Cần đảm bảo quyền bào chữa theo luật
Theo tôi, phải có quy định trách nhiệm cụ thể của lực lượng công an trong việc bảo đảm thực hiện các quy định của BLTTHS liên quan đến quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi của đương sự.
Điều 73 BLTTHS 2015 quy định người bào chữa có quyền gặp hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện bào chữa theo luật định. Đây là quy định mới bổ sung về quyền cho người bào chữa (thường là luật sư (LS)). Nhưng thực tế hiện nay LS chưa được thực hiện quyền này, hậu quả là dễ dẫn đến việc bị ép cung, bức cung do thiếu vắng vai trò của LS. Vì vậy cần quy định trong hoạt động điều tra, nếu LS đã đăng ký tham gia dự cung nhưng điều tra viên không thông báo sẽ bị xem là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, không có giá trị chứng cứ.
Điều 83 BLTTHS năm 2015 quy định đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố khi tham gia giải quyết nguồn tin về tội phạm. Nhưng đến nay Bộ Công an chưa ban hành quy định về trình tự, thủ tục để LS của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tham gia vào quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm. Từ đó LS chưa được tham gia bảo vệ các đối tượng trong giai đoạn này, trong khi các vụ “tự tử” hầu hết xảy ra ở đây.
Vì vậy rất cần quy định cụ thể người có quyền nhờ LS là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc người thân thích của họ ngay trong giai đoạn giải quyết tin báo tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Nếu công an thực hiện đúng trách nhiệm trong việc đảm bảo thực hiện các quy định của BLTTHS liên quan đến quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì sẽ không có tình trạng người dân bị chết khi làm việc với công an.
LS NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa
Người thân lo hậu sự cho bà Huỳnh Thị Nhung ở xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa, người tử vong sau khi làm việc tại trụ sở công an thị xã ngày 13-10. Ảnh: TẤN LỘC
Theo quy định của BLTTHS 2015, khi lấy lời khai người làm chứng, người bị hại có thể ghi âm, ghi hình hoặc khi hỏi cung bị can phải được ghi âm, ghi hình. Thông tư liên tịch số 03/2018 giữa Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Quốc phòng đã hướng dẫn rõ về việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can. Tuy nhiên, chưa có quy định về lấy lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, bị tạm giữ nên có thể dẫn đến tiêu cực. Khi xảy ra hậu quả không có người thứ ba chứng kiến, không có băng ghi âm, ghi hình làm bằng chứng thì rất khó để chứng minh sự thật.
Cần quy định thêm về việc phải có ghi âm, ghi hình khi lấy lời khai của những người tham gia tố tụng và người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, bị tạm giữ. Khi lấy lời khai của những đối tượng trên trong giai đoạn tiền khởi tố và khởi tố thì cần có mặt của kiểm sát viên để đảm bảo vai trò kiểm tra, kiểm sát được thực hiện xuyên suốt. Cạnh đó phải có quy định ràng buộc trách nhiệm của VKS khi xảy ra hậu quả chết người hay bị thương tích.
Ngoài ra, hiện nay nếu xảy ra hậu quả thì cơ quan công an đó lại tiếp tục thụ lý, xác minh, điều tra sự việc. Quy định này khiến dư luận đặt câu hỏi nghi vấn là có hay không sự khách quan, vô tư. Do vậy cần đặt ra một cơ chế giải quyết riêng của bên thứ ba độc lập như VKS cùng cấp thụ lý điều tra.
LS NGUYỄN DUY, Đoàn LS TP.HCM
Phải có luật sư khi bị mời làm việc
Theo quy định tại các điều 57, 58, 59, 73, 83, 114, 118 BLTTHS 2015, người bị tố giác (tức mời làm việc), bị giữ, bị tạm giữ (có quyết định tạm giữ) có quyền nhờ LS bào chữa và LS có quyền có mặt khi lấy lời khai. Do đó người dân khi nhận được giấy mời, giấy triệu tập của công an thì nên nhờ LS đi cùng, vấn đề là phải có quy định để công an chấp nhận sự có mặt của LS.
Trường hợp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt phạm tội quả tang và quyết định truy nã thì phải chấp hành ngay nhưng gia đình có thể tìm LS để cùng tham dự khi lấy lời khai. Theo quy định, sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, CQĐT phải lấy lời khai ngay và trong 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Vì vậy để tránh tình trạng người bị bắt hoảng loạn và tự tử, cần quy định gia đình người bị bắt giữ nên đi cùng và chờ tối đa 12 giờ để đón về hoặc nắm được thông tin người thân bị tạm giữ, tạm giam.
LS LÊ QUANG VŨ, Đoàn LS TP.HCM
Quy trách nhiệm nếu để nghi can tự tử
Khi xảy ra sự cố người bị tạm giữ bị chết hoặc bị thương, nhiều vụ cơ quan chức năng đưa ra kết luận là người bị tạm giữ tự tử. Nhưng thực tế rất ít khi được phía gia đình nạn nhân chấp nhận, dư luận xã hội đồng tình vì có nhiều nghi vấn. Bởi việc giải quyết hậu quả của các cơ quan liên quan thường không có sự chứng kiến của phía gia đình người bị hại như mổ giám định tử thi hoặc chỉ thông báo khi sự việc đã gần như xử lý xong.
Chỉ khi có kết luận nạn nhân bị đánh chết thì mới khởi tố vụ án, khởi tố điều tra, còn các trường hợp công an thông báo rằng nạn nhân tự tử thì gần như không có tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm. Để hạn chế tình trạng này cần phải quy định rằng trong khi tạm giữ người thì chỉ huy đơn vị hoặc người thực thi công vụ phải có trách nhiệm nếu để người dân tự tử. Ngoài ra, trước khi bị tạm giữ, tạm giam thì cần phải kiểm tra sức khỏe để tránh tình trạng đổ lỗi cho nhau.
LS LÊ VĂN HOAN, Đoàn LS TP.HCM
Mời làm việc cũng phải ghi âm, ghi hình
Hiện nay người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, người được mời làm việc thì chưa có quy định về bắt buộc phải ghi âm, ghi hình. Do vậy, theo tôi, thứ nhất cần phải có quy định ghi âm, ghi hình khi công an làm việc với công dân theo giấy mời hoặc khi bị tạm giữ hành chính. Thứ hai, phòng làm việc, ghi ý kiến phải bố trí có kính trong suốt để bên ngoài mọi người giao dịch, làm việc có thể nhìn thấy từ khoảng cách từ 15 đến 20 m. Ngoài buổi làm việc phải có ít nhất một đại diện của mặt trận Tổ quốc hoặc hội liên hiệp phụ nữ hay UBND phường để giám sát. Thứ ba, phải quy định trong mọi trường hợp bị công an mời lên làm việc người dân đều có quyền nhờ LS đi cùng mình. Nếu không có mặt LS thì người được mời có quyền từ chối làm việc. LS NGUYỄN HOÀI NGHĨA, Đoàn LS TP.HCM |