(PLO)- Nên tăng chế tài tạm giữ bằng lái ít nhất từ sáu tháng đến một năm, thậm chí tước quyền lái xe vĩnh viễn tùy theo mức độ nghiêm trọng hay tái phạm…
Tiếp theo loạt bài về vụ say xỉn gây tai nạn giao thông và làm thế nào để hạn chế tình trạng này, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc một số đóng góp của các chuyên gia về vấn đề này.
Nhiều ý kiến cho rằng sau khi xử phạt người say xỉn, cảnh sát giao thông (CSGT) vẫn để họ tự chạy xe về nhà là vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Theo luật sư Đàm Bảo Hoàng (Trưởng Văn phòng luật sư Đàm Bảo Hoàng), Nghị định 46/2016 quy định đối với người lái xe có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép thì bị xử phạt cao nhất lên đến 18 triệu đồng, bị tước bằng lái 4-6 tháng. Mức chế tài này còn quá nhẹ, do vậy cần phải tăng mức xử phạt đối với hành vi uống rượu bia say mà vẫn lái xe. Nên tăng chế tài tạm giữ bằng lái ít nhất từ sáu tháng đến một năm, thậm chí tước quyền lái xe vĩnh viễn tùy theo mức độ nghiêm trọng hay tái phạm.
Luật sư Hoàng đề nghị sửa luật, tăng hình phạt cao hơn nữa. Cạnh đó, cơ quan chức năng cần đồng bộ hóa trên phương tiện điện tử các tài xế bị xử phạt tiền về say xỉn, để khi bị tái phạm thì CSGT áp dụng mức phạt cao hơn. Đối với CSGT mà bỏ qua các lỗi bác tài say xỉn vượt quá mức cho phép thì cũng cần phải xử lý nghiêm đối với cán bộ đó.
Luật sư Nguyễn Duy (Đoàn Luật sư TP.HCM) lo ngại về pháp luật vẫn chưa dự liệu đầy đủ các trường hợp xảy ra trên thực tế. Cụ thể, trong trường hợp người điều khiển xe ô tô, xe gắn máy trong tình trạng có nồng độ cồn vượt quá quy định thì bị CSGT xử phạt vi phạm hành chính và tước giấy phép lái xe. Thế nhưng người vi phạm vẫn được tiếp tục điều khiển phương tiện về nhà. Việc làm này vô cùng nguy hiểm vì có chắc rằng sau khi bị xử phạt, người vi phạm vẫn có thể chạy xe an toàn về nhà?
Khoản 2 Điều 260 BLHS 2015 quy định tình tiết người thực hiện hành vi phạm tội “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” là tình tiết định khung tăng nặng. Nhà làm luật cũng đã xác định được việc người dùng rượu bia tham gia giao thông có mức độ nguy hiểm cao hơn nên khi xảy ra tội phạm thì phải chịu trách nhiệm nặng hơn, chịu khung hình phạt 3-10 năm tù. Thế nhưng các nhà làm luật vẫn còn bỏ sót nhiều vấn đề liên quan tới tội phạm này.
Luật sư Nguyễn Duy cho rằng đối với hình thức xử phạt hành chính chỉ dừng lại ở phạt tiền và tước giấy phép lái xe, nhưng đó chưa đủ sức răn đe, chưa lường trước những trường hợp xảy ra khác.
“Tôi kiến nghị có thể sửa luật theo hướng tăng nặng hình phạt bổ sung như: Tạm giữ phương tiện tham gia giao thông 24 giờ khi người tham gia đang trong tình trạng say xỉn, nồng độ cồn trong cơ thể vượt quá mức quy định (quy định rõ mức nồng độ cồn vượt quá trong trường hợp này). Trường hợp đã bị xử phạt hành chính trước đó thì tước giấy phép lái xe trong một năm; hoặc nếu vi phạm nhiều lần thì tước vĩnh viễn giấy phép lái xe. Hoặc chưa đến mức độ chịu trách nhiệm hình sự thì có thể phải lao động công ích trong một khoảng thời gian nhất định. Song song đó, cần tăng nặng mức phạt tiền vi phạm hành chính tùy theo mức độ nồng độ cồn” – luật sư Duy nói.
Phân tích thêm, luật sư Lê Quang Vũ (Giám đốc Công ty Luật Công Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM) nhấn mạnh: Quan trọng nhất vẫn là ý thức của những người chấp hành pháp luật và thi hành pháp luật. Lái xe trong tình trạng say xỉn không chỉ nguy hiểm cho chính mình và cho cả những người tham gia giao thông khác. Mỗi người dân phải luôn ý thức thượng tôn pháp luật, không nể nang, thông cảm bỏ qua, hoặc xử phạt xong vẫn cho người vi phạm tiếp tục lái xe. Cơ quan quản lý nhà nước cần có các phương tiện, biện pháp phù hợp để đảm bảo người uống rượu bia vượt qua mức cho phép thì tuyệt đối không để họ tiếp tục lái xe. Người say xỉn chỉ được nhận lại xe khi chắc chắn họ hoàn toàn đủ điều kiện để tham gia lưu thông và đã chấp hành xong xử phạt.
NGÂN NGA