Phải chạy thận nhân tạo định kỳ một tuần ba lần, đang đếm từng ngày giành sự sống nhưng nay phải đâm đơn đi kiện dì ruột của mình…
“5 năm nay, tôi bị suy thận mãn, phải chạy thận nhân tạo định kỳ một tuần ba lần, đang đếm từng ngày giành sự sống nhưng nay phải đâm đơn đi kiện dì ruột của mình về căn nhà bố mẹ để lại”. Chị Nguyễn Hoàng Phương Dung (hộ khẩu thường trú số 2 Lê Lư, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, hiện đang tạm trú tại 60B/4 Vạn Kiếp, P.3, Q.Bình Thạnh) nói trong nước mắt.
Mong lấy lại một phần tài sản để chữa bệnh
Ngồi trước mặt tôi là một phụ nữ tầm 40 tuổi, gầy guộc xanh xao. Đôi mắt chị trũng sâu, cánh tay chằng chịt gân guốc do đâm nhiều kim tiêm sau mỗi lần lọc máu, chạy thận.
Chị Dung vừa khóc vừa kể: mẹ Dung là bà Lâm Ngọc Nga (mất ngày 12/6/2001), là chủ sở hữu ngôi nhà tại số 2 Lê Lư, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú. Nguồn gốc nhà đất là do mẹ chị mua bằng tiền riêng vào năm 1991 (lúc này cha Dung đã bỏ nhà đi). Chị Dung có chị gái là Nguyễn Hoàng Ngọc Hạnh.
Năm 2001, trước khi mất một tuần mẹ tôi để lại di chúc viết tay chia nhà đất cho tôi và chị Hạnh. Cha tôi, bà ngoại và ông ngoại tôi cũng mất rồi. Nhà đất của mẹ tôi để lại do chị Hạnh quản lý, sử dụng đến nay, tôi thường xuyên đi về.
Chị Hạnh là người bị mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của tòa án, bản thân tôi cũng đau ốm thường xuyên, lại ở xa, nên tôi đã đề nghị UBND P.Phú Thạnh cử dì ruột là bà Lâm Ngọc Hằng ở gần đó, làm người giám hộ cho chị Hạnh.
Tình cảm của gia đình tôi đã không sứt mẻ nếu như bà Hằng không đưa ra hai bản di chúc nói là của mẹ tôi để lại vào ngày 6/2/2001 với nội dung: “trao giấy chủ quyền nhà cho chị ruột tôi là bà Lâm Ngọc Hằng. Bà Hằng sẽ thay tôi chăm lo cho hai cháu…”.
Điều tôi thấy lạ là một bản do UBND P.14, Q.Tân Bình chứng thực chữ ký, một bản do UBND P.18, Q.Tân Bình chứng thực chữ ký, cả hai bản di chúc này đều có nội dung không rõ ràng, không đúng sự thật: như nguồn gốc nhà là do mẹ tôi mua vào năm 1991 nhưng di chúc lại ghi là mua vào năm 1992, di chúc chỉ trao giấy “chủ quyền nhà” cho bà Hằng chứ không phải để lại di sản cho bà Hằng…
Sau đó, bà Hằng đã làm thủ tục kê khai di sản thừa kế theo di chúc đối với nhà đất của mẹ tôi để lại và được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi là “GCNQSD”) vào năm 2013. (GCNQSD đứng tên bà Lâm Ngọc Hằng, bà Hằng là đồng sở hữu và đại diện cho bà Nguyễn Hoàng Ngọc Hạnh bị mất năng lực hành vi nhân sự – PV), tôi hoàn toàn không được đứng tên.
Giờ căn nhà của mẹ tôi đang được rao bán trên mạng 8,5 tỷ đồng. Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ giúp tôi lấy lại một phần tài sản của mình được hưởng để chữa bệnh”, chị Dung nói.
Còn nhiều điều cần làm rõ
Bà Hằng cho biết: Dung đã thưa kiện bà lần thứ tư. Theo bà Hằng, trước năm 2001, bà có biết bà Nga làm di chúc để lại nhà cho hai cô con gái, tuy nhiên bản di chúc này không ghi ngày tháng cụ thể và không có phường xác nhận. Thời gian sau đó, mẹ của Dung không hài lòng về Dung nên quyết định làm lại hai bản di chúc để giao chủ quyền nhà cho bà Hằng.
“Hồi đó Nga làm cho tôi hai tờ di chúc, tôi hỏi sao em làm được hay vậy vì bình thường người ta chỉ làm một tờ. Nga trả lời em xin ông chủ tịch phường làm hai tờ vì sợ bị mất. Hai tờ di chúc của tôi có chủ tịch phường ký, có ngày tháng cụ thể” bà Hằng cho biết.
Theo bà Hằng, khi Dung thưa bà ra tòa làm di chúc giả, bà chờ tòa hoài không thấy xử thì được tòa cho biết đang gửi xuống phường yêu cầu xác minh, phường không lục được di chúc nên không trả lời được cho tòa. Lý do, phường có hai sổ gồm sổ di chúc và sổ xác nhận chữ ký nhưng bà Nga lại ký lộn qua sổ xác nhận chữ ký chứ không ký vào sổ di chúc.
Khi người viết đề nghị được xem hai bản di chúc gốc thì bà Hằng chỉ cho xem một bản, còn một bản thì bảo đã nộp cho Sở Tài nguyên – môi trường khi làm giấy tờ nhà.
PV đặt câu hỏi tại sao giấy tờ nhà có đồng sở hữu với chị Hạnh mà bà vẫn rao bán, thì bà Hằng trả lời: “Dung không thỏa thuận mà đi thưa kiện hoài, Dung muốn thỏa thuận phải nói chuyện với tôi. Hồi đó tôi nuôi nó từ nhỏ năm sáu-bảy tuổi, nhưng khi lấy chồng Dung trở mặt với tôi. Tôi muốn nó ở hẳn với tôi, tôi sẽ lo cho nó tới chết luôn. Chứ nếu bán nhà chia của cho người đàn ông của Dung tôi không đồng ý”.
Bà Hằng cho biết thêm, bà rao căn nhà là để rao cho vui (?), cố tình rao giá trên trời vì thực tế căn nhà chỉ có thể bán được 5 tỷ.
PV đã liên hệ với phường Phú Thạnh để tìm hiểu về hai bản di chúc của bà Hằng thì cán bộ tư pháp của phường cho biết: Theo quy định hiện nay, thì khi làm di chúc phường sẽ lưu một bản nhưng không rõ cán bộ thời trước họ lưu như thế nào mà khi phường xuống kho lưu trữ thì không thấy lưu hồ sơ di chúc có tên bà Nga, bà Hằng mà chỉ có lưu giấy chứng tử của bà Nga.
Luật sư Lê Quang Vũ, Phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo cho rằng: Tòa án cần làm rõ tính hợp pháp của ba bản di chúc liên quan đến một tài sản. Di chúc của bà Nga có nội dung trao giấy chủ quyền nhà cho bà Hằng để chăm lo cho hai cháu (Hạnh, Dung) có phải là di chúc có điều kiện không, bà Hằng đã đáp ứng điều kiện đó chưa?
Tại sao bà Hằng có hai bản di chúc do hai phường khác nhau cùng xác nhận chữ ký? Nếu cho rằng bà Hằng là người giám hộ rao bán nhà không đảm bảo quyền lợi của chị Hạnh, thì chị Dung có thể yêu cầu được làm người giám sát việc giám hộ theo điều 59 Bộ luật Dân sự.
Quỳnh Mai