Biên soạn bằng cách ‘lấy nguyên xi’ sách người khác, xử sao?

Biên soạn bằng cách ‘lấy nguyên xi’ sách người khác, xử sao?

51

21/05/2017 20:48 GMT+7

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/tieu-diem/20170521/bien-soan-bang-cach-lay-nguyen-xi-sach-nguoi-khac-xu-sao/1317723.html

TTO – Hiện nay, tình trạng “biên soạn” sách bằng cách lấy nguyên bản từ cuốn sách của tác giả khác không còn quá xa lạ tại các trường học. Vậy những người cố ý sao chép tác phẩm sẽ xử phạt như thế nào?

Cuốn sách Tính toán thiết kế hệ thống phân phối truyền tải điện của một tác giả bị phát hiện có nội dung giống hoàn toàn cuốn Thiết kế cấp điện của tác giả Ngô Hồng Quang – Vũ Văn Tẩm – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Mới đây, một nhóm giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) đã phát hiện hai cuốn sách của các tác giả khác nhau nhưng lại có nội dung giống nhau từng từ, công thức, đơn vị… và đặc biệt là cùng một nhà xuất bản (NXB).

Hiện tượng không quá xa lạ

Tình trạng biên soạn sách bằng cách photo từ cuốn sách của tác giả khác diễn ra khá phổ biến tại các trường học.

Một vài phát hiện mới đây chỉ là tảng băng nổi, còn rất nhiều tảng băng chìm khác. “Tôi rất mong các cơ quan, ban ngành liên quan xử phạt nặng đối với hành vi cố ý sao chép tác phẩm của người khác để không xảy ra tình trạng như thế này nữa” – bạn đọc Huỳnh Anh Vũ chia sẻ.

Nhiều bạn đọc cho rằng người biên soạn có thể nghiên cứu nhiều sách với nhiều tác giả khác nhau, sau đó hệ thống hóa theo trình tự và dẫn nguồn rõ ràng để độc giả dễ hiểu thì mới đúng nghĩa biên soạn.

Bạn đọc tên Hường cho biết: “Ở trường tôi thỉnh thoảng cũng có giáo viên lấy sách của tác giả khác rồi bỏ trang bìa, thay tên mình vào làm giáo trình cho học sinh học, cứ như là sách của mình vậy”.

Sao chép tác phẩm phạt từ 15 – 35 triệu đồng

Luật sư (LS) Lê Quang Vũ, phó trưởng Văn phòng luật sư Người nghèo, cho biết: “Khi một tác giả sao chép nội dung tác phẩm của một tác giả khác mà không được sự cho phép của tác giả này, không trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả là vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả theo quy định tại khoản 3, điều 20; khoản 6, điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005”.

LS Vũ cho biết trong trường hợp này, nếu các tác giả chính thức có đơn khiếu nại kèm hồ sơ chứng minh quyền tác giả đến cơ quan có thẩm quyền thì người sao chép có thể bị xử phạt đối với hành vi sao chép tác phẩm từ 15 – 35 triệu đồng.

Đồng thời toàn bộ xuất bản phẩm của tác phẩm sao chép sẽ bị yêu cầu dỡ bỏ, tiêu hủy theo quy định tại điều 18 nghị định 131/2013/NĐ-CP.

NXB cũng phải chịu trách nhiệm

Đối với việc xuất bản tác phẩm sao chép thì NXB sẽ phải chịu trách nhiệm. “Trong trường hợp có bản án, quyết định của tòa án về việc vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ của tác giả sao chép. NXB chịu trách nhiệm công khai xin lỗi tác giả, bồi thường cho tác giả của tác phẩm gốc nếu tác giả có yêu cầu bồi thường” – LS Vũ nói.

LS Vũ cho biết thêm NXB phải tạm đình chỉ phát hành, thu hồi, tiêu hủy toàn bộ xuất bản phẩm của tác phẩm sao chép nếu có yêu cầu từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với các tác giả chính thức, để bảo vệ quyền lợi của mình, các tác giả có quyền làm đơn khiếu nại yêu cầu xử lý vi phạm quyền tác giả gửi đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại nghị định 105/2006/NĐ-CP.

Đồng thời, khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, yêu cầu tác giả sao chép và NXB liên đới bồi thường nhuận bút, thù lao và khoản lợi nhuận mà các tác giả đáng lẽ được hưởng.

“Hiện nay, thông thường việc biên soạn giáo trình của các cơ sở giáo dục sẽ do cơ sở giáo dục đó ban hành quy chế riêng về việc biên soạn và phát hành tài liệu học tập. Đơn cử là quyết định số 1148/QĐ-ĐHL ngày 8-9-2008 của Trường ĐH Luật TP.HCM. Tuy nhiên, nội dung biên soạn vẫn phải đảm bảo về quyền tác giả theo quy định của pháp luật”.

 Luật sư Lê Quang Vũ

Tác giả

Viết bình luận

<