Vụ việc bà NTML (trú thị trấn Đak Đoa, Gia Lai) bị Công an huyện Đak Đoa xử phạt 2 triệu đồng về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản sau khi nhặt được điện thoại tại trụ ATM đang gây tranh cãi trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt của công an huyện là chưa thỏa đáng bởi bà L. đã chủ động trả lại chiếc điện thoại.
Có thể phạt cảnh cáo
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, chiều 15-2, ông NVN đến trụ ATM của một ngân hàng để rút tiền. Rút tiền xong, ông N. đi ra nhưng để quên một điện thoại (trị giá khoảng 3 triệu đồng) trên bàn phím của trụ ATM. Khoảng 20 phút sau, ông N. quay lại tìm thì chiếc điện thoại trên đã mất. Mấy ngày sau, ông N. đến ngân hàng để nhờ trích xuất camera an ninh thì thấy bà L. vào rút tiền và lấy chiếc điện thoại mang đi.
Ông N. trình báo và cơ quan công an xác định khi thấy chiếc điện thoại, bà L. lấy đem về dùng mà không trình báo cơ quan chức năng để trả lại người bị mất. Hiện bà L. đã giao nộp lại chiếc điện thoại cho ông N., tuy nhiên bà vẫn bị xử phạt theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…).
Theo luật sư (LS) Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn LS TP.HCM, khoản 1 Điều 230 BLDS 2015 quy định: Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người mất thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó. Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Trường hợp này bà L. không giao nộp cho cơ quan chức năng mà giữ chiếc điện thoại để sử dụng cho đến khi bị Công an huyện Đak Đoa phát hiện ra. Vì thế việc công an xử phạt hành chính bà như trên là có căn cứ. “Tuy nhiên, bà L. đã có thiện chí trả lại và tài sản chỉ có giá trị 3 triệu đồng nên thay vì phạt 2 triệu đồng thì áp dụng hình thức phạt cảnh cáo bà L. sẽ nhân văn, thuyết phục mà vẫn có tác dụng răn đe. – LS Ý nói.
Phải đánh giá rõ ý thức
ThS Võ Văn Tài, Phó Khoa kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM, cho biết: Người nào nhặt được của bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên và người mất tài sản hoặc cơ quan chức năng đề nghị trả lại mà cố tình không trả lại mới được xem là phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 176 BLHS.
Trong vụ này, chiếc điện thoại được xác định có giá trị là 3 triệu đồng thì bà L. không phải chịu trách nhiệm hình sự và bà cũng đã tự nguyện trả lại tài sản khi có yêu cầu. Tuy nhiên, nếu xử phạt hành chính thì cũng cần áp dụng pháp luật tương tự như quy định tại Điều 176 BLHS.
Nói cách khác, phải căn cứ vào việc chủ sở hữu hoặc cơ quan chức năng đề nghị trả lại mà người nhặt được tài sản không chịu giao nộp thì việc xử phạt mới hợp lý. Ban đầu bà L. chưa có ý thức trả lại điện thoại mà tạm thời bà giữ để xài nhưng sau đó, bà L. có thiện chí để trả lại và điện thoại bị bỏ quên có giá trị nhỏ, việc xử lý hành chính với mức 2 triệu đồng là không nên. “Lưu ý, điều kiện ràng buộc ở đây là cơ quan yêu cầu nhưng bà L. không trả mới xem là vi phạm theo đúng tinh thần của luật” – ThS Võ Văn Tài nói.
Một thẩm phán chuyên xử án hình sự cho rằng nguyên tắc chung việc xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013 với những trường hợp tương tự như trên là đúng. Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải lúc nào người dân cũng nắm rõ quy định tự trình báo cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, đôi khi do tài sản nhặt được có giá trị thấp, người nhặt được bận chưa có thời gian đi trình báo… nên cần xem xét kỹ khi quyết định xử phạt.
Cố tình không trả lại tài sản mới bị phạt
Muốn truy cứu trách nhiệm hình sự bà L. thì phải có hai điều kiện như đã phân tích. Muốn xử phạt hành chính bà L. theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013 thì người có thẩm quyền phải chứng minh được bà L. đã cố tình không trả lại tài sản dù chủ sở hữu hợp pháp đã có yêu cầu được nhận lại tài sản đó. Cần nhận thức rằng không phải ai cũng am hiểu pháp luật và có cách xử sự đúng theo quy định của khoản 1 Điều 230 BLDS 2015 nói trên. Thực tế, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan tác động đến người nhặt được tài sản khiến họ không thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất. Có thể họ cho rằng tài sản nhặt được thì đương nhiên là của mình. Có người lại cho rằng tài sản có giá trị không đáng kể thì không cần phải khai báo bởi vì khai báo mất thời gian, phiền phức về thủ tục… Ngoài ra, cũng có người nhặt được tài sản đánh rơi nhưng do bận rộn nên cứ tạm thời giữ đó, rảnh rỗi mới đi trình báo. Đối với những trường hợp này mà xử lý hình sự hay xử phạt hành chính thì không cần thiết bởi rất khó chứng minh được yếu tố lỗi cố ý – dấu hiệu đặc trưng, bắt buộc phải có nếu muốn xử lý về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Tuy nhiên, khi chủ sở hữu hợp pháp đã có yêu cầu được nhận lại tài sản mà vẫn không trả thì mới thể hiện rõ ràng yếu tố cố tình không trả lại tài sản. Lúc này đây, hành vi chiếm giữ trái phép tài sản mới cấu thành một vi phạm hành chính hay vi phạm hình sự (tùy theo giá trị tài sản). Trong vụ việc này, nếu ông N. đã có yêu cầu nhận lại tài sản (thông qua tin nhắn, điện thoại…) mà bà L. không trả lại thì việc xử phạt là có cơ sở. Ngược lại, nếu ông N. không có yêu cầu nhận lại tài sản thì không thỏa cấu thành của vi phạm hành chính để xử phạt bà L. TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Luật TP.HCM |