CÔNG TY LUẬT CÔNG BÌNH

Bị em kiện vì cho đất mà… không cho bán

Bị em kiện vì cho đất mà… không cho bán

265

Bị em kiện vì cho đất mà… không cho bán
(PL)- Anh trai cho em gái đất nhưng lại kèm theo điều kiện chỉ được ở vĩnh viễn từ đời con sang đời cháu, không được bán. Tòa đã hủy điều kiện tréo ngoe này vì trái pháp luật về đất đai…
Mới đây, TAND huyện Đức Huệ (Long An) đã xét xử sơ thẩm một vụ tranh chấp hợp đồngtặng cho tài sản có tình tiết khá lạ giữa bà TNR với người anh ruột của bà là ông TVK.

Cho đất nhưng không cho bán

Trong đơn khởi kiện nộp cho tòa, bà R. trình bày: Vào tháng 7-2009, ông K. đã lập giấy tay tặng cho bà quyền sử dụng một mảnh đất có diện tích 700 m2 (10 x 70 m). Giấy tay tặng cho quyền sử dụng đất này có vợ con ông K. đồng ý ký tên và nội dung có kèm theo điều kiện là bà R. “được ở vĩnh viễn từ đời con sang đời cháu, không được bán”.

Trong mảnh đất này, ông K. chỉ đứng tên trên giấy đỏ 350 m2, một nửa còn lại là đất của hàng xóm mà ông K. dự tính hoán đổi. Sau đó, do ông K. không hoán đổi được đất với hàng xóm nên diện tích đất thực tế mà ông K. tặng cho bà R. chỉ còn lại 350 m2.

Sau khi được anh trai cho đất, bà R. đã xây nhà ở và quản lý, sử dụng đất từ đó đến nay. Nay bà khởi kiện yêu cầu TAND huyện Đức Huệ buộc ông K. tiếp tục thực hiện hợp đồng tặng cho bà quyền sử dụng đất diện tích 207 m2 còn lại (đúng ra theo giấy tay tặng cho là 350 m2 nhưng bà R. chỉ yêu cầu diện tích 207 m2 theo đo đạc thực tế). Đồng thời, bà cũng yêu cầu tòa hủy điều kiện kèm theo là “không được bán” của vợ chồng ông K. vì bà không đồng ý.

Khi tòa mời lên làm việc, vợ chồng ông K. thống nhất với lời trình bày của bà R. về các nội dung như thời gian lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, diện tích, số thửa, tờ bản đồ, vị trí đất, việc làm giấy tay tặng cho do các bên ký tên, đất do bà R. quản lý từ năm 2009 đến nay.

Vợ chồng ông K. cũng đồng ý tặng cho bà R. quyền sử dụng đất diện tích 207 m2 còn lại (theo đo đạc thực tế) thuộc một phần thửa đất mà ông K. đang đứng tên trong giấy đỏ. Tuy nhiên, ông bà vẫn ra điều kiện bắt buộc là bà R. chỉ được ở, sử dụng đất mà không được quyền chuyển nhượng đất cho người khác.

Bị em kiện vì cho đất mà… không cho bán - ảnh 1

Tòa: Không cho chuyển nhượng là trái pháp luật

Tại phiên xử sơ thẩm mới đây, TAND huyện Đức Huệ nhận định: Tuy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa các bên chỉ được lập bằng giấy tay, không được công chứng, chứng thực theo quy định nhưng do vợ chồng ông K. tự nguyện đồng ý tặng cho bà R. nên HĐXX ghi nhận.

Đối với điều kiện không được chuyển nhượng đất kèm theo khi tặng cho quyền sử dụng đất của vợ chồng ông K., HĐXX khẳng định là trái quy định của pháp luật về đất đai. Bởi lẽ từ khi người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có quyền chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho… Do đó, vợ chồng ông K. không thể hạn chế quyền sử dụng đất của bà R., trong đó có quyền chuyển nhượng sau khi đã tặng cho đất.

Từ các phân tích trên, HĐXX  chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà R., tuyên bố bà R. có đầy đủ quyền sử dụng đối với diện tích đất được vợ chồng anh trai tặng cho như đã nêu.

Quyền chuyển nhượng, cho thuê… của người sử dụng đất

Theo khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của luật này.

Theo khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.

MINH KHÁNH
Danh mục: Dân sự, Nhà đất

Tác giả

Viết bình luận

<