Dù cơ quan thuế nhiều lần khẳng định biện pháp cưỡng chế tạm dừng xuất cảnh với lãnh đạo doanh nghiệp nợ thuế quá hạn, số tiền “siết nợ” thực tế chỉ bằng 1% tổng số nợ thuế, nhưng thiệt hại của doanh nghiệp thì nhiều hơn. Vậy làm thế nào cho thỏa đáng?
Doanh nghiệp nguy cơ phá sản vì CEO bị “bó gối”
Hãng hàng không Bamboo Airways vừa có công văn gửi Bộ Tài chính và Cục Thuế tỉnh Bình Định đề nghị bỏ tạm hoãn xuất cảnh Tổng giám đốc (CEO) Lương Hoài Nam. Sau gần 1 tháng kể từ ngày Cục Thuế tỉnh Bình Định gửi thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) vì lý do doanh nghiệp (DN) chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách (tính đến 31.7, số tiền nợ thuế là 296,1 tỉ đồng), DN này đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn và hệ lụy.
Trong công văn “cầu cứu” dài 6 trang, bà Lê Thị Trúc Quỳnh, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết quá trình tái cấu trúc của Bamboo Airways đang bị cản trở và gián đoạn do ông Nam không thể tham gia các buổi làm việc, đàm phán với các đối tác theo kế hoạch đã được thống nhất. Quá trình tái cơ cấu khoản nợ và huy động nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn bởi đối tác, nhà cung cấp yêu cầu thanh toán; ngân hàng dừng giải ngân và triển khai biện pháp thu hồi nợ trước hạn. Bên cạnh đó, thông tin gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin từ phía khách hàng và đối tác. Ngay lập tức, doanh thu của Bamboo Airways bị giảm sút nghiêm trọng (khoảng 60%) so với thời điểm trước đó, do nhiều đối tác hủy bỏ hợp đồng, khách hàng không tiếp tục sử dụng sản phẩm/dịch vụ của công ty.
Đáng chú ý, lãnh đạo Bamboo Airways cho rằng những khó khăn hiện hữu nếu không được hỗ trợ khắc phục, giải quyết trong thời gian sớm từ các cơ quan thì Bamboo Airways có thể buộc phải dừng hoạt động, đứng trước nguy cơ phá sản. “Điều này cũng có thể kéo theo sự đổ vỡ mang tính dây chuyền do các ngân hàng không thể thu hồi được nhiều nghìn tỉ đồng nợ vay; các nhà cung cấp không thể thu hồi được chi phí liên quan đến việc cung cấp hàng hóa/dịch vụ; nhà nước không thu hồi được nợ thuế; người tiêu dùng mất đi một hãng hàng không có dịch vụ bay chất lượng với mức giá cạnh tranh. Theo đó, thị trường hàng không, thị trường du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, văn bản nêu rõ.
Trước CEO Bamboo Airways, trường hợp Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) Nguyễn Tâm Thịnh bị nêu đích danh trong công văn đề nghị tạm hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cũng làm trầm trọng hơn tình trạng khó khăn tích tụ của DN này. Từ đầu năm đến nay, danh sách các doanh nhân bị hạn chế xuất cảnh ngày càng dài ra và công bố công khai ở rất nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, có những món nợ chưa đến một triệu đồng. Tình trạng trên khiến rất nhiều DN rơi vào tình cảnh khốn đốn, còn các doanh nhân thì thấp thỏm không biết mình có tên trong “sổ đen” hay không.
Chủ một DN xuất khẩu nông sản tại một tỉnh phía nam chia sẻ DN của ông do chưa được hoàn thuế, nên nợ tiền thuế quá hạn bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với hàng xuất, nhập khẩu từ hơn 3 tháng qua. “Kế toán công ty tôi mới báo người đại diện pháp luật của công ty có thể bị tạm hoãn xuất cảnh, bởi đã có cảnh báo từ cán bộ thuế rồi, chưa biết khi nào. Từ kế hoạch cá nhân tới công việc đang bị ảnh hưởng rất nhiều. Các DN nợ thuế vì gặp khó khăn tài chính chứ có phải trốn thuế đâu? Cấm người điều hành xuất cảnh thì các DN vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn, làm sao ổn định được và phát triển trở lại để trả nợ thuế?”, vị này đặt vấn đề.
