CÔNG TY LUẬT CÔNG BÌNH

Chết rồi vẫn bị nộp phí cưỡng chế

Chết rồi vẫn bị nộp phí cưỡng chế

36

Chết rồi vẫn bị nộp phí cưỡng chế
(PL)- Người mẹ đã qua đời nhưng UBND huyện Hóc Môn, TP.HCM có văn bản đề nghị các con phải đóng phí cưỡng chế thay mẹ.

Hai chị em bà Nguyễn Thị Liễu và bà Nguyễn Thị Ngọc Cúc phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM về việc bỗng dưng bị UBND huyện Hóc Môn, TP.HCM yêu cầu đóng tiền chi phí cưỡng chế gần 23 triệu đồng.

Theo hồ sơ mà UBND huyện Hóc Môn cung cấp cho PV, trước năm 1975, cha của bà Giáp Thị Phu cầm cố 3.680 m2 đất tại xã Xuân Thới Sơn cho cha con một người đàn ông. Sau năm 1975, bà Phu chuộc lại phần đất trên và đã được UBND xã giải quyết giao lại cho bà sử dụng.

Năm 1978, bà Phu cho người cháu là ông Đỗ Văn Xinh mượn 1.000 m2 (trên 3.680 mnói trên) để canh tác nhưng ông này lại cho ông Phạm Văn Lập mượn. Đến năm 1990 ông Xinh làm giấy tay chuyển nhượng 1.000 m2 đất cho ông Lập.

Bà Phu khiếu nại đòi lại đất vì cho rằng chỉ cho ông Xinh mượn để canh tác. Năm 1997, UBND huyện Hóc Môn đã bác đơn khiếu nại của bà Giáp Thị Phu.

Chết rồi vẫn bị nộp phí cưỡng chế - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Ngọc Cúc bên thửa đất bị UBND huyện Hóc Môn (TP.HCM) yêu cầu đóng phí cưỡng chế. Ảnh: NGÂN NGA

Năm 2002, UBND TP.HCM cho rằng việc ông Đỗ Văn Xinh tự ý sang nhượng 1.000 m2 đất bằng giấy tay cho ông Phạm Văn Lập là không đúng quy định, không được Nhà nước công nhận. Từ đó, UBND TP.HCM công nhận cho bà Phu được sử dụng phần đất trên.

Năm 2005, bà Phu qua đời. Đến năm 2008, UBND TP.HCM sửa đổi quyết định nói trên của chính mình để bác đơn của bà Phu, công nhận cho ông Phạm Văn Lập được quyền sử dụng 1.000 m2 đất. Trong quyết định này cũng không nhắc đến tên các con bà Phu.

Đầu năm 2019, UBND huyện Hóc Môn ban hành quyết định cưỡng chế đo đạc, cắm ranh, xác định vị trí, diện tích phần đất 1.000 m2 để giao cho ông Lập. Trong quyết định UBND huyện Hóc Môn lại nêu: “UBND xã Xuân Thới Sơn có trách nhiệm giao quyết định này cho hộ bà Giáp Thị Phu (chết – có con là Nguyễn Thị Liễu và bà Nguyễn Thị Ngọc Cúc đại diện). Kinh phí thực hiện cưỡng chế do hộ gia đình bà Giáp Thị Phu chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ”.

Cuối năm 2019, Phòng TN&MT huyện Hóc Môn có công văn đề nghị hộ gia đình bà Giáp Thị Phu (đại diện là bà Nguyễn Thị Ngọc Cúc và bà Nguyễn Thị Liễu) thực hiện nộp chi phí cưỡng chế gần 23 triệu đồng.

Để làm rõ lý do vì sao ủy ban lại yêu cầu các con của người chết đóng chi phí cưỡng chế, PV rất nhiều lần liên lạc với UBND huyện Hóc Môn nhưng đơn vị này mới chỉ cung cấp hồ sơ cho PV rồi hứa sẽ trả lời bằng văn bản sau. Tuy nhiên, đã hai tháng nay, PV vẫn chưa nhận được phản hồi từ đơn vị này. PV tiếp tục liên hệ thì lãnh đạo Phòng TN&MT cho biết: “Phòng đã cung cấp hồ sơ cho PV rồi”.

Trao đổi với PV về quy định pháp luật, một thẩm phán ở TP.HCM đề nghị không nêu tên cho biết tại khoản 8 Điều 372 BLDS 2015 quy định căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự trong trường hợp “Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện”. Ở đây, bà Phu đã chết nên không phải đóng chi phí cưỡng chế.

Trong quyết định hành chính của UBND TP.HCM không chấp nhận đơn khiếu nại của bà Phu và cũng không buộc hai người con bà Phu phải thực hiện nghĩa vụ gì cả. Do đó, UBND huyện cũng không thể buộc hộ gia đình bà Giáp Thị Phu (chết – có con là Nguyễn Thị Liễu và Nguyễn Thị Ngọc Cúc đại diện) chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ kinh phí thực hiện cưỡng chế.

 

Theo NGÂN NGA

Báo Pháp luật

Danh mục: Tin Pháp luật

Tác giả