(PLO)- Đây là vụ án có dấu hiệu oan sai rõ rệt, bởi căn cứ theo quy định của pháp luật thì các bị cáo cưa cây gỗ đã chết khô chưa tới 1,5 m3 thì chỉ có thể bị xử phạt hành chính chứ chưa đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp.
Sáng mai (16-2), TAND tỉnh Kon Tum sẽ xử phúc thẩm vụ án bị cáo Phan Tiến Dũng và đồng phạm bị TAND huyện Đăk Hà xử phạt 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Đây là vụ án có dấu hiệu oan sai rõ rệt, bởi căn cứ theo quy định của pháp luật thì các bị cáo khai thác gỗ chưa tới 1,5 m3 thì chỉ có thể bị xử phạt hành chính chứ chưa đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp.
Như Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần thông tin, Phan Tiến Dũng là kiểm lâm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy. Tháng 4-2016, Dũng rủ Lê Quốc Khánh ra quán cà phê để nhờ tìm thuê người làm cành cà phê thì Khánh đã chủ động xin Dũng vào rừng Đăk Uy cưa trộm gỗ trắc khô. Cả nể việc Khánh thường tìm thuê người làm cà phê cho mình nên Dũng đồng ý.
Sáng sớm hôm sau, Khánh cùng Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Ngọc Bình đi vào rừng, phát hiện có cây gỗ trắc đã chết khô, không có lá nên cùng nhau cưa cây. Khi cây bị đổ tạo ra tiếng kêu lớn nên các bị cáo bị phát hiện. Bị truy đuổi, tất cả cùng bỏ chạy về nhà.
Các bị cáo khai thác dưới 5 m3 thì chỉ có thể xử phạt hành chính. Ảnh: NGÂN NGA
Quá trình điều tra Khánh, Bảy, Thụ, Bình bị bắt tạm giam chín ngày, riêng Dũng được tại ngoại.
Theo kết quả giám định, cây gỗ bị cưa nói trên là cây gỗ trắc đã chết khô, không còn khả năng sinh trưởng và phát triển. Riêng khúc gỗ mà các bị cáo lấy chỉ 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng.
Tất cả các bị cáo Dũng, Khánh, Bảy, Thụ và Bình cùng bị truy tố về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS.
Tháng 9-2016, TAND huyện Đăk Hà đã đưa vụ án ra xét xử lưu động tại trụ sở UBND xã Đăk Mar đã có hàng trăm người dân đến ngồi chật kín tại hội trường và ngồi cả ra ngoài hành lang để theo dõi phiên tòa.
Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo cho rằng việc làm của mình là sai nhưng chỉ ở mức xử phạt hành chính chứ không phạm tội trộm cắp tài sản như VKSND huyện Đăk Hà truy tố.
Sau hai ngày xét xử, ngày 27-9-2016, TAND huyện Đăk Hà vẫn tuyên phạt bị cáo Lê Quốc Khánh 15 tháng tù; Nguyễn Văn Bảy 14 tháng tù; Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ và Phan Tiến Dũng mỗi bị cáo 12 tháng tù, cùng về tội trộm cắp tài sản.
Tất cả các bị cáo cùng kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra vào ngày mai (16-2), ngoài luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) còn có hai LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) và LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS Đồng Nai) sẽ cùng tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Các bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản!
TAND huyện Đăk Hà phạt các bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản là không ổn. Bởi lẽ đối tượng tác động trong trường hợp này là rừng (cây mọc tự nhiên) chứ không phải tài sản thông thường có chủ sở hữu. Khách thể bị xâm hại là trật tự quản lý kinh tế về khai thác và bảo vệ rừng chứ không phải quyền sở hữu.
Mặt khác, cây gỗ trắc trong rừng đặc dụng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý. Do đó ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy không phải là chủ sở hữu cây gỗ trắc này.
Theo Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC quy định người khai thác cây rừng trái phép mà không phải là chủ rừng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật tương ứng quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS đối với rừng trồng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh. Ở đây các bị cáo đã khai thác trái phép một cây gỗ trắc trong rừng đặc dụng nên không thể xử tội trộm cắp tài sản mà phải là tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo Điều 175 BLHS.
Cũng theo điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 157/2013 thì khối lượng vi phạm hành chính tối đa đối với loại gỗ thuộc nhóm IIA (trong đó có gỗ trắc) là 5 m3. Mà Thông tư liên tịch số 19/2007 thì gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 175 BLHS phải khai thác trên 5 m3 gỗ thuộc nhóm IIA. Trong khi đó, các bị cáo khai thác trái phép chưa tới 1,5 m3 thì chỉ bị xử phạt hành chính theo Điều 12 Nghị định 157/2013 chứ chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Luật sư Lê Quang Vũ (Văn phòng luật sư Người Nghèo, Đoàn Luật sư TP.HCM)
|
NGÂN NGA