Phải siết đúng đối tượng
Luật sư (LS) Phạm Hoài Nam, điều hành Hãng Luật Bến Nghé Sài Gòn, đánh giá biện pháp tạm hoãn xuất cảnh để xử lý nợ đọng thuế của các DN vẫn còn nhiều bất cập. Đầu tiên, theo quy định hiện hành, người đại diện pháp luật của DN có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu DN không hoàn thành nghĩa vụ thuế. Thực tế, đối với các tập đoàn, DN lớn đã cổ phần hóa hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán thì người đại diện pháp luật đôi khi chỉ là người lao động được thuê để quản lý DN, không phải là chủ sở hữu hay người có quyền kiểm soát tài chính của DN. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người đại diện pháp luật bị ảnh hưởng bởi các quyết định tài chính mà họ không trực tiếp kiểm soát, gây ra sự bất công trong quá trình áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Chưa kể, họ chỉ làm việc với DN theo hợp đồng lao động, nếu cấm xuất cảnh có thể vi phạm vào các quy định khác về quyền công dân. “DN nợ thuế nhưng việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người đứng đầu lại mang hàm ý họ có ý định bỏ trốn nên phải giăng lưới để chặn lại. Điều này rất tai hại, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín cá nhân và DN”, ông Nam chỉ rõ.
Đặc biệt, theo LS Nam, đối với các DN kinh doanh trong các lĩnh vực có yếu tố hợp tác quốc tế, kinh doanh toàn cầu thì việc hạn chế đi lại đối với người đứng đầu DN càng kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Các kế hoạch, lộ trình liên kết hợp tác sẽ bị trì hoãn, việc thu hút đầu tư cũng bị ảnh hưởng, kéo theo thiệt hại đối với cả nền kinh tế chung của đất nước.
“Chúng ta cần nghiên cứu lại để có những phương án khác phù hợp hơn, vừa đảm bảo truy thu nợ thuế hiệu quả nhưng vẫn phải đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân và hoạt động kinh doanh của DN. Đơn cử, quy định cụ thể những người đang là đại diện pháp luật hoặc góp vốn vào công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế nhưng làm hồ sơ đi định cư nước ngoài thì xem xét hạn chế xuất cảnh. Còn cá nhân nào lợi dụng việc đi du lịch, đi công tác cố tình trốn lại nước ngoài khi còn nợ thuế thì cũng sẽ vi phạm quy định của nước sở tại, có thể áp dụng các hiệp ước dẫn độ để xử lý. Ngoài ra, có rất nhiều phương án để kiểm soát hoạt động kinh doanh của DN từ ngân hàng, kiểm soát nguồn tiền, hoặc hạn chế tham gia đầu tư mới tại các dự án, lĩnh vực khác…”, LS Phạm Hoài Nam gợi ý.
Đồng tình, TS, LS Châu Huy Quang, Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Rajah & Tann LCT, phân tích: Pháp luật chưa quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế tối thiểu, cũng như các điều kiện để có thể áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cho mọi đối tượng, bất kể giá trị khoản nợ thuế có thể ảnh hưởng không chỉ đến DN, mà còn vô tình phương hại đến cá nhân người đại diện theo pháp luật – trong trường hợp người này đã không còn làm việc tại DN nợ thuế nhưng chủ sở hữu DN chưa thực hiện thủ tục thay đổi và đã bỏ trốn.
Ngoài ra, về thẩm quyền ban hành và xử lý, hiện nay theo quy định tại điều 21 Nghị định 126/2020, quyết định tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ban hành theo đề nghị của cơ quan thuế. Trên thực tế, có trường hợp cá nhân sau khi biết mình bị tạm hoãn xuất cảnh đã đề nghị được nộp thuế ngay để kịp chuyến công tác, công vụ. Tuy nhiên cơ quan quản lý xuất nhập cảnh không thể xử lý mà yêu cầu người này phải liên hệ cơ quan thuế để nộp và gỡ bỏ biện pháp nói trên. Việc này xảy ra không chỉ đối với những người đại diện pháp lý trong nước mà cả với những giám đốc, đại diện pháp luật được thuê từ các DN FDI ở VN. Theo đó, việc trì hoãn xuất cảnh nếu bị lạm dụng có khi gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bình thường của DN. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế liên thông về nộp tiền và gỡ bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh nhanh nhất có thể là cần thiết.
Nhà nước nên có quy định cụ thể về hạn, ngưỡng nợ thuế tối thiểu hợp lý để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Cần bãi bỏ việc cấm tạm xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người làm thuê, người làm theo hợp đồng lao động, không áp dụng trách nhiệm cá nhân đối với nhóm người đại diện theo pháp luật này phải liên đới đến một vấn đề pháp nhân đôi khi không thuộc trách nhiệm cá nhân của họ.
TS, LS Châu Huy Quang, Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Rajah & Tann LCT
https://thanhnien.vn/tam-dung-xuat-canh-nguoi-no-thue-da-thoa-dang-185241014214150721.htm?
Theo Hà Mai – Nguyên Nga – Báo Thanh niên