14/06/2016 06:00 GMT+7
TTO – Thông tin về việc xây dựng chuồng gà phải xin phép ở Cao Bằng nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Vậy xây chuồng gà loại nào thì phải xin giấy phép?
Bên cạnh những bình luận thể hiện sự bức xúc, khó hiểu vì sao xây dựng một chuồng gà nhỏ với cũng phải xin cấp phép, nhiều bạn đọc còn thắc mắc liệu nếu gia đình muốn xây một chuồng gà, chuồng vịt… với quy mô tương tự thì phải xin phép các cơ quan nào?
Chuồng gà nhỏ như “lỗ mũi” phải xin?
“Mới đây có dự án 33 tầng ở Hà Nội được chủ đầu tư xây dựng trái phép trên khu đất có diện tích gần 6.695m2. Giữa thủ đô lại có một tòa nhà to đùng xây không phép, còn ở nơi thâm sơn cùng cốc xây một viên gạch có vữa cũng không qua mắt được nhà chức trách là thế nào?!” – một ban đọc nói.
Nhiều người thắc mắc tại sao “xây một cái chuồng gà nhỏ xíu mà phải tới bốn cơ quan giải quyết hai tháng không xong?”.
Luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng thông tin xây một viên gạch cũng phải xin phép là không có căn cứ.
“Không có văn bản pháp luật nào quy định xây một viên gạch có vữa hay xây chuồng gà vì mục đích tăng gia cho gia đình mà phải xin phép”, ông Nghiêm nói.
Đồng tình với ý kiến trên, LS Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng một viên gạch được xây không thể là đối tượng xin cấp phép xây dựng, đây có thể chỉ là cách nói “thậm xưng” của cấp lãnh đạo.
“Người ta có muốn xây để nuôi chơi thôi thì cũng không cấm được. Một bộ phận quan chức hiện nay đang vận dụng các quy định của pháp luật không chính xác” – LS Bùi Quang Nghiêm thẳng thắn.
Ông Bùi Quang Nghiêm cho rằng nếu những chuồng gà, chuồng vịt như thế này có bị kiểm tra thì lý do duy nhất là kiểm tra về điều kiện vệ sinh môi trường, nhằm tránh ảnh hưởng đến những khu vực xung quanh.
Còn lý do “không thể hiện rõ vị trí xây dựng trên mặt bằng lô đất, nền đất yếu không đảm bảo cho công trình…” của Phòng QLĐT TP.Cao Bằng, theo ông Bùi Quang Nghiêm, là lý do không xác đáng.
Theo LS Hà Hải, việc xin giấy phép chỉ áp dụng đối với những trường hợp xây dựng chuồng gà, chuồng vịt để kinh doanh, làm trang trại…
Chuồng gà có phải là “công trình xây dựng”?
Theo LS Lê Quang Vũ, phó trưởng Văn phòng luật sư Người nghèo (TP.HCM), quy định luật pháp không bao giờ bao quát chi tiết hết các sự kiện pháp lý xảy ra trong cuộc sống.
Việc xây hàng gạch giữ đất để làm chuồng gà của ông Uyên ở Cao Bằng là một sự kiện pháp lý mà luật pháp chưa dự liệu nên chưa có quy định.
Cụ thể hơn, LS Hà Hải dẫn khoản 10 Điều 3 Luật xây dựng 2014 có định nghĩa rõ về khái niệm “công trình xây dựng”.
Tuy nhiên định nghĩa này lại không ghi nhận việc chuồng gà, chuồng vịt có được tính là “công trình xây dựng” hay không.
“Do vậy, dựa trên nguyên tắc người dân được phép làm những gì pháp luật không cấm và việc xây dựng cái chuồng gà là việc rất nhỏ, không có ai tranh chấp khiếu nại thì chủ tịch UBND cấp phường, xã có trách nhiệm linh động giải quyết cho người dân” – LS Lê Quang Vũ nhận định.
Ông Lê Quang Vũ cho rằng nếu cần thiết thì trong trường hợp này có thể yêu cầu người dân làm đơn xin xây dựng tạm và cam kết tự tháo dỡ không bồi thường khi có yêu cầu chính đáng của chính quyền.
LS Hà Hải cho biết trong trường hợp tương tự, nếu người dân muốn xây dựng chuồng gà, chuồng vịt… không vì mục đích kinh doanh thì không cần phải xin phép mà chỉ cần thông báo cho chính quyền địa phương biết. |
Đồng tình với ý kiến cho rằng chuồng gà không thể được xếp vào “công trình xây dựng” theo định nghĩa tại khoản 10 Điều 3 Luật xây dựng 2014, TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nếu tất cả các đối tượng như tường gạch, chuồng gà, chuồng vịt hoặc thậm chí một viên gạch có vữa trên đất… đều phải yêu cầu xin giấy phép xây dựng thì sẽ dẫn đến việc tràn lan giấy phép xây dựng, gây khó khăn cho bên giải quyết và bên yêu cầu.
Cần quy định theo hướng tối giản hóa
LS Nguyễn Hữu Thế Trạch đề xuất Luật xây dựng 2014 cần quy định theo hướng tối giản hóa các thủ tục hành chính theo đường lối chung của Chính phủ.
Theo LS Hà Hải, sự việc này cho thấy các văn bản dưới luật hiện nay không quy định rõ ràng, khiến những người thừa hành công vụ đôi khi gặp khó khăn trong quá trình xử lý.
Tuy nhiên nếu không xét đến yếu tố này thì cách hiểu của người thừa hành công vụ trong trường hợp này vẫn là máy móc, cảm tính và không có cơ sở pháp lý.
“Người thừa hành công vụ ở đây có thể vì không có kiến thức pháp luật, sợ xử lý tình huống sai nên mới có sự đùn đẩy lẫn nhau. Điều này cũng thể hiện sự thiếu ý thức trách nhiệm” – LS Hà Hải nhận xét.