Nghịch lý công chứng, chứng thực

Nghịch lý công chứng, chứng thực

64

(PLO)- Cùng chứng những loại công việc, những nội dung như nhau nhưng nếu công chứng viên làm thì gọi là công chứng, nếu trưởng phòng tư pháp, chủ tịch xã làm thì gọi là chứng thực…

Ở TP.HCM, muốn bán chiếc xe máy cũ vài triệu đồng ta phải đưa vợ/chồng (nếu có) kèm theo CCCD, cà vẹt, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận độc thân… rồi cùng người mua đi công chứng với nhiều bước kiểm tra mướt mồ hôi. Trong khi đó, ở nhiều tỉnh, thành khác, muốn bán miếng đất nhiều tỉ chỉ cần đến UBND xã ký tên, đóng dấu cái rụp vào hợp đồng!

Khác biệt lạ lùng này đã tồn tại trong nhiều năm trời. Cớ sự phát sinh do quy định của pháp luật có sự phân biệt giữa công chứng và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Nghịch lý công chứng, chứng thực ảnh 1
Người dân đến thực hiện thủ tục công chứng tại một văn phòng công chứng ở TP.HCM.
Ảnh : NGUYỄN HIỀN

Theo Luật Công chứng 2014, công chứng là việc công chứng viên (CCV) của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản. Tính xác thực, hợp pháp đó được thể hiện qua việc CCV chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch đúng là chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người tham gia hợp đồng, giao dịch.

Còn theo Nghị định 23/2015 thì chứng thực là việc cơ quan có thẩm quyền như là phòng tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Từ chỗ cho phép CCV, phòng tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã được làm nhiều công việc như nhau (chứng hợp đồng, giao dịch động sản, bất động sản…), các quy định hiện hành cho phép người dân được chọn lựa hoặc công chứng, chứng thực.

Đơn cử, theo quy định về đăng ký xe năm 2014 của Bộ Công an, giấy bán, tặng cho xe của cá nhân phải được công chứng hoặc được UBND cấp xã chứng thực chữ ký. Đến năm 2020 thì bộ này quy định là giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân có xác nhận công chứng hoặc chứng thực. Với Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực (trừ trường hợp kinh doanh bất động sản theo quy định). Với Luật Nhà ở 2014, mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng.

Theo đó, tuy đều cùng chứng những loại công việc, những nội dung như nhau nhưng nếu CCV làm thì gọi là công chứng, nếu trưởng phòng tư pháp, chủ tịch xã làm thì gọi là chứng thực (?).

Điều đáng lưu ý nữa là nếu nhiều tỉnh trên cả nước thực hiện răm rắp các quy định nêu trên thì TP.HCM không làm như thế. Tại sao? Tuy không có sự chính thức thừa nhận mức độ “xịn sò” giữa văn bản được công chứng, chứng thực nhưng CCV thường được tin tưởng nhiều hơn về đẳng cấp nghiệp vụ. Bởi lẽ theo luật, CCV phải là người có thời gian công tác pháp luật từ năm năm trở lên; tốt nghiệp khóa đào tạo nghề hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề, đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự nghề công chứng.

Vậy nên từ rất lâu, để chuyên nghiệp và hợp lý hóa, UBND TP.HCM đã quyết định chuyển giao rất nhiều việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, xã sang cho các tổ chức hành nghề công chứng. Đây là lý do khiến người dân ở nhiều tỉnh, thành có thể đến UBND cấp xã chứng giấy mua bán xe hay đối với cả hợp đồng, giao dịch nhà, đất vốn phức tạp nên dễ có rủi ro, tranh chấp…, trong khi ở TP.HCM người dân nhất định phải đi công chứng để tăng sự an toàn pháp lý.

Hẳn là trước đây việc đi lại lắm khó khăn, chỉ có mỗi công chứng nhà nước (cách gọi các phòng công chứng nhà nước do UBND cấp tỉnh thành lập) nên pháp luật mới phải quy định ai làm cũng được để rồi gây ra các cắc cớ nêu trên. Nay các trở ngại khách quan ấy đã hết, nhất là với quy luật có cầu ắt có cung nên không lo thiếu công chứng tư (cách gọi các văn phòng công chứng do các CCV thành lập).

Vậy có còn cần giữ song song hai hệ thống công chứng và chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch gây lãng phí nguồn lực, dẫn đến tình trạng không ít tài sản được chuyển dịch nhiều lần tại cùng thời điểm mà không phát hiện ra do cơ sở dữ liệu về công chứng, chứng thực chưa có sự liên thông, kết nối?

Rất may, Bộ Tư pháp giờ đã nhận ra sự chồng chéo, trùng lặp không hay nêu trên nên đang dự kiến sửa đổi Luật Công chứng 2014 theo hướng không cho phép phòng tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã chứng hợp đồng, giao dịch nữa. Thành thử, hãy cùng chờ Luật Công chứng và nhiều luật khác nữa được sửa đổi để tránh ông chằng bà chuộc. Trong đó, cũng hy vọng là thủ tục mua bán xe máy cũ ít tiền sẽ được điều chỉnh theo hướng gọn lẹ để người dân đỡ nhọc nhằn không đáng.

Luật sư NGUYỄN THỊ THU TÂM (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Danh mục: Chia sẻ, Dân sự

Viết bình luận

<