào đơn khởi kiện. Còn nếu ý kiến của bị đơn là mong muốn Tòa án đồng thời giải quyết vấn đề chia tài sản chung vợ chồng cùng với vấn đề ly hôn, thì việc Tòa án buộc Nguyên đơn phải đưa yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng vào đơn khởi kiện là không trái với nguyên tắc nói trên, vì vấn đề hôn nhân và tài sản chung vợ chồng là hai vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau. Nguyên đơn đã quyết định yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề hôn nhân thì đồng thời cũng phải yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề tài sản chung vợ chồng, không thể đùn đẩy việc này cho bị đơn để tránh phải nộp tiền tạm ứng án phí chia tài sản và đạt được mục đích sớm được Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Tác giả đồng tình với cách giải quyết thứ ba này.

3. Kiến nghị

Tình huống mà bài viết nêu hiện nay là vướng mắc lớn trong thực tiễn xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình ở các địa phương. Giải quyết tình huống này như cách làm phổ biến hiện nay của các Tòa án mà bài viết đã đề cập ở trên, hay như một trong ba cách nêu ở phần 2 bài viết này là rất cần có sự thống nhất và đúng pháp luật.

Do đó thông qua bài viết này, xin kiến nghị TANDTC và các Cơ quan chức năng nên quan tâm vấn đề này để có văn bản hướng dẫn, giúp cho việc áp dụng pháp luật của các Tòa án được thống nhất và đúng pháp luật./.

TAND huyện Chư Sê, Gia Lai xét xử sơ thẩm rút kinh nghiệm đối với vụ án  “ly hôn, tranh chấp nuôi con” – Ảnh: Nguyễn Thị Ngân

HOÀNG QUẢNG LỰC (TAND tỉnh Quảng Bình)

Viết bình luận

<