Tính đến nay đã có 63 án lệ được công bố. Thực tiễn xét xử cho thấy tòa án đã dần vận dụng các án lệ để giải quyết, trong đó nhiều nhất là các vụ án dân sự.
Bản án số 08/2023/DS-ST dưới đây của TAND tỉnh Hải Dương đã vận dụng hai án lệ để giải quyết.
Vận dụng hai án lệ để giải quyết
Cha mẹ bà N chung sống với nhau từ năm 1958. Ngoài ra, mẹ bà N (cụ L) chung sống với người khác, cha bà N cũng chung sống với người khác.
Quá trình chung sống, cha mẹ bà tạo dựng được một khối tài sản chung là mảnh đất gồm ba thửa có ngôi nhà mái ngói. Sau này, vợ chồng ông Th (là con của cha bà với người vợ khác) đã phá đi để xây nhà mới. Vợ chồng ông Th còn tặng hai thửa cho hai con.
Bà N đi kiện để hủy các giấy chứng nhận (GCN) đã cấp cho vợ chồng ông Th và hai con; chia thừa kế cho các đồng thừa kế…
Hình minh họa |
HĐXX cho rằng về quan hệ hôn nhân, không có cơ sở để công nhận quan hệ hôn nhân thực tế của cha mẹ bà N. Đối với quan hệ hôn nhân giữa mẹ bà N và người chồng khác, tuy họ không đăng ký kết hôn nhưng sống chung và có hai con chung.
Đến trước năm 1960, cụ L bỏ đi nơi khác sinh sống, hai cụ không qua lại với nhau, quan hệ hôn nhân thực tế đã chấm dứt từ nhiều năm, không còn nghĩa vụ gì với nhau. Căn cứ Án lệ số 41/2021, HĐXX không công nhận quan hệ hôn nhân hợp pháp giữa cụ L và người chồng này.
HĐXX nhận định rằng mảnh đất tranh chấp là tài sản của cha mẹ bà N. Tuy nhiên, do không tồn tại hôn nhân thực tế nên đây không phải là tài sản chung hợp nhất mà là tài sản chung theo phần. Căn cứ vào quá trình sử dụng đất, công sức đóng góp, mẹ bà N được hưởng 60%, cha bà N 30%, vợ chồng ông Th 10%.
Đối với phần đất mẹ bà N được hưởng (60%), theo HĐXX thì khi còn sống cụ L và vợ chồng ông Th trực tiếp quản lý, sử dụng trên phần đất này. Vợ chồng ông Th và các con xác định cụ L đã cho vợ chồng ông Th. Tuy không có tài liệu nào thể hiện bằng văn bản cụ L đã tặng cho vợ chồng ông Th. Tuy nhiên, vợ chồng ông Th đã sử dụng ổn định, xây dựng và sửa chữa công trình trên đất đã được cấp GCN. Khi đo đạc để làm thủ tục cấp GCN cho vợ chồng ông Th thì cụ L có biết nhưng không có ý kiến gì. Từ đó, HĐXX áp dụng tinh thần của Án lệ số 03/2016, xác định ý chí của cụ L đã tặng cho vợ chồng ông Th. Do vậy, 60% diện tích đất thuộc quyền sử dụng của cụ L đã được cụ L định đoạt cho vợ chồng ông Th nên không còn là di sản thừa kế để chia.
Từ đó, HĐXX chấp nhận việc tặng cho quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Th cho hai con.
Tòa án áp dụng linh hoạt các án lệ
ThS Xa Kiều Oanh (Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Việc áp dụng án lệ cần thỏa mãn ba điều kiện. Thứ nhất là vụ việc dân sự đang được giải quyết phải thuộc đối tượng và phạm vi điều chỉnh của BLDS 2015 và BLTTDS 2015. Thứ hai là các bên tranh chấp không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được với nhau; pháp luật không có quy định hoặc có quy định nhưng không rõ ràng, đầy đủ về vấn đề đang được giải quyết; không thể áp dụng tương tự pháp luật. Thứ ba là chỉ được áp dụng án lệ khi các tình tiết khách quan cơ bản của vụ việc dân sự đang được giải quyết tương tự với các tình tiết khách quan của vụ việc trong án lệ.
ThS Xa Kiều Oanh đánh giá việc tòa vận dụng hai án lệ trên để giải quyết đã thỏa mãn ba điều kiện để áp dụng án lệ. Hai điều kiện đầu tiên khá rõ, còn điều kiện thứ ba là tình tiết tương tự. Vụ án này có ba quan hệ hôn nhân, thứ nhất là giữa mẹ bà N và người chồng khác, thứ hai là cha mẹ bà N, thứ ba là cha bà N và người vợ khác. Cả hai cụ trong hai quan hệ hôn nhân thứ nhất và thứ hai đều sống chung nhưng không đăng ký kết hôn, sau đó không còn sống chung nữa. Hai quan hệ hôn nhân đều có trước khi Luật Hôn nhân và Gia đình 1986 có hiệu lực và cả ba quan hệ hôn nhân trên đều là hôn nhân thực tế. Xét sự tương tự với Án lệ số 41/2021, quan hệ hôn nhân thứ nhất và thứ hai đều đã chấm dứt.
Về căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất tặng cho, xét sự tương tự với Án lệ số 03/2016 thì 60% diện tích đất thuộc quyền sử dụng của cụ L đã được cụ L định đoạt cho vợ chồng ông Th.
Theo ThS Oanh, việc áp dụng hai án lệ còn cho thấy thực tiễn tòa án đã dần vận dụng linh hoạt các án lệ để giải quyết. Bản chất của án lệ là nguồn luật bổ khuyết cho các nguồn luật khác không thể giải quyết được vụ việc dân sự mà tòa án đang xét xử. Án lệ giữ vai trò khuôn mẫu để các thẩm phán mạnh dạn dựa vào những lập luận, giải pháp pháp lý đã có trong bản án, quyết định trước đó để áp dụng cho vụ việc dân sự đang xét xử.
Nội dung hai án lệ được áp dụng
Án lệ số 41/2021: Nam và nữ sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn nhưng sau đó họ không còn chung sống với nhau và trước khi Luật Hôn nhân và Gia đình 1986 có hiệu lực, có người chung sống như vợ chồng với người khác. Quan hệ hôn nhân đầu tiên và quan hệ hôn nhân thứ hai đều là hôn nhân thực tế. Trường hợp này phải xác định hôn nhân thực tế đầu tiên đã chấm dứt.
Án lệ số 03/2016: Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp GCN quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho đất này.