Giết người hay chỉ đụng xe?
Nếu chỉ là tai nạn thì với thương tích 11% của nạn nhân, bị cáo sẽ không bị xử lý hình sự, nếu cố ý tông xe thì xử bị cáo tội giết người là thỏa đáng.
Bị cáo Phùng Văn Trung tại tòa. Ảnh: XUÂN NGỌC
Ngày 18-9, TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Phùng Văn Trung 10 năm tù về tội giết người với ba tình tiết định khung là giết trẻ em, bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người và mang tính chất côn đồ. Tuy nhiên, diễn biến phiên xử cho thấy chứng cứ kết tội còn lỏng lẻo, thiếu thuyết phục.
Vô ý đụng xe hay cố ý tông người?
Theo cáo trạng, ngày 25-5-2012, một người bạn trong nhóm Trung nghi ngờ anh H. lấy trộm đồ nên Trung cùng cả nhóm đánh anh H. đến bỏ chạy. Sau đó, trên đường chạy xe tải về nhà, Trung nhìn thấy người bị hại Hà (16 tuổi, là em của H.) chạy xe máy ngược chiều chở theo cha ruột. Trung liền cho xe chuyển hướng sang trái đụng vào xe máy khiến anh Hà bị té, thương tật 11% tạm thời. Sau đó bị cáo ra đầu thú và bị tạm giam.
Tại tòa, Trung khai: “Khi thấy hai người đi xe gắn máy ngược chiều, một người ngồi sau cầm dao và có ý chặn xe của bị cáo. Lúc đó trời mưa, đường đất đỏ hẹp trơn, xe bị cáo chạy với tốc độ khoảng 20 km/h, hoảng sợ, bị cáo thắng xe lại nên mới đụng vào xe của bị hại. Bị cáo hoàn toàn không quen biết gì hai người này. Bị cáo chỉ vô ý đụng vào do không kịp xử lý chứ không hề cố ý”.
Cha của bị hại Hà khai: “Tôi không quen biết bị cáo. Nghe tin con bị đánh (anh H.), tôi cầm dao kêu Hà chở đi thì bị anh Trung lái xe đụng vào”. Theo ông, bị cáo Trung đã cố ý đụng vào mình vì đã nhận ra chiếc xe máy cha con ông đi là của H. đã từng chạy trước đó. Còn bị hại Hà, khai: “Hôm ấy trời mưa, xe tải chạy 20 km/h ngược chiều với tôi, phía trước có một người đang chạy xe máy quay lại biểu xe tải tông thẳng vào xe tôi nên bị cáo đánh tay lái tông thẳng về phía tôi”. Vụ án có ba nhân chứng nhưng đều khai không trực tiếp chứng kiến xe bị cáo tông vào xe của Hà.
Tòa: Không vi phạm sao bồi thường?
Tòa thắc mắc: “Bị cáo cho rằng mình không vi phạm sao lại bồi thường?”. Trung đáp: “Bị cáo chỉ nghĩ mình gây ra tai nạn thì bồi thường, nhưng là lỗi vô ý”. Kiểm sát viên (KSV) hỏi bị cáo lấy gì chứng minh lỗi vô ý, Trung nói: “Bị cáo không biết ai đi trên xe thì không thể đánh tay lái tông họ”. Cũng theo Trung, sở dĩ tại cơ quan điều tra nhận tội là do mẹ mất nên khi điều tra viên đưa thì ký đại để nhanh về gặp mẹ…
Luật sư vạch ra những mâu thuẫn, thiếu sót của vụ án. Trước hết, ý thức chủ quan, động cơ, mục đích giết người đều không thỏa mãn. Cáo trạng cho rằng bị cáo nhìn thấy anh Hà giống anh H. đang đi tìm mình để đánh nên cố ý tông xe vào là chưa có logic. Bởi lúc đó trời mưa, bị cáo đang tập trung lái xe, đường đất đỏ trơn trượt thì không thể có đủ thời gian quan sát, nhận diện rõ. Hơn nữa tại tòa, anh Hà và anh H. khai mâu thuẫn nhau về trang phục. Thứ hai, kết luận điều tra thì nói bị hại Hà bị gãy chân nhưng nếu vậy thì không thể xuất viện trong một ngày và thương tật không thể là 11%. Trong khi đó giám định pháp y lại nói bị cáo chỉ bị xây xát ở chân, tại tòa bị hại lại không nhớ mình bị thương ở đâu. Theo luật sư, với những điều trên mà truy tố bị cáo tội giết người là oan. Đó chỉ là tai nạn giao thông thông thường.
Các ngành đã họp để đánh giá
Trong phần luận tội, KSV nói: “Có nguyên nhân để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo là cố ý điều khiển xe đụng bị hại. Bởi lời khai của bị hại phù hợp với dấu vết có trong hình ảnh chụp tại hiện trường”. Theo KSV, việc bị hại không chết là nằm ngoài suy nghĩ của bị cáo nên đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo từ 8 đến 10 năm tù.
Tranh luận lại, luật sư cho rằng cơ quan tố tụng phải chứng minh bị cáo có tội chứ không phải bị cáo tự chứng minh mình vô tội. Đáng ra, để chứng minh là lỗi vô ý hay cố ý thì cơ quan tố tụng phải kết luận về tốc độ của xe tải, hướng tay lái, cơ chế phanh. Nhưng hồ sơ không thể hiện mà chỉ dựa vào lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và hình ảnh hiện trường là không có cơ sở. Trong khi có lúc bị hại khai bị cáo chạy xe tốc độ khoảng 50-60 km/h, lúc lại khai 20 km/h.
Đối đáp lại, KSV nói: “Các ngành đã họp để đánh giá tổng quát và có cơ sở cho thấy bị cáo cố ý điều khiển xe đụng bị hại. Đó là dấu vết có trong hình ảnh và dấu vết có trong xe tải”.
Cuối cùng, tòa kết luận hành vi của bị cáo là côn đồ vì xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, có khả năng làm chết nhiều người, nạn nhân chưa đủ 16 tuổi nên VKS truy tố bị cáo là có căn cứ và tuyên án như trên.
Được biết, sau phiên xử, bị cáo đã kháng cáo kêu oan lên Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM.
Đầu thú và bồi thường không phải là căn cứ buộc tội Muốn truy tố bị cáo tội giết người cơ quan tố tụng phải chứng minh được các yếu tố như có hay không vết thắng xe để lại ở hiện trường, động cơ giết người khi bị cáo và bị hại không quen biết nhau, mâu thuẫn giữa Trung và H. có nghiêm trọng đến mức Trung phải giết anh H. hay không… Việc bị cáo ra đầu thú và bồi thường cho bị hại không thể xem là căn cứ để buộc tội bị cáo. Luật sư LÊ QUANG VŨ (Văn phòng luật sư Người Nghèo) |
NGÂN NGA – XUÂN NGỌC
Theo Pháp luật TP.HCM