CÔNG TY LUẬT CÔNG BÌNH

Điều tra không ra người lấy 2,4 tỉ ở ngân hàng

Điều tra không ra người lấy 2,4 tỉ ở ngân hàng

36

Điều tra không ra người lấy 2,4 tỉ ở ngân hàng
(PL)- Ngân hàng bị mất hơn 2,4 tỉ đồng (gồm cả tiền đủ và không đủ tiêu chuẩn lưu thông), cơ quan tố tụng không tìm ra người chiếm đoạt và sáu bị cáo phải hầu tòa về tội khác.
 

Ngày 22-9, TAND tỉnh Hưng Yên mở phiên sơ thẩm lần ba xét xử sáu bị cáo trong vụ thiếu hụt hơn 2,4 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh Hưng Yên. Đây là vụ án từng nhiều lần bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Xác định được tiền bị mất ở khâu nào

Trong số trên, Nguyễn Thị Lệ (cựu thủ quỹ quỹ nghiệp vụ phát hành) và Trịnh Anh Thuân (cựu kiểm ngân) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Bốn bị cáo còn lại gồm Vũ Viết Thu (cựu giám đốc), Nguyễn Văn Quê (cựu giám đốc), Vũ Thị Lộc (cựu phó giám đốc) và Đặng Thị Hằng (cựu trưởng Phòng tiền tệ và kho quỹ NHNN Chi nhánh Hưng Yên) cùng bị cáo buộc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo buộc, từ tháng 9 đến tháng 10-2015, NHNN Chi nhánh Hưng Yên phát hiện hàng loạt vụ thiếu hụt tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Sự việc được báo cáo lên NHNN Việt Nam. Cơ quan này chuyển trả 1.408 tỉ đồng tiền không đủ chuẩn do NHNN Chi nhánh Hưng Yên nộp về trước đó. Kết quả kiểm đếm các đợt phát hiện mất hơn 1,9 tỉ đồng.

Chưa hết, ngày 13-11-2015, Lệ và Thuân kiểm tra không chính xác dẫn tới đóng thiếu, bị mất hai bó tiền trị giá 200 triệu đồng tiền không đủ chuẩn. Ngoài ra, giai đoạn 2009-2015, NHNN Chi nhánh Hưng Yên còn phát sinh việc thiếu hơn 360 triệu đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Cộng cả hai loại, tổng số tiền bị thiếu hụt tại NHNN Chi nhánh Hưng Yên hơn 2,4 tỉ đồng.

Theo quy trình, tiền đủ chuẩn và không đủ chuẩn vượt định mức sẽ được chuyển từ các ngân hàng thương mại về NHNN Chi nhánh Hưng Yên. Tại đây, tiền được bàn giao cho quỹ nghiệp vụ phát hành rồi chuyển sang kho dự trữ phát hành, tiếp đó chuyển về kho tiền trung ương I NHNN Việt Nam.

Cơ quan tố tụng xác định việc thiếu hụt tiền nêu trên xảy ra trong giai đoạn tiền nằm ở quỹ nghiệp vụ phát hành, do bị cáo Lệ làm thủ quỹ. Lệ phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền hơn 2 tỉ đồng, Thuân liên đới trách nhiệm về số tiền 200 triệu đồng.

Điều tra không ra người lấy 2,4 tỉ ở ngân hàng - ảnh 1
Bị cáo Nguyễn Thị Lệ (phải) và Trịnh Anh Thuân tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN

VKS: Bị cáo làm trái chỉ đạo của NHNN

Trong cáo trạng VKS cho rằng tháng 12-2011, NHNN Chi nhánh Hưng Yên ban hành Công văn số 1125 khuyến khích các ngân hàng thương mại gia cố an toàn cho bó tiền bằng cách tăng thêm dây buộc, khò nylon. Tuy nhiên, Lệ lại yêu cầu các ngân hàng không được khò nylon đối với tiền không đủ chuẩn.

Cùng với đó, nội quy tại quỹ nghiệp vụ phát hành quy định các loại tiền phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp trong két sắt. Nhưng thực tế hầu hết tiền lại được đóng bao rồi chuyển vào thủ quỹ hoặc kiểm ngân hoàn toàn có thể ra vào lấy tiền giao dịch không có kiểm soát.

VKS cáo buộc Lệ đã làm trái chỉ đạo và nội quy của NHNN Chi nhánh Hưng Yên, không đảm bảo an toàn tiền mặt tại quỹ.

