Mấy ngày qua, dư luận xôn xao vụ đương kim phó chánh án TAND quận 4 Nguyễn Hải Nam và giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM Lâm Hoàng Tùng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Bước đầu hai bị can này bị cho là có hành vi “trục xuất” một số người (trong đó có trẻ em) tại căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1.
Trong vụ này, nhiều bạn đọc thắc mắc về việc Văn phòng Thừa phát lại (TPL) quận 1 chứng kiến hành vi vi phạm pháp luật của hai bị can và lập vi bằng…
tpl quận 1: “Lập vi bằng trong phạm vi pháp luật cho phép”
Văn phòng TPL quận 1 có báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về việc lập hai vi bằng ngày 19-9 và 21-9 liên quan đến vụ việc trên.
Theo đó, ngày 19-9, ông lâm hoàng Tùng ký hợp đồng với TPL quận 1 với nội dung TPL có mặt chứng kiến và ghi nhận việc ông Tùng (đại diện bà Chi theo hợp đồng ủy quyền) lấy mặt bằng căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1.
Ông Tùng hướng dẫn mọi người đi xem nhà từ tầng trệt đến sân thượng. TPL quận 1 đi đến tầng nào có phòng mở cửa thì chụp ảnh, ghi nhận bằng hình ảnh làm cơ sở chứng cứ, còn lại một số phòng khóa cửa thì không vào được. Ngoài ra, TPL quận 1 không tham gia vào bất cứ việc gì… Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, nhà số 29 nói trên ông Tùng cho bảo vệ ở lại trông giữ, còn TPL ra về.
Ngày 21-9, ông Tùng ký hợp đồng với TPL quận 1, nội dung là TPL quận 1 có mặt chứng kiến và ghi nhận việc ông Tùng thực hiện việc thu dọn tài sản nhà số 29 nói trên. Ông Tùng thuê công ty chuyên dọn nhà đến để sắp xếp và dọn tài sản trong nhà. Bên công ty thu dọn mở khóa các phòng khóa cửa (ngày 19-9) và liệt kê tài sản trong từng phòng. TPL chứng kiến và chụp ảnh toàn bộ sự việc diễn ra để làm cơ sở chứng cứ.
Trong khi thu xếp tài sản thì bên ngoài nhà có người đến la lối um sùm (ông Tùng cho biết đó là bà Thảo). Khoảng hơn 10 giờ, bà Thảo cho cúp điện trong nhà, thang máy không hoạt động được… Sau đó do không có điện nên công ty thu dọn tài sản ngưng làm và mọi người cùng ra về.
“Trong việc lập hai vi bằng trên, TPL quận 1 lập vi bằng trong phạm vi pháp luật cho phép và chỉ chứng kiến, ghi nhận lại sự việc ông Tùng thực hiện việc lấy lại mặt bằng nhà và thu dọn tài sản tại số nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm nói trên. Trong quá trình lập vi bằng ghi nhận việc thu hồi mặt bằng có sự chứng kiến của lực lượng Công an phường Đa Kao và bảo vệ dân phố. TPL chỉ chứng kiến chứ không tham gia vào nội dung bất cứ việc gì của các bên…” – báo cáo của TPL quận 1 nêu.
Căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, tp.hcm cùng giảng viên Lâm Hoàng Tùng và bà Nguyễn Thị Hạnh (Văn phòng Thừa phát lại quận 1). Ảnh: NT
Thừa phát lại không được lập vi bằng những gì?
Theo quy định của pháp luật về chế định TPL hiện hành thì TPL được làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định.
Tại Điều 6 Nghị định 61/2009 (quy định về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP.HCM) thì TPL không được làm nhiều việc, trong đó có các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Ngày 3-10, trao đổi với PV, ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết đã nắm thông tin vụ việc. “Phòng Bổ trợ tư pháp phối hợp cùng Thanh tra Sở đã yêu cầu Văn phòng TPL quận 1 báo cáo. Hiện sở đã nhận được báo cáo của TPL quận 1 và đang tiến hành rà soát, xác minh theo đúng quy định. Khi có kết luận chính thức, sở sẽ thông báo” – ông Tùng nói. |
Về phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của TPL, theo Điều 25 Nghị định 61/2009 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Nghị định 135/2013) thì: “TPL có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của nghị định này…”.
Một giảng viên bộ môn Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM cho biết Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các văn phòng TPL lưu ý nhiều vấn đề. Trong đó, Bộ Tư pháp lưu ý TPL không lập vi bằng các sự kiện, hành vi nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng, trừ trường hợp sự kiện, hành vi trái pháp luật do người khác thực hiện ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu lập vi bằng…
“Như vậy, trong phạm vi quyền hạn của mình, TPL vẫn được phép chứng kiến và lập vi bằng các hành vi vi phạm pháp luật với điều kiện hành vi vi phạm pháp luật đó đang xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu. Ví dụ: Hàng xóm xây nhà lấn qua đất nhà mình, mình có quyền thuê TPL lập vi bằng ghi nhận sự việc vi phạm pháp luật của hàng xóm…
Việc tạm giam phó chánh án, giảng viên và quy định pháp luật
Trong vụ phó chánh án TAND quận 4 Nguyễn Hải Nam và giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM Lâm Hoàng Tùng bị bắt tạm giam, nhiều người băn khoăn việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này. Một cựu thẩm phán TAND TP.HCM từng chuyên xử án hình sự phân tích: Theo thông tin trên báo chí hiện nay thì không rõ hai người này bị khởi tố theo khoản nào của Điều 158 BLHS (tội xâm phạm chỗ ở của người khác). Nếu ông Tùng và ông Nam bị khởi tố theo khoản 1 Điều 158 BLHS thì hành vi phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, mức hình phạt cao nhất đến hai năm tù. Trường hợp này, hai ông có thể bị tạm giam nếu tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã, theo khoản 3 Điều 119 BLTTHS. Tuy nhiên, theo thông tin trên báo chí thì khó có khả năng hai ông này tiếp tục phạm tội (hay bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã). Vì vậy, có khả năng hai ông bị khởi tố theo khoản 2 Điều 158 BLHS, mức hình phạt cao nhất đến năm năm tù. Trường hợp này, hai ông có thể bị tạm giam nếu thuộc một trong các trường hợp liệt kê theo khoản 2 Điều 119 BLTTHS. Các trường hợp này là: a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Cũng theo thông tin báo chí thì khó có khả năng hai ông Tùng, Nam rơi vào bốn trường hợp ban đầu. Vì vậy, có khả năng hai ông bị cho là có hành vi như điểm đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS vừa dẫn nên mới bị cơ quan tố tụng quận 1 áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam. Bằng ngược lại, nếu không thuộc các trường hợp như đã liệt kê thì việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam với họ là không có căn cứ pháp luật. PHƯƠNG LOAN |
Theo HOA THI – MINH ANH
Báo Pháp luật