Ngày 11-5, TAND tỉnh Hòa Bình mở phiên sơ thẩm xét xử 15 bị cáo trong vụ gian lận điểm thi gây chấn động dư luận tại địa phương này.
Toàn bộ các bị cáo đều là cựu cán bộ trong ngành công an hoặc giáo dục của tỉnh Hòa Bình, không ít người từng là lãnh đạo tại cơ quan mình công tác.
Lời khai trái ngược nhau
Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (cựu phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy) khai đầu tháng 5-2018 có đến phòng làm việc của bị cáo Nguyễn Quang Vinh (cựu trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục).
Lúc này, ông Vinh đặt vấn đề có một số con em trong ngành cần được nâng điểm tại kỳ thi THPT để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Theo bàn bạc, việc sửa điểm sẽ thực hiện trực tiếp trên bài thi gốc của thí sinh. Ông Vinh chuẩn bị chìa khóa phòng chứa bài thi đưa cho ông Tuấn, còn ông Tuấn sẽ chuẩn bị các dụng cụ như dao rọc giấy, bút chì, tẩy…
Tiếp đó, ông Tuấn sang phòng bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí) trao đổi về kế hoạch nâng điểm và nhận được sự đồng ý.
Sau khi có chìa khóa, vào buổi tối các ngày từ 30-6 đến 3-7, hai bị cáo lén lút bóc niêm phong cửa phòng, mở khóa, thực hiện việc sửa chữa bài thi cho những thí sinh trong danh sách cần nâng điểm.
Kết quả, 145 bài thi trắc nghiệm của 58 thí sinh được can thiệp. Trong đó, thí sinh được “ưu ái” nhất nâng tới 26,45 điểm, tức là khi thi gần như không cần làm bài.
Với môn thi tự luận, Nguyễn Quang Vinh chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn “sinh mã phách” trái quy định rồi chuyển cho ban làm phách và các bị cáo trong tổ chấm bài thi tự luận. Kết quả, 20 bài thi môn ngữ văn được chấm nâng từ 1,25 đến 4,5 điểm.
Cũng theo lời ông Tuấn, bị cáo này nhận thông tin thí sinh từ nhiều người, trong đó có ông Vinh và Khương Ngọc Chất (cựu trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, công an tỉnh). Một số trường hợp được ông Chất nhờ có số điểm yêu cầu “tương đối cao” nên ông Vinh phải trao đổi, giải thích rõ.
Trái ngược với những lời khai trên, Nguyễn Quang Vinh khi được thẩm vấn đã phủ nhận hoàn toàn và nói “không hiểu vì sao” bị cáo Tuấn lại khai như vậy.
Cựu trưởng Phòng Khảo thí khẳng định không đưa chìa khóa cho ông Tuấn; không tác động tới việc niêm phong phòng; không nhận, không cung cấp bất cứ danh sách thí sinh nào; cũng không chỉ đạo gì về sửa chữa bài thi…
Ông Vinh thừa nhận chưa làm tròn trách nhiệm trong việc quản lý chìa khóa phòng chấm thi, bố trí cán bộ, các phòng trong khu vực chấm thi chưa hợp lý. Dù vậy, bị cáo khẳng định cáo trạng quy kết mình có vai trò chủ mưu là không đúng.
“Với cương vị của mình, nhiều người nhờ xem điểm nhưng bị cáo đều từ chối” – ông Vinh nói.
Trước sự mâu thuẫn này, HĐXX gọi Đỗ Mạnh Tuấn lên đối chất. Cựu hiệu phó giữ nguyên lời khai, còn cựu trưởng Phòng Khảo thí vẫn cương quyết bác bỏ.
Các bị cáo Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Mạnh Tuấn và Khương Ngọc Chất (từ trái qua) có nhiều lời khai mâu thuẫn nhau. Ảnh: TP
Chuyện khó tin về việc đưa, nhận tiền
Có một điểm khá tương đồng giữa vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình và Sơn La. Mặc dù các bị cáo khai đã nhận hàng trăm triệu đồng để sửa bài thi, thế nhưng những người được cho là đưa tiền lại một mực phủ nhận.
Đến nay, cơ quan tố tụng tỉnh Sơn La đã làm rõ, truy tố toàn bộ những bị can ban đầu không chịu thừa nhận việc đưa tiền về tội đưa hối lộ. Còn tại Hòa Bình, đây vẫn là một dấu hỏi.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Tuấn khai rất rành rọt, tỉ mỉ về việc nhận tiền của bị cáo Chất. Theo đó, giữa tháng 6-2018, trước khi nhận danh sách thí sinh để sửa điểm, hai bên hẹn nhau ở một quán ăn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Ông Chất gọi ông Tuấn ra trước cửa quán, đưa một túi nylon màu đen, không nói gì rồi đi luôn. Sau khi kiểm tra túi và phát hiện có 500 triệu đồng, ông Tuấn gọi ông Chất để trả lại thì ông Chất nói “cứ cầm lấy đã”.
Sau khi nâng điểm xong, ông Tuấn tiếp tục đề nghị trả lại tiền thì ông Chất nói đây là số tiền do các gia đình thí sinh cám ơn.
Đặc biệt, khi sự việc bị phát hiện, ông Tuấn tới cơ quan công an tỉnh tự thú. Tối 29-7, ông Tuấn được ra về và có tới nhà mẹ vợ của ông Chất. Tại đây, ông Tuấn nói “tình hình có vẻ không ổn” vì cơ quan công an đang truy vấn ai đứng đằng sau chỉ đạo.
Tức thì, ông Chất trấn an cứ bình tĩnh vì “anh sẽ cố gắng lo” và dặn ông Tuấn đừng khai ra mối quan hệ giữa hai người. “Nếu có hỏi về một số cuộc điện thoại thì chỉ nói là trao đổi về hoa lan, hoa huệ thôi!” – ông Tuấn thuật lại lời ông Chất khi đó.
Dù lời khai của bị cáo Tuấn rõ ràng và thống nhất như vậy, tuy nhiên ông Chất đều phủ nhận, cho rằng chỉ nhờ xem điểm cho năm thí sinh chứ không phải nhờ nâng điểm, cũng không hề đưa tiền. Tại tòa, bị cáo này cương quyết cho rằng mình không có tội.
Hôm nay (12-5), tòa tiếp tục làm việc.
Nhận hơn 1 tỉ đồng để sửa điểm
Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận 300 triệu đồng của ông Hồ Chúc (cựu giáo viên Trường THPT Thanh Hà), 250 triệu đồng của ông Đào Ngọc Thuật (cựu giáo viên Trường THPT Mường Bi) và 500 triệu đồng của ông Khương Ngọc Chất để nâng điểm cho các thí sinh. Suốt quá trình điều tra, truy tố và tại tòa, ông Tuấn bảo lưu lời khai, thậm chí đã nộp lại 550 triệu đồng cho CQĐT Bộ Công an. Ngược lại, chỉ có duy nhất bị cáo Hồ Chúc thừa nhận hành vi đưa tiền, còn ông Chất và ông Thuật thì một mực kêu oan. Trong bản cáo trạng của mình, VKSND Tối cao nhận định do các tài liệu thu thập chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Chất, ông Thuật cũng như gia đình các thí sinh về hành vi đưa hối lộ, nên yêu cầu CQĐT tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định. |