CÔNG TY LUẬT CÔNG BÌNH

Vụ tài xế xe múc đập nát ô tô: Khả năng phạm thêm tội giết người?

Vụ tài xế xe múc đập nát ô tô: Khả năng phạm thêm tội giết người?

29

Chiều 2-3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận đã ra quyết định bắt giữ khẩn cấp Đinh Văn Hoàng (24 tuổi, quê tỉnh Kon Tum), tài xế xe múc dùng gàu đập nát hai ô tô trên công trình cao tốc ở Bình Thuận để điều tra.

Đập nát hai ô tô vì mâu thuẫn với thủ kho

Vụ việc xảy ra khoảng 17 giờ 20 ngày 1-3, tại công trình thuộc dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc. Hoàng mâu thuẫn với thủ kho nên đã điều khiển xe múc đập hai nhát vào đầu xe tải 29H-477.53 đang đậu trước lán trại khiến xe này gần như nát rời ra. Rất may trên xe tải không có người.

Chưa chịu dừng lại, nam thanh niên này tiếp tục điều khiển xe múc đuổi theo xe bán tải 60C-122.26 dùng gàu múc đập vào phần đầu và nâng xe bán tải lên một đoạn, sau đó tiếp tục cắm gàu múc vào nơi tài xế xe bán tải đang ngồi nhưng người này đã may mắn mở cửa xe thoát thân kịp thời.

Vụ tài xế xe múc đập nát ô tô: Khả năng phạm thêm tội giết người? - ảnh 1
Vụ tài xế xe múc đập nát ô tô: Khả năng phạm thêm tội giết người? - ảnh 2

Camera ghi lại cảnh xe múc cắm gàu vào xe bán tải và xe tải bị tấn công chỉ còn nửa phần đầu. (Ảnh cắt từ clip)

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã có mặt tại hiện trường và tạm giữ Hoàng để lấy lời khai. Hoàng khai nhận do bị thủ kho chửi nên tức giận lái xe múc tấn công và sẵn sàng bồi thường tài sản.

Hoàng có kết quả xét nghiệm âm tính với ma túy.

Được biết từ ngày 21-2 đến 1-3, Hoàng đang trong thời gian thử việc trước khi ký hợp đồng và ở cùng nhiều công nhân khác trong lán trại tại công trình. Trong quá trình làm việc, công nhân này không có mâu thuẫn hay xích mích với bất kỳ công nhân khác cùng làm việc. Ngày 1-3, công nhân này được giao lái xe múc thì xảy ra vụ việc như trên.

Tội hủy hoại tài sản đã rõ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định hành vi của Hoàng bước đầu có dấu hiệu cấu thành tội hủy hoại tài sản tại Điều 178 BLHS năm 2015.

Cụ thể, nam thanh niên này đã thực hiện hành vi điều khiển xe múc đập hai nhát vào đầu xe tải 29H-477.53 đang đậu trước lán trại khiến xe này gần như nát rời ra. Sau đó, Hoàng lại tiếp tục điều khiển xe múc đuổi theo xe bán tải 60C-122.26, dùng gàu múc đập vào phần đầu của xe bán tải và nâng xe bán tải lên một đoạn, sau đó tiếp tục cắm gàu múc vào đầu xe làm cho phần đầu xe bị đập nát.

“Hành vi làm cho tài sản của người khác bị thiệt hại đến mức làm mất hẳn công năng, giá trị sử dụng và không thể khôi phục lại được giá trị sử dụng tài sản như lúc ban đầu, phù hợp với hành vi khách quan của tội hủy hoại tài sản. Việc xử lý trách nhiệm hình sự cụ thể đối với hành vi do Hoàng thực hiện sẽ căn cứ vào giá trị tài sản bị gây thiệt hại” – ThS Thanh Thảo phân tích.

 

Theo đó, nếu tài sản bị gây thiệt hại trị giá từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 178 BLHS với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu tài sản bị gây thiệt hại trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù 2-7 năm theo khoản 2 Điều 178 BLHS.

Trường hợp tài sản bị gây thiệt hại trị giá từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù 5-10 năm theo khoản 3 Điều 178 BLHS. Nếu tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù 10-20 năm theo khoản 4 Điều 178 BLHS.

Tội giết người: Có dấu hiệu nhưng phải điều tra kỹ

Bên cạnh đó, ThS Trần Thanh Thảo cũng cho rằng cơ quan điều tra Công an huyện Hàm Thuận Bắc cần tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của Hoàng để xác định trách nhiệm hình sự của anh ta khi cố ý tấn công vào xe bán tải dù biết có người ngồi bên trong.

Trong trường hợp này, nếu Hoàng dùng gàu múc đập vào đúng vị trí ngồi của tài xế và nạn nhân không mở cửa xe thoát thân kịp thời thì hậu quả chết người sẽ xảy ra. Vì vậy, nếu Hoàng chỉ mong muốn gây thiệt hại về tài sản, không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nên Hoàng không tấn công trực tiếp vào vị trí ngồi của tài xế thì hành vi của Hoàng không bị coi là hành vi giết người.

Ngược lại, Hoàng thực hiện hành vi để tấn công nhắm vào người ngồi trong xe, việc tấn công tuy không làm nạn nhân chết nhưng hành vi của Hoàng có dấu hiệu cấu thành tội giết người tại Điều 123 BLHS ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

Phạm tội giết người chưa đạt, mức án ra sao?

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 57 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của BLHS về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm. Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Tội giết người có khung hình phạt nặng nhất được quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS là phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Khung hình phạt thứ hai là 7-15 năm tù. 

 
Theo PHƯƠNG NAM – TRÚC PHƯƠNG
Báo Pháp luật

 

Danh mục: Tin Pháp luật

Tác giả

Viết bình luận

<