Xử tội giết người
Nội dung vụ án cụ thể như sau: Khoảng 16 giờ ngày 30-6-2017, Hưng (sử dụng giấy phép lái xe hạng FC mang tên giả) điều khiển ô tô đầu kéo (có rơmoóc) đến địa phận xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc) thì bị tổ tuần tra Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh dừng xe vì vi phạm tốc độ (66/60 km/giờ).
Hưng không chấp hành vì cho rằng mình không vi phạm tốc độ và đã tranh cãi rồi điều khiển xe đâm thẳng vào hai CSGT đang làm nhiệm vụ khi họ đang đứng trước đầu ô tô.
Một CSGT nhảy vào lề tránh được, CSGT còn lại buộc phải bám vào cọng gương chiếu hậu phía trước bên trái đầu xe. Hưng tiếp tục chạy xe với tốc độ cao rồi bất ngờ đánh lái mạnh về phía bên trái vào sát dải phân cách giữa đường nhằm hất CSGT này xuống đường để bỏ trốn. Hậu quả là CSGT này rơi khỏi xe, va vào dải phân cách cứng giữa đường rồi rơi xuống đường. Hưng bỏ mặc, tiếp tục điều khiển xe chạy trốn. Vị CSGT bị chấn thương sọ não, gãy chân, tổn hại sức khỏe 40%.
Tháng 12-2017, TAND tỉnh Hà Tĩnh xử sơ thẩm đã phạt Hưng tám năm tù về tội giết người, hai năm tù về tội làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức, tổng hợp hình phạt chung là 10 năm tù. Tháng 5-2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm đã giảm án cho Hưng xuống còn chín năm tù cho hai tội này.
Bị cáo Phan Thành Hưng tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: Đ.LAM
Bộ Công an mong chờ án lệ này
Theo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND Tối cao, bị cáo bị CSGT dừng xe để xử lý nhưng cho rằng mình không vi phạm nên không chấp hành mà còn điều khiển xe đâm thẳng vào CSGT để bỏ chạy. Mặc dù biết CSGT phải bám vào gương chiếu hậu phía trước để tránh nguy hiểm nhưng bị cáo vẫn tiếp tục điều khiển xe với tốc độ cao, bất ngờ đánh lái mạnh áp sát xe vào dải phân cách cứng giữa đường nhằm hất CSGT xuống đường. Bị cáo biết nhưng vẫn bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và tiếp tục điều khiển xe chạy trốn. Hậu quả là CSGT bị va vào dải phân cách, rơi xuống đường gây ra đa chấn thương. Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người với tình tiết định khung là “giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.
Tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện công tác phát triển án lệ và lấy ý kiến đối với các dự thảo án lệ vừa qua, khi đề cập đến dự thảo án lệ trên, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trường hợp này hiện nay mỗi nơi xử lý một kiểu, có nơi xử tội chống người thi hành công vụ, có nơi xử tội giết người.
Theo ông Bình, trường hợp này tài xế buộc phải biết ô tô tông vào người có thể gây ra cái chết, nếu không chết là do trời cứu. TAND Tối cao từng có hướng dẫn dùng vũ khí nguy hiểm, tấn công vào vùng nguy hiểm nhưng không chết người thì vẫn xem là có hành vi giết người. Hiện Bộ Công an chờ án lệ đối với những vụ CSGT bị tài xế tông thẳng vào người thì phải xem là có hành vi giết người. Có như vậy mới bảo vệ được người thi hành công vụ.
192 bản án, quyết định áp dụng án lệ
Theo thống kê, tính đến ngày 12-9-2018 đã có 192 bản án, quyết định của các tòa án viện dẫn, áp dụng án lệ, trong đó có 135 bản án, quyết định viện dẫn án lệ số 08/2016, 20 bản án viện dẫn án lệ số 04/2016, 14 bản án viện dẫn án lệ số 09/2016… |
Còn băn khoăn
Tuy nhiên, TS Phạm Quý Tỵ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) lại có nhận xét khác. Theo TS Tỵ, hành vi của bị cáo Hưng về tội giết người và tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức trong vụ này đã rõ nên hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều có nhận định giống nhau. Trong các trường hợp tương tự khác thì các thẩm phán cũng sẽ nhận định như vậy. Vụ án này không có cơ sở để phát triển thành án lệ vì không phù hợp các tiêu chí để xác định án lệ.
Ngoài ra, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số luật sư bày tỏ băn khoăn về tội danh giết người áp dụng cho trường hợp CSGT bị tài xế tông thẳng vào người.
LS Hoàng Văn Hà (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng nếu hành vi đâm xe của tài xế không nhằm mục đích cướp đi mạng sống của CSGT thì chỉ nên xử lý về tội chống người thi hành công vụ.
Tiêu chí lựa chọn án lệ
Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; Có tính chuẩn mực; Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, đảm bảo những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau. (Theo Điều 2 Nghị quyết 03/2015 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) |