Trước tòa, Lệ khai khi nhận tiền từ các ngân hàng thương mại, bị cáo chỉ đếm theo bó, thếp chứ không đếm theo tờ. Nếu các bó tiền đủ điều khiện (không bị lỏng, xộc xệch…) thì bị cáo nhận, do đó không thể phát hiện việc thiếu số tờ tiền trong mỗi bó. Quá trình giao nhận tiền đều chịu sự kiểm soát từ hệ thống camera giám sát.

Vào cuối buổi trưa hằng ngày, nếu đủ tiền thì bị cáo sẽ cho vào két, còn khi đang giao dịch thì để tiền ở gian đệm. Tiền chưa cho vào két do thủ quỹ và kiểm ngân quản lý, có camera và nhân viên an toàn kho giám sát.

Nữ bị cáo phủ nhận việc yêu cầu các ngân hàng thương mại không được khò nylon. Theo bị cáo, Văn bản số 1125 của NHNN Chi nhánh Hưng Yên chỉ mang tính khuyến khích chứ không buộc các ngân hàng phải khò nylon. Thực tế, có ngân hàng thực hiện, cũng có ngân hàng không thực hiện, nếu các bó tiền đủ điều kiện thì Lệ vẫn nhận.

Đáng chú ý, khi đại diện VKS tham gia thẩm vấn, nữ bị cáo Nguyễn Thị Lệ đã sử dụng quyền im lặng. Bị cáo này từ chối tất cả câu hỏi của kiểm sát viên với lý do “bị cáo đã khai rõ với HĐXX”. 

“Thất thoát ở đâu, không thuộc trách nhiệm bị cáo”

Chủ tọa cho biết nhiều nhân viên của các ngân hàng thương mại đều khai họ được Lệ yêu cầu không khò nylon. Tuy nhiên, Lệ bác bỏ và đề nghị HĐXX xem xét lời khai này, vì các nhân viên ngân hàng đang có quyền lợi đối nghịch với mình.

Về việc thiếu hai bó tiền tương ứng 200 triệu đồng, Lệ khai không được tham gia kiểm đếm, chỉ được giám đốc thông báo và đề nghị nộp 100 triệu đồng để tạm thời khắc phục, sau này nếu tìm được người lấy tiền thì sẽ trả lại. Lệ nói ban đầu nhìn bằng mắt thường thì nghĩ rằng chữ ký trên bao tiền là của mình nhưng sau này kết quả trưng cầu giám định cho thấy không trùng khớp, bị cáo mới biết không phải.

Đối với tiền bị hụt trong 1.408 tỉ đồng mà NHNN Việt Nam chuyển trả, Lệ cho rằng có hai tình huống xảy ra. Thứ nhất, trách nhiệm thuộc về các ngân hàng thương mại, cụ thể là người khò nylon bó tiền. Thứ hai, số tiền này sau khi chuyển từ NHNN Chi nhánh Hưng Yên đến kho tiền trung ương thì thuộc quản lý của NHNN Việt Nam, việc thất thoát ở đâu không thuộc trách nhiệm của bị cáo.

Hôm nay, tòa tiếp tục làm việc.

Không xác định được thủ phạm tham ô

Vụ án này hồi tháng 11-2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Hưng Yên (tuyên phạt Lệ ba năm sáu tháng tù, Thuân hai năm cải tạo không giam giữ) để điều tra lại.

HĐXX phúc thẩm cho rằng các bó tiền bị thiếu đều bị rút lõi ở giữa bó và có dấu hiệu cho thấy có sự tác động của con người. “Lẽ ra cơ quan điều tra phải điều tra dấu hiệu tham ô, chiếm đoạt thì mới đáp ứng được yêu cầu chống các loại tội tham nhũng và giải quyết được triệt để vụ án. Nếu không có tội tham ô, chiếm đoạt tài sản thì khi đó mới xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc mất hơn 1,9 tỉ đồng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông” – HĐXX phúc thẩm nhận định.

Sau khi điều tra lại, cơ quan tố tụng tỉnh Hưng Yên truy tố thêm bốn bị cáo về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như đã nêu ở trên. Đặc biệt, dù đã khởi tố vụ án hình sự về tội tham ô tài sản nhưng đến nay cơ quan điều tra không xác định được thủ phạm nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án. Điều này đồng nghĩa số tiền bị hụt đến nay chưa thể làm rõ đang ở đâu, do ai lấy… 

Theo TUYẾN PHAN
Báo Pháp luật
Danh mục: Tin Pháp luật

Tác giả

Viết bình luận

<