Số báo trước, Pháp Luật TP.HCM có bài nêu ý kiến của VKS quân sự (QS) Quân khu 1 về việc không xin lỗi, bồi thường đối với ba mẹ con cụ Nguyễn Thị May, từng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Cụ May năm nay đã 83 tuổi, trú phường Tân Giang, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, kêu oan suốt 30 năm qua.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ThS Nguyễn Trương Tín, giảng viên bộ môn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN), Trường ĐH Luật TP.HCM.
Mẹ con cụ May trao đổi với luật sư (trái) hỗ trợ pháp lý cho mình.
Ảnh: TUYẾN PHAN
Luật quy định phải bồi thường
Việc VKSQS Quân khu 1 lấy lý do thời hiệu yêu cầu bồi thường và hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường để từ bỏ TNBT, từ chối xin lỗi trong vụ này là không phù hợp về đạo lý và lẽ công bằng.
Theo hồ sơ, tháng 3-1991, VKSQS Quân khu 1 đã đình chỉ điều tra bị can đối với ba mẹ con cụ May, nghĩa là ba công dân đã được minh oan, thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường theo pháp luật TNBTCNN.
Tại thời điểm này, pháp luật về TNBTCNN chưa được hoàn thiện. Trước đó, Thông tư 173 ngày 23-3-1972 của TAND Tối cao quy định: “Viên chức hay người đại diện hợp pháp của cơ quan trong khi thi hành nhiệm vụ, do hành vi liên quan chặt chẽ đến công tác, được cơ quan phân công mà gây thiệt hại cho người khác thì cơ quan phải bồi thường thiệt hại theo chế độ trách nhiệm dân sự, rồi sau đó có quyền đòi hỏi họ hoàn trả việc bồi thường đó theo quan hệ lao động”.
Tinh thần của thông tư này được tiếp tục áp dụng sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất cho đến khi có BLDS đầu tiên là BLDS năm 1995.
Trong vụ này ba mẹ con cụ May chưa được Nhà nước bồi thường cũng như phục hồi danh dự (xin lỗi và cải chính công khai) theo BLDS năm 1995, Nghị định 47 năm 1997, Nghị quyết 388 năm 2003, BLDS năm 2005, Luật TNBTCNN năm 2009 cũng như Luật TNBTCNN năm 2017. Do vậy, Nhà nước phải có TNBT và phục hồi danh dự cho ba mẹ con cụ May mới phù hợp.
Bốn cơ sở vững chắc để bồi thường
Thứ nhất, sau khi ra quyết định đình chỉ điều tra (QĐĐCĐT) bị can, về thủ tục pháp lý, cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) phải bàn giao các quyết định đó cho ba mẹ con cụ May.
QĐĐCĐT bị can đối với ba mẹ con cụ May chính là căn cứ xác định TNBTCNN. Về thủ tục, ba mẹ con cụ May không thể yêu cầu Nhà nước bồi thường nếu không hoặc chưa nhận được các quyết định tố tụng đó. Bởi lẽ pháp luật về TNBTCNN từ trước cho đến nay đều quy định người bị thiệt hại muốn được bồi thường thì phải nộp đơn yêu cầu cùng với văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, văn bản này chính là QĐĐCĐT bị can.
Theo thông tin trên báo chí thì VKSQS Quân khu 1 cho rằng đã giao QĐĐCĐT bị can cho ba mẹ con cụ May, trong khi đương sự cho rằng mình chưa nhận được.
VKSQS Quân khu 1 nói 30 năm nay ba công dân được địa phương, cơ quan nơi công tác cho hưởng mọi quyền lợi và chế độ, lý lịch tư pháp của ba người không có tiền án, tiền sự, không bị hạn chế bất cứ quyền công dân nào. Từ đây cơ quan này suy luận rằng ba mẹ con cụ May đã nhận được các QĐĐCĐT bị can. Đây là nhận định không thuyết phục về quy trình giao nhận, tống đạt văn bản, không đúng với thực tiễn tố tụng.
Cơ quan này cho rằng ba mẹ con cụ May vẫn đi làm bình thường, vẫn được hưởng các chế độ của Nhà nước nên không thuộc trường hợp được phục hồi danh dự là không đúng với pháp luật về TNBTCNN.
Thứ hai, nếu như VKSQS Quân khu 1 không chứng minh được mình đã giao QĐĐCĐT bị can cho ba mẹ con cụ May thì xem như ba người này chưa nhận được. Trường hợp này được xem là trở ngại khách quan, không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường, thời hiệu khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường.
Cụ thể, theo khoản 3 Điều 6 Luật TNBTCNN: Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường là khoảng thời gian trở ngại khách quan theo quy định của BLDS làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường không thể thực hiện được quyền yêu cầu.
Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 quy định: Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là khoảng thời gian xảy ra trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu.
Trong vụ này, trở ngại khách quan làm cho ba mẹ con cụ May không thể yêu cầu cũng như khởi kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường là do tắc trách của cơ quan tố tụng và lỗi thuộc về Nhà nước.
Thứ ba, VKSQS Quân khu 1 cho rằng vì đã hết thời hiệu nên Nhà nước không phải bồi thường là không thuyết phục. Theo pháp luật dân sự, cho dù thời hiệu yêu cầu bồi thường và thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường hết thì cũng không phải là căn cứ chấm dứt TNBT.
Trong vụ án này, TNBTCNN đã phát sinh và đang tồn tại, chưa chấm dứt và sẽ không chấm dứt cho đến khi ba mẹ con cụ May được bồi thường hoặc ba người này từ bỏ quyền yêu cầu bồi thường.
Thứ tư, cần phân ra hai giai đoạn là từ khi khởi tố cho đến khi đình chỉ điều tra và từ sau khi đình chỉ điều tra cho đến nay. Theo quy định, ba mẹ con cụ May sẽ phải được Nhà nước bồi thường oan trong khoảng thời gian từ khi bị khởi tố cho đến khi có QĐĐCĐT.
Bởi lẽ trên thực tế vào thời điểm tháng 3-1991, ba mẹ con cụ May đã được minh oan. Như vậy, khoảng thời gian từ tháng 3-1991 đến nay trở ngại khách quan chứ không phải khoảng thời gian bị oan để xác định thiệt hại được bồi thường.
Tóm lại, các lập luận mà VKSQS Quân khu 1 đưa ra để từ chối xin lỗi, bồi thường oan cho mẹ con cụ May là không thuyết phục, chưa đúng pháp luật về TNBTCNN. Ngược lại, việc này cần nhanh chóng được tiến hành để bảo vệ quyền lợi người dân.
Phục hồi danh dự không có thời hiệu Đối với quyền yêu cầu phục hồi danh dự (xin lỗi và cải chính công khai) là quyền yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản nên không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Cụ thể, khoản 2 Điều 169 BLDS 1995 (khoản 2 Điều 160 BLDS 2005) quy định: Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm. Khoản 1 Điều 155 BLDS 2015 quy định: Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản. Cạnh đó, khoản 5 Điều 57 Luật TNBTCNN quy định: Trường hợp người bị thiệt hại từ chối quyền được phục hồi danh dự theo quy định của luật này thì không còn quyền yêu cầu phục hồi danh dự. Điều này có nghĩa là chỉ khi nào ba mẹ con cụ May từ chối quyền được phục hồi danh dự thì Nhà nước mới không cần làm, nếu không thì phải thực hiện. ThS NGUYỄN TRƯƠNG TÍN |
ThS NGUYỄN TRƯƠNG TÍN
Báo Pháp luật