Theo chuyên gia, người nước ngoài bị buộc trục xuất nếu hết thời hạn tạm trú nhưng không xuất cảnh và sẽ bị trục xuất nhằm bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội.
Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết Bộ Công an đã tiến hành trục xuất, bàn giao 77 người Trung Quốc cùng toàn bộ các phương tiện kỹ thuật, đồ vật, tài liệu liên quan cho Bộ Công an Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), để xử lý đường dây đánh bạc xuyên quốc gia.
Quá trình xác minh chuyên án, Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Bộ Công an Trung Quốc trao đổi thông tin, tài liệu và xác định nhóm người Trung Quốc lưu trú tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa thuộc tổ chức cờ bạc xuyên quốc gia liên quan đến các nước Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Việt Nam. Tổ chức này có hàng trăm đại lý, lôi kéo hàng trăm nghìn người, đa phần là người Trung Quốc, tham gia đánh bạc.
Khoảng 9 giờ ngày 6.6, Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an TP.Đà Nẵng và Công an tỉnh Khánh Hòa huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ đồng loạt khám xét tại 18 địa điểm (Quảng Ninh 9 địa điểm, TP.Đà Nẵng 6 địa điểm, Khánh Hòa 3 địa điểm), bắt giữ 77 nghi phạm Trung Quốc.
Hay mới đây, ngày 10.6, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (H.Cao Lộc, Lạng Sơn), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Cục Đối ngoại (Bộ Công an) phối hợp với Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức bàn giao 4 đối tượng truy nã đặc biệt mang quốc tịch Trung Quốc, gồm: Dương Khánh Phong, Nông Khánh Toàn, Hoàng Vĩnh Cường và Dương Văn Tiến. Cả 4 đối tượng này đều có lệnh truy nã đặc biệt từ phía công an Trung Quốc với tội danh buôn bán trái phép hàng hóa, buôn lậu các chất thải rắn.
Nhiều bạn đọc thắc mắc trong trường hợp nào, người nước ngoài vi phạm pháp luật ở Việt Nam, công an Việt Nam bắt giữ sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử tại VN và khi nào thì bị trục xuất khỏi Việt Nam?
Tại sao lại trục xuất mà không điều tra, xét xử?
Bộ Công an cho biết lý do trục xuất 77 nghi phạm Trung Quốc, không điều tra, truy tố và xét xử do sau khi làm rõ được hành vi vi phạm của các nghi phạm, xác định không có người Việt Nam tham gia hoạt động phạm tội, không có bị hại là người Việt Nam, đồng thời là vấn đề ngoại giao và đây là vụ án của Bộ Công an Trung Quốc điều tra.
Trả lời vấn đề này, luật sư (LS) Lê Quang Vũ (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, người nước ngoại vi phạm pháp luật Việt Nam, thì bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
“Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó.
Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế, thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Người nước ngoài vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam có thể bị áp dụng hình phạt trục xuất, buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam theo Điều 37 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, có thể ra quyết định xử phạt hành chính trục xuất theo Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012, và Văn bản hợp nhất số 02 ngày 24/6/2016 của Bộ Công an hợp nhất Nghị định 112/2013 và Nghị định 17/2016 quy định hình thức xử phạt trục xuất người người ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam”, LS Vũ phân tích.
Điều tra, xét xử sẽ gặp nhiều khó khăn
LS Vũ cho rằng đối với trường hợp 77 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc qua mạng, các đối tượng ở nhiều tỉnh thành, nếu xử lý hình sự thì có thể phải khởi tố nhiều vụ án và việc điều tra, truy tố, xét xử rất phức tạp trong việc định lượng, định tính hành vi vi phạm, tạm giữ, tạm giam, người phiên dịch. Bộ Công an đã chọn cách xử lý hành chính trục xuất là nhanh chóng và phù hợp, để nước sở tại điều tra, xử lý theo vụ án mà nước sở tại thụ lý.
Còn LS Nguyễn Hải Nam (thuộc Đoàn LS tỉnh Bình Phước) nêu ý kiến, nếu Bộ Công an Việt Nam giữ vụ án lại điều tra, truy tố xét xử, thì rất khó khăn trong các điều tra vì Việt Nam chỉ là một trong những nơi mà nhóm tội phạm thực hiện, không có bị hại ở Việt Nam và không có đối tượng ở Việt Nam.
Theo LS Nam, nếu giữa Việt Nam và một nước nào đó có ký kết hiệp định về tương trợ tư pháp, thì việc phối hợp điều tra, phá án cũng là điều bình thường và phù hợp.
“Đường dây đánh bạc tổ chức xuyên quốc gia này có cơ sở ở nhiều nước chứ không chỉ riêng Việt Nam, mặt khác, đây là đường dây tội phạm đang được phía Trung Quốc điều tra, những người phạm tội đều là người Trung Quốc, bị hại không có ở Việt Nam, nên Việt Nam chuyển giao cho Trung Quốc xử lý là phù hợp.
Khác với trường hợp Đoàn Thị Hương là hành vi phạm tội xảy ra hoàn toàn tại nước ngoài, nạn nhân chết tại nước ngoài nên phải xử theo luật nước sở tại. Tương tự, Việt Nam cũng đã từng xử lý hình sự nhiều trường hợp người nước ngoài phạm tội ngay trên lãnh thổ Việt Nam mà không cần chuyển giao cho nước ngoài xử lý như vụ làm giả thẻ ATM để trộm tiền của nhóm người nước ngoài và nhiều vụ án khác”, LS Nam phân tích.
LS Nam cho rằng theo điều 30 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh 2014, thì người nước ngoài có thể bị buộc xuất cảnh (trục xuất) trong trường hợp hết thời hạn tạm trú nhưng không xuất cảnh. Ngoài ra, sẽ bị trục xuất nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cơ quan có thẩm quyền cũng buộc xuất cảnh để bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội. Còn những trường hợp khác bị trục xuất hay dẫn độ, là theo yêu cầu của nước ngoài tùy thuộc vào việc Việt Nam và nước đó có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hay không, hoặc do vấn đề ngoại giao.
Theo Ngọc Lê
Báo Thanh Niên