CÔNG TY LUẬT CÔNG BÌNH

Có thể đình chỉ vụ án Hồ Duy Hải

Có thể đình chỉ vụ án Hồ Duy Hải

153

Có thể đình chỉ vụ án Hồ Duy Hải
(PL)- Nếu không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của Hải không cấu thành tội phạm, quyết định giám đốc thẩm có thể hủy bản án đã có hiệu lực và đình chỉ vụ án.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, VKSND Tối cao vừa kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND Tối cao hủy án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An và án phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã kết tội Hồ Duy Hải tử hình về tội giết người và cướp tài sản để điều tra lại.

Điều đáng nói là vụ án đã xảy ra từ hơn 11 năm trước, các chứng cứ không còn rõ ràng, hiện trường đã thay đổi. Vì thế, các yêu cầu mà kháng nghị đặt ra có thể thực hiện được hay không và nếu quá trình điều tra lại không kết quả thì các khả năng pháp lý nào sẽ xảy ra? Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của các cựu thẩm phán, kiểm sát viên (KSV) và luật sư.

Ông VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM:

Rất khó giám định những dấu vết lâu ngày

Kháng nghị của VKSND Tối cao đã chỉ ra những vấn đề liên quan đến tình tiết chứng cứ buộc tội của vụ án chưa được làm rõ. Giả sử kháng nghị này được chấp nhận thì khi điều tra lại, CQĐT có trách nhiệm thu thập những chứng cứ mới và đánh giá lại những chứng cứ đã được thu thập trước đây để làm rõ được những điểm mà kháng nghị nêu.

Mặc dù vụ án đã xảy ra từ 11 năm trước nhưng toàn bộ hồ sơ vụ án còn đó, các chứng cứ buộc tội, gỡ tội còn đó, đặc biệt là bị án Hải còn đó… Tất cả vấn đề mà kháng nghị nêu ra CQĐT cần phải làm rõ. Có làm rõ được các yếu tố cấu thành thì mới đủ cơ sở để chứng minh tội phạm. Trong trường hợp không chứng minh được hành vi phạm tội thì CQĐT cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội theo Điều 13 BLHS 2015.

Theo Điều 388 BLTTHS 2015 thì hội đồng giám đốc thẩm có các thẩm quyền: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; hủy bản án đã có hiệu lực và giữ nguyên bản án đúng pháp luật của tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật. Hội đồng này cũng có quyền hủy bản án đã có hiệu lực để điều tra lại hoặc xét xử lại; hủy bản án đã có hiệu lực và đình chỉ vụ án; sửa bản án đã có hiệu lực pháp luật; đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.

Kháng nghị đã nêu rõ: “Theo kết luận giám định, dấu vết vân tay thu giữ tại hiện trường không trùng với dấu vân tay của Hải. Thế nhưng cơ quan tố tụng vẫn dùng để lập luận, kết tội Hải là vi phạm nghiêm trọng”.

Theo tôi, trong một khoảng thời gian dài thì có những chứng cứ, dấu vết đã bị xóa nhòa. Nếu điều tra lại, liệu những dấu vết lâu ngày, nay có còn đủ dữ liệu, điều kiện giám định hay không? Trong khi đó, vết máu có dấu vân tay thu giữ tại hiện trường rất quan trọng. Kết luận giám định sẽ là chứng cứ chứng minh tội phạm hoặc được dùng làm chứng cứ chứng minh gỡ tội cho người bị tình nghi.

Theo Điều 392 BLTTHS thì trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 BLTTHS như không có sự việc phạm tội đối với Hải hoặc hành vi của Hải không cấu thành tội phạm… thì hội đồng giám đốc thẩm sẽ hủy bản án đã có hiệu lực và đình chỉ vụ án.

Có thể đình chỉ vụ án Hồ Duy Hải - ảnh 1
Hồ Duy Hải (ảnh nhỏ) và Bưu điện Cầu Voi chiều 2-12. Ảnh: PL

Ông TRỊNH MINH TÂN, nguyên Trưởng phòng Kiểm sát xét xử, VKSND TP.HCM:

Dù 1% nghi ngờ cũng không thể kết tội

Theo kháng nghị của VKSND Tối cao thì ngay khi án mạng xảy ra, việc điều tra để chứng minh tội phạm đã có quá nhiều sai sót.

Về nguyên tắc, khi vụ án xảy ra, CQĐT và VKS phải có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ án thu thập toàn bộ dấu vết, vật chứng vụ án. Đối với vụ án này, phải thu giữ mẫu máu ở cái thớt, ghế, dao… để xác định máu của nạn nhân, máu của hung thủ (nếu có). Sau đó phải niêm phong các vật chứng này và có chữ ký của điều tra viên, KSV, người làm chứng.

Đồng thời người tiến hành tố tụng phải lấy ngay lời khai của người phát hiện vụ việc, người làm chứng khác, chụp toàn bộ hình ảnh hiện trường vụ án, vị trí các nạn nhân, vị trí các dụng cụ gây án, các dấu vết tại hiện trường….

Đây là án truy xét, không phải bị bắt quả tang nên khi xác định được người nghi là hung thủ cần làm rõ trước khi vụ án xảy ra thì nghi can đó làm gì, ở đâu. Tức là phải xác định được việc tiêu thụ thời gian của Hải ở trước, trong và sau khi án mạng xảy ra.

