06/10/2016 06:00 GMT+7
TTO – Bị đánh trước cổng trường, bị quay clip tung lên mạng, một học sinh THCS tại Yên Bái đã tìm đếm cái chết một thời gian sau đó.
Mới đây, một nam học sinh THCS ở Yên Bái tự tử một thời gian sau khi bị một nhóm thanh niên chặn trước cổng trường, dùng tuýp cao su đánh, ép em phải quỳ lạy xin tha thứ trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác và clip em bị đánh được tung lên mạng. Rồi câu chuyện hai nữ sinh lớp 9 bị sáu nữ sinh đánh hội đồng sốc nặng…
Đó chỉ là một vài trong số nhiều câu chuyện bắt nạt học đường thường xuyên xảy ra mà hậu quả của nó có khi là tính mạng của chính nạn nhân.
Điểm chung của những câu chuyện này là thời điểm nạn nhân bị hành hung, luôn có ai đó quay clip lại và tung lên mạng. Có rất nhiều người bị sốc bởi mạng xã hội. Ngày càng nhiều vụ việc đánh nhau rồi tung clip lên mạng làm nạn nhân bị ám ảnh, hoảng loạn.
Quá đau lòng
Hàng trăm bạn đọc đã bày tỏ sự xót xa và cho rằng việc giáo dục kỹ năng sống, biết tự bảo vệ mình và xử lý vấn đề là rất quan trọng.
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân cho rằng có rất nhiều tình huống bắt nạt có thể xảy ra với các em trong môi trường học đường. Có thể chia thành 2 nhóm là bắt nạt về thể xác như đánh nhau (có hoặc không có vũ khí) và bắt nạt về tinh thần như thái độ coi thường, ánh mắt chế giễu của bạn bè; những lời nói xấu, vu khống, đe dọa, chửi bới; những tin nhắn, đoạn chat, hình ảnh gây tổn thương…
Theo ThS Vân, khi bị bạn bè bắt nạt, có những học sinh không dám vào lớp, chỉ đợi khi có chuông báo mới dám bước vào; nhiều em bất an, lo lắng dẫn đến sa sút trong học tập. Không ít học sinh sợ đến trường dẫn đến môt số triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn… mỗi khi đến giờ đi học. Những dấu hiệu này khiến phụ huynh dễ nhầm tưởng rằng con lười học và trách mắng khiến các em càng khó khăn hơn trong việc chia sẻ nỗi sợ hãi, bất an.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, nhà trường, gia đình và xã hội dường như chưa quan tâm nhiều đến những chấn thương tâm lý.
Ông Lâm cho hay: “Thật sự quá đau lòng đối với trường hợp em học sinh tại Yên Bái. Chúng ta chỉ lo bệnh tật và những tổn thương bên ngoài mà không biết rằng chấn thương về tâm lý còn nguy hiểm hơn nhiều. Trong trường hợp này, cả nhà trường , gia đình và bệnh viện nơi chăm sóc em học sinh đều có một phần lỗi vì đã không quan tâm em nghĩ gì để xảy ra tình huống đáng tiếc”.
Giáo dục pháp luật, tham vấn tâm lý
Ảnh minh họa cắt từ clip bạo lực học đường |
“Qua những vụ việc một học sinh bị thất tình, đánh đập, bắt nạt, rồi bị quay clip, chụp ảnh đưa lên mạng dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, có những em nạn nhân đã tìm lối thoát bằng cái chết, tôi thấy cần thiết phải tuyên truyền giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh sâu rộng hơn nữa”, luật sư Lê Quang Vũ nêu ý kiến.
ThS tâm lý Cẩm Vân phân tích: “Ở độ tuổi mới lớn, các em thường có tâm lý muốn chứng tỏ bản thân, thích gây sự chú ý nên có trường hợp một số em quay lại cảnh đánh nhau, bắt nạt bạn bè để tung lên mạng mà không lường được hậu quả nặng nề có thể gây ra cho nạn nhân và cho chính bản thân các em.
Với một số em học sinh bị bắt nạt, do các em đang ở trong giai đoạn biến chuyển về tâm sinh lý tâm lý nên khó kiểm soát cảm xúc. Đôi khi chỉ cần một câu khích bác, thái độ coi thường từ bạn bè đã khiến nhiều em nghĩ tới hành vi tiêu cực. Cũng có những em đã từng là nạn nhân bạo lực hoặc có những tổn thương tâm lý thì sau đó lại trở thành kẻ bắt nạt những học sinh khác”.
Theo bà Vân, khi trở thành nạn nhân của bạo lực học đường các em đã phải trải qua những sang chấn tâm lý nặng nề. Tuy nhiên nếu sau đó các em lại tiếp tục nhìn thấy video ghi lại hình ảnh mình đã phải chịu tổn thương như thế nào, nghe thấy những lời bàn tán của những người xung quanh thì nỗi đau ấy lại tái đi tái lại, liên tục ám ảnh tâm trí khiến các em càng thêm sợ hãi, hoảng loạn; các em tự cô lập bản thân, không muốn tiếp xúc, dễ dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu… nghiêm trọng hơn là những ý nghĩ hủy hoại bản thân.
ThS Lê Thị Loan – nguyên phó khoa Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục Hà Nội) cho rằng cần phải có ngay phòng tham vấn tâm lý trong nhà trường để hạn chế tối đa những hậu quả của bạo lực học đường. Bà Loan cho biết: “Chúng ta cứ quan tâm chuyện xử lý về hành chính mà không quan tâm đến tâm lý học sinh. Ở lứa tuổi này, các em còn thiếu nhiều kỹ năng, dễ bị tổn thương và rơi vào trạng thái trầm cảm nên không thể vượt qua cú sốc”.
Ảnh tư liệu |
Người đánh, người quay clip, đăng clip đều có thể bị xử lý
Luật sư (LS) Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích hành vi đánh và bắt một học sinh THCS ở Yên Bái quỳ lạy xin tha thứ của nhóm thanh niên mà dư luận xôn xao mấy ngày gần đây đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tội làm nhục người khác được quy định tại khoản 1 điều 121 Bộ Luật Hình Sự.
Mức xử phạt đối với hành vi này là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Luật sư Lê Quang Vũ cho biết việc đăng tải thông tin, hình ảnh, clip lên mạng xã hội mà vi phạm pháp luật thì tùy mức độ, hình thức vi phạm mà người vi phạm có thể bị kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp người gây ra thiệt hại là trẻ em, học sinh chưa đủ 18 tuổi thì cha mẹ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Về trách nhiệm hành chính, người vi phạm có thể bị xử phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Trường hợp hành vi của người vi phạm có dấu hiệu phạm tội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội làm nhục người khác, tội vu khống, tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet với mức phạt tù từ 3 đến 7 năm.
Bộ luật hình sự cũng quy định rõ người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, có khung hình phạt đến 15 năm tù, hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt trên 15 tù, tù chung thân hoặc tử hình. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.