Gí súng vào đầu, chưa gây hậu quả có bị xử lý?

Gí súng vào đầu, chưa gây hậu quả có bị xử lý?

38

08/12/2016 06:03 GMT+7

TTO – Dùng súng hơi cay bắn chỉ thiên, gí súng vào đầu người khác dù chưa gây ra hậu quả thì có bị xử lý theo các quy định pháp luật hay không?

Giám đốc công ty dịch vụ bảo vệ rút súng bắn khi cãi cọ với người phụ nữ – Ảnh cắt từ clip

Câu hỏi pháp lý đặt ra từ vụ việc một người đàn ông bắn chỉ thiên và gí súng vào đầu một người phụ nữ đang ngồi trên xe gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.

Thông tin mới cho hay người đàn ông này còn sử dụng thẻ công an giả mang tên mình và đơn vị công tác là phòng cảnh sát hình sự (PC45 – Công an TP.HCM).

Người trong video được xác định là ông Bùi Đức Phương – giám đốc công ty TNHH dịch vụ bảo vệ an ninh Việt Nhật, trụ sở tại quận Tân Bình và khẩu súng mà ông dùng để bắn chỉ thiên là súng bắn đạn hơi cay.

Chuỗi hành vi liên tục, có tính chất đe dọa

LS Lê Cao cho biết theo quy định thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được trang bị công cụ hỗ trợ để sử dụng cho mục đích công việc. Khi nói chuyện với người khác không phải đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ, đồng thời trong điều kiện người đối diện không có các hành vi trái luật thì không thể nổ súng, dù là bắn chỉ thiên đe dọa.

LS Lê Cao nhận định hành vi này đã vi phạm Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, theo ông Cao, hành vi đe dọa dùng vũ lực một cách thái quá, lạm dụng là hành vi bị nghiêm cấm theo điều 6, nghị định số 96/2016/NĐ-CP.

LS Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng dù công cụ hỗ trợ mà người đàn ông đó sử dụng được cấp phép đi chăng nữa thì việc sử dụng với mục đích như trong video clip thể hiện cũng là sai. “Vấn đề sử dụng công cụ hỗ trợ rất cần được siết chặt để tránh việc bị lạm dụng”, LS Lê Cao đề nghị.

Theo LS Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc to tiếng, dùng súng gí vào đầu, bắn chỉ thiên…. là chuỗi hành vi liên tục, có tính chất đe dọa người khác.

Trong lúc nóng giận, người phụ nữ có thể nói những câu manh động nhưng việc người đàn ông gí súng ở vị trí trọng yếu của cơ thể, có thể gây nguy hiểm đến an toàn sức khỏe, tinh thần, thậm chí tính mạng của người khác là hành vi uy hiếp, đe doạ.

Đó là chưa kể nếu đúng theo lý do mà người phụ nữ nói là công ty nợ lương không trả, đến đòi lại bị gí súng vào đầu thì cần phải xác định thêm việc người đàn ông này có ý thức đe dọa người khác và chiếm đoạt tài sản là tiền nợ lương hay không, LS Phạm Công Út phân tích.

Theo LS Lê Cao, hành vi vi phạm chưa gây ra hậu quả nhưng theo quy định thì sẽ vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 10, nghị định số 167/2013/NĐ-CP.

Trường hợp sử dụng công cụ hỗ trợ không đúng luật mà gây các thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người khác thì có thể phải bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 234 Bộ luật hình sự.

Bên cạnh đó, theo LS Lê Quang Vũ thì hành vi của ông Phương sử dụng vũ khí là súng đưa lên đầu uy hiếp người phụ nữ, bắn chỉ thiên diễn ra giữa ban ngày, ở nơi công cộng có thể gây hoang mang lo sợ cho người dân xung quanh đó nói riêng và xã hội nói chung, gây hậu quả nghiêm trọng nên có dấu hiệu cấu thành tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 2 điều 245 Bộ luật hình sự.

Dùng thẻ công an giả, không cần hậu quả cũng cấu thành tội phạm

LS Phạm Công Út phân tích hành vi giả mạo tài liệu (cụ thể là sử dụng thẻ công an giả) là hành vi nguy hiểm cho xã hội.  Trong trường hợp chỉ cần làm giả, hoặc chỉ cần sử dụng nhằm lừa dối thì hành vi này không cần hậu quả cũng đã cấu thành tội phạm theo điều 267 Bộ luật hình sự.

“Cần xác định rõ mục đích người đàn ông này sử dụng thẻ công an giả để làm gì, từ việc xác minh được mục đích sẽ tiến hành xác minh người bị hại (nếu có) và đề ra hình thức xử lý phù hợp với từng hành vi tương ứng với các quy định của pháp luật hình sự”, LS Phạm Công Út nói.

LS Lê Cao cho biết thêm người làm giả hoặc lưu giữ, sử dụng giấy chứng minh công an nhân dân giả vào bất cứ mục đích gì, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo thông tư 45/2009/TT-BCA (C11) ngày 14-7-2009 của Bộ Công an thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được trang bị các loại công cụ hỗ trợ: gậy cao su, gậy sắt, roi cao su, roi điện với số lượng theo yêu cầu thực tế và phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp phép.

Công cụ hỗ trợ phải được quản lý tập trung tại doanh nghiệp và chỉ được trang bị cho nhân viên bảo vệ khi đi làm nhiệm vụ.

Sau khi làm nhiệm vụ xong phải giao lại công cụ hỗ trợ cho bộ phận quản lý tại doanh nghiệp. Nghiêm cấm trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ ngoài mục đích thực hiện nhiệm vụ bảo vệ theo hợp đồng do giám đốc doanh nghiệp giao.

Việc giám đốc Công ty bảo vệ Việt Nhật không mặc đồng phục, cải nhau với một phụ nữ bên lề đường thì không phải là nhân viên bảo vệ đang làm nhiệm vụ và sử dụng súng hơi cay (không thuộc bốn loại công cụ hỗ trợ nêu trên) là trái pháp luật.

Luật sư Lê Quang Vũ, Phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo 

VÕ HƯƠNG – AN NHIÊN

 

Tác giả

Viết bình luận

<