Hợp Đồng Bảo Hiểm Tài Sản Theo Quy Định Pháp Luật 2023

Hợp Đồng Bảo Hiểm Tài Sản Theo Quy Định Pháp Luật 2023

51

Bảo hiểm tài sản là loại hình bảo hiểm phi nhân thọ phổ biến trên thị trường hiện nay, giúp bảo vệ tài sản của cá nhân, tổ chức trước những rủi roVậy, Pháp luật kinh doanh bảo hiểm ở năm 2023 đã có những quy định về hợp đồng bảo hiểm tài sản khác với Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 như thế nào? Hãy cùng công ty Luật Công Bình giải đáp thắc mắc về vấn đề này trong bài viết dưới đây:

Bảo hiểm tài sản là gì

Bảo hiểm tài sản là loại hình bảo hiểm mà theo đó doanh nghiệp bảo hiểm thu phí bảo hiểm của người mua bảo hiểm theo một tỷ lệ phần trăm nhất định trên giá trị của tài sản và cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm khi họ thuộc trường hợp bảo hiểm.

Đặc điểm của bảo hiểm tài sản

– Đối tượng của bảo hiểm tài sản là tài sản, bao gồm: vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản.

– Người mua bảo hiểm đồng thời là người được bảo hiểm và cũng là người thụ hưởng.

– Bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi đối với tài sản được bảo hiểm.  

– Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo giá trị tài sản.

Quy định pháp luật về hợp đồng tài sản

  1. Quyền lợi có thể được bảo hiểm

Đây là quy định mới trong Luật kinh doanh bảo hiểm 2022, giúp xác định chính xác những trường hợp nào được bảo hiểm.

Bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm khi có quyền sở hữu; quyền khác đối với tài sản; quyền chiếm hữu, quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu. Tại thời điểm xảy ra tổn thất, bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm. (Điều 44 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022).

  1. Số tiền bảo hiểm

Số tiền bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm để bảo hiểm cho tài sản trên cơ sở yêu cầu của bên mua bảo hiểm theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm 2022.

  1. Giá trị tài sản được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản

Việc xác định giá trị tài sản bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm là cơ sở để tính phí bảo hiểm và xác định số tiền bảo hiểm tối đa. Có 3 trường hợp xác định giá trị tài sản bảo hiểm:

* Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị

Theo quy định tại Điều 47 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022, Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. 

* Lưu ý: Pháp luật cấm Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị với lỗi cố ý.

Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm thì sẽ xử lý như sau:

+ Nếu chưa xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên bảo hiểm phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

+ Nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra thiệt hại và phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

* Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị

Theo quy định tại Điều 48 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022, Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.

Khác với hợp đồng tài sản trên giá trị, pháp luật không cấm giao kết hợp đồng bảo hiểm dưới giá trị.

Trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị được giao kết thì sẽ xử lý như sau: bên bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo tỷ lệ tương ứng với số tiền bảo hiểm và giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hoặc thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

* Hợp đồng bảo hiểm trùng

Theo quy định tại Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022, Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp có từ hai hợp đồng bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng phạm vi, đối tượng, thời hạn và sự kiện bảo hiểm mà tổng số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Tương tự hợp đồng bảo hiểm dưới giá trị, pháp luật cũng không cấm mua bảo hiểm trùng.

Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo 2 nguyên tắc sau:

+ Số tiền bồi thường của mỗi hợp đồng bảo hiểm được tính tương ứng theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. 

+ Tổng số tiền bồi thường của các hợp đồng bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản

  1. Bồi thường thiệt hại trong bảo hiểm tài sản

* Căn cứ bồi thường:

Bản chất của bảo hiểm tài sản là bảo hiểm bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế nhưng không vượt quá số tiền bảo hiểm.

Theo quy định tại Điều 51 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022, Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. 

* Hình thức bồi thường

Căn cứ theo Điều 52 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022, Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thoả thuận một trong các hình thức bồi thường sau đây:

– Sửa chữa tài sản bị thiệt hại;

– Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác;

– Trả tiền bồi thường.

Trường hợp Bên bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không thoả thuận được về hình thức bồi thường thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền.

Trong trường hợp bồi thường thay thế tài sản bị thiệt hại hoặc trả tiền bồi thường, bên bảo hiểm có quyền thu hồi tài sản bị thiệt hại sau khi đã thay thế hoặc bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của tài sản.

* Lưu ý:  2 trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường:

– Từ bỏ tài sản được bảo hiểm: Trường hợp xảy ra tổn thất, người được bảo hiểm không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm và phải áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn hoặc giảm thiểu tổn thất, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác (Điều 56 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022). Nếu từ bỏ thì sẽ không được bồi thường.

– Tài sản được bảo hiểm bị tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm (Điều 50 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022).

  1. Chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn

Nếu thiệt hại xảy ra do lỗi của người thứ ba thì lúc này người được bảo hiểm nhận 2 lần số tiền bồi thường cho 1 thiệt hại phát sinh: doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, người thứ ba có lỗi gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường. Vậy nên, Điều 54 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 đã quy định về chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn để đảm bảo tuân theo nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm tài sản.

– Sau khi bên bảo hiểm trả tiền bồi thường, người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển cho bên bảo hiểm quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp đã bồi thường.

– Bên bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm nếu người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn.

* Lưu ý: Doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người được bảo hiểm bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người được bảo hiểm, trong trường hợp cố ý gây ra tồn thất, quyền yêu cầu bồi hoàn vẫn được thực hiện.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Công Bình về hợp đồng bảo hiểm tài sản theo Luật kinh doanh bảo hiểm mới nhất. Trường hợp Quý khách hàng có nội dung nào nhầm lẫn hoặc thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn.

Xin cảm ơn!

 

Công ty Luật TNHH MTV Công Bình

Số 21/2 Đường 14A, P.Tân Thuận Tây, Quận 7, TP.HCM

Liên hệ qua điện thoại:  08 6622 3939       03 1515 8061

Liên hệ qua Email: luatcongbinh@luatcongbinh.vn

Danh mục: Dân sự, Tư vấn

Viết bình luận

<