Quỳ trong thang máy nhìn vào váy phụ nữ: Khó xử lý kẻ quấy rối tình dục?

Quỳ trong thang máy nhìn vào váy phụ nữ: Khó xử lý kẻ quấy rối tình dục?

62

Vụ một thiếu niên quỳ mọp trong thang máy nhìn vào váy phụ nữ, chuyên gia pháp luật cho rằng đó là hành vi quấy rối tình dục, nhưng rất khó xử lý vì… luật chưa quy định.

Những ngày qua, cộng đồng mạng lan truyền clip về việc một thiếu niên mặc áo màu xanh, 16 tuổi quỳ xuống sàn thang máy ở tòa nhà A, Chung cư Simona (đường Hoàng Văn Thụ, TP.Quy Nhơn) để nhìn ngược lên váy cô gái. Cô gái bất bình đến phòng bảo vệ đề nghị xem camera an ninh. Thời điểm này, bên trong thang máy chỉ có thanh niên và cô gái.

Ngay sau đó, ban quản lý chung cư đã trích xuất hình ảnh thanh niên có hành động nói trên để thông báo cho cư dân biết. Do sự việc vẫn chưa đến mức độ nghiêm trọng nên bước đầu Công an TP.Quy Nhơn chỉ mời thiếu niên 16 tuổi đó lên để giáo dục.

Quấy rối phụ nữ ở Việt Nam xảy ra nhiều

Trước hành vi trên của nam thanh niên, luật sư (LS) Lê Quang Vũ (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, hành vi nam thanh niên “quỳ xuống đất, nhìn ngược lên váy cô gái” chưa tác động vào người cô gái. Nạn nhân không phải là người dưới 16 tuổi nên không thể áp dụng vào tội danh dâm ô hay các tội danh khác trong luật hình sự vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, vì hành vi mới chỉ nhìn nên chỉ có thể xử lý hành chính, tuy nhiên cũng khó vì luật quy định chưa rõ ràng.

Vì vậy, LS Vũ kiến nghị cần sớm có quy định về tội danh quấy rối tình dục vào Bộ luật hình sự, quy định rõ hành vi sờ mó, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm của người trên 16 tuổi để xử lý. Theo LS Vũ, hiện nay chỉ mới quy định tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, còn trên 16 tuổi đa số chỉ xử lý hành chính khiến dư luận bức xúc trong khi hành vi quấy rối phụ nữ quá phổ biến ở Việt Nam.

LS Nguyễn Hải Nam (thuộc Đoàn LS tