CÔNG TY LUẬT CÔNG BÌNH

“Giải cứu vợ, chồng đâm chết người”: Chồng và mẹ vợ đối diện hình phạt nào?

“Giải cứu vợ, chồng đâm chết người”: Chồng và mẹ vợ đối diện hình phạt nào?

60

17-11-2020 – 10:13 AM|Pháp luật

 
(NLĐO) – Công an đang mời bà Võ Thị K.C. lên làm việc do có liên quan đến vụ án mạng “giải cứu vợ, chồng đâm chết người” xảy ra ở tỉnh Vĩnh Long.
 
Liên quan đến vụ Trần Ngoại Giao (30 tuổi; ngụ xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đâm chết 1 người và làm bị thương 2 người để giải cứu cho vợ là chị Võ Thị T.H (29 tuổi), sáng 17-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Lê Quang Vũ, Giám đốc Công ty Luật Công Bình (TP HCM), nhận định: 

“Đối với Trần Ngoại Giao, tùy thuộc vào kết quả điều tra xác định ý chí chủ quan của người này, hung khí sử dụng, hành vi thực hiện để xác định tội danh “Giết người” trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 125 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất 7 năm tù; hoặc tội “Cố ý gây thương tích” hoặc “Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 135 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù”.

Riêng đối với bà Võ Thị K.C (53 tuổi; tạm trú tại Bà Rịa – Vũng Tàu, mẹ ruột của chị H.) nếu có thuê người đi bắt chị H. thì bà C. và nhóm người được thuê có dấu hiệu phạm tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo Điều 157 Bộ Luật Hình sự với tình tiết định khung là có tổ chức, mức hình phạt đến 7 năm tù.

Giải cứu vợ, chồng đâm chết người: Chồng và mẹ vợ đối diện hình phạt nào? - Ảnh 2.

Chị H. bị lôi kéo và bị nhóm thanh niên bắt đi. Ảnh: cắt từ clip

Như đã thông tin, vào khoảng 10 giờ ngày 15-11, một nhóm người đi trên xe ô tô đến quán cà phê của anh Giao tại xã Long An, dùng bình xịt hơi cay khống chế và đưa chị H. lên xe.

Đang hái dừa phía sau vườn, nghe tiếng vợ la hét, anh Giao lao vào giải cứu vợ

Bị một đối tượng dùng bình chứa hơi cay xịt vào mặt, anh Giao cầm thanh sắt chống trả, đâm lại nhóm người này khiến N.M.T (30 tuổi; ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu) tử vong và 2 người khác bị thương.

Giải cứu vợ, chồng đâm chết người: Chồng và mẹ vợ đối diện hình phạt nào? - Ảnh 3.

Trần Ngoại Giao đang bị tạm giữ để điều tra. Ảnh: Công an Vĩnh Long

Công an đang tạm giữ 2 người trong nhóm bắt chị H. 

Theo lời khai của những đối tượng này thì chính bà C. thuê người đi bắt chị H. Trong nhóm người trên còn có em trai chị H. Sau khi sự việc xảy ra, người này đã bỏ trốn, hiện công an đang truy tìm. Đồng thời, Công an tỉnh Vĩnh Long cũng đang mời bà C. đến làm việc để làm rõ vụ việc.

Thông tin ban đầu, bà C. không đồng ý cho con gái chung sống với Giao nên thuê người đến bắt, sau đó dẫn đến án mạng.

Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi 2018 quy định:

Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội đối với 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Điều 135. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người.

Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người đang thi hành công vụ; d) Phạm tội 2 lần trở lên; đ) Đối với 2 người trở lên; e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn; h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm: a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát; b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam; c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo Ca Linh
Báo Người lao động
 

Tác giả

Viết bình luận

<