Khi đã có lời khai thì phải tiến hành xác minh, ghi lời khai của những người ở nơi Hải khai ra như người ở tiệm cầm đồ, người này, người khác xem có phù hợp với thời gian vụ án xảy ra hay không. CQĐT phải xác định việc Hải bán tài sản cướp được cho ai, ở đâu, đồng thời chỉ điểm những nơi đó.

CQĐT cũng phải làm rõ lý do gì có những mâu thuẫn về thời gian Hải khai trước đó với thời gian vụ án xảy ra, lý do mâu thuẫn Hải khai kéo nạn nhân này để đầu lên bụng nạn nhân kia để cắt cổ nhưng hiện trường thể hiện không như vậy. Phải giải đáp được lý do gì sau hai tháng mới thu chiếc thớt, ghế nhựa tại hiện trường mà mã số ghế không phải là ghế dính máu khi vụ án xảy ra… Tất cả mâu thuẫn đó điều tra viên và KSV phải làm rõ mới đủ căn cứ xác định Hải có phạm tội hay không.

Hiện nay Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ xem xét kháng nghị giám đốc thẩm. Nếu kháng nghị được chấp nhận thì trong 15 ngày, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển cho VKS để điều tra lại. Nếu hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án để xét xử lại vụ án ở cấp sơ thẩm (hoặc phúc thẩm) thì trong thời hạn 15 ngày hồ sơ vụ án sẽ được chuyển lại cho tòa án có thẩm quyền.

Tuy nhiên, nếu điều tra lại thì việc thu thập chứng cứ của CQĐT phải gồm các chứng cứ buộc tội lẫn chứng cứ gỡ tội. Các chứng cứ này sẽ phải được các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là VKS đánh giá xem có khách quan, hợp pháp và có tính xác thực không. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm thực hiện điều này một cách rõ ràng để đảm bảo chỉ còn 1% nghi ngờ thì không thể kết tội nghi can.

Luật sư ĐẶNG ĐỨC TRÍ, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Đặc biệt làm rõ vết máu, vân tay

Theo tôi, những yếu tố được xem là chứng cứ mới để giải quyết phải được thu thập, đối chiếu với những tình tiết của vụ án. Nhất là những tình tiết cần phải được làm rõ như vết máu, dấu vân tay của Hải.

Đến thời điểm này, thời gian xảy ra vụ án đã lâu nên những chứng cứ có thể mai một, xóa nhòa. Tuy nhiên, những tài liệu, chứng cứ như vết máu vẫn có thể xác định được, dấu vân tay cơ quan chức năng vẫn có thể truy xét, dò tìm.

Nhiều vụ việc dù thời gian trôi qua đã lâu nhưng với công nghệ hiện đại vẫn có thể chứng minh được tội phạm nếu đảm bảo được các thuộc tính của chứng cứ. Đồng thời CQĐT phải chịu trách nhiệm đối với kết luận của mình về chứng cứ. Nếu không thể chứng minh được hành vi phạm tội của bị cáo thì phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với Hồ Duy Hải.

Báo cáo 10 trang của Ủy ban Tư pháp

Tại cuộc họp của đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình oan, sai và bồi thường oan vào tháng 3-2015, bà Lê Thị Nga, hiện là chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết bà đã dày công nghiên cứu hồ sơ vụ án này.

Bà Nga đã đến tận hiện trường, rồi vào trại giam gặp Hải. Sau đó bà có báo cáo dài 10 trang, nêu rõ các sai phạm và đưa ra những nhận định về vụ án, khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

***

Kháng nghị sau 10 năm án có hiệu lực

Ngày 13-1-2008, tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, Long An) phát hiện hai nữ nhân viên bị giết hại, khám nghiệm hiện trường lấy được nhiều dấu vân tay.Hơn hai tháng sau, Hồ Duy Hải (nhà cách bưu điện 2 km) bị bắt vì bị cho là hung thủ duy nhất gây án. Hung khí mà Hải bị cho đã sử dụng là con dao, cái thớt và cái ghế.

Nhưng tại tòa, thể hiện chiếc ghế thu giữ được sau khi vụ án xảy ra hơn hai tháng là một chiếc ghế có mã số khác với mã số ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường. Còn con dao và thớt là đồ mới do điều tra viên ra chợ mua về làm vật chứng.

Dấu vân tay của Hải không trùng khớp với dấu vân tay tại hiện trường. Xử sơ thẩm và phúc thẩm, Hải kêu oan nhưng đều bị án tử hình. Tháng 12-2014, TAND tỉnh Long An thông báo thi hành bản án tử hình nhưng được tạm dừng đến nay.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực từ năm 2009 và 10 năm sau bị kháng nghị. Theo Điều 379 BLTTHS 2015 thì thời hạn kháng nghị theo hướng bất lợi cho người bị kết án là một năm kể từ ngày án có hiệu lực. Nhưng nếu kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không có thời hạn, ngay cả người bị kết án đã chết mà cần minh oan.

Theo PHƯƠNG LOAN
Báo Pháp luật
Danh mục: Tin Pháp luật

Tác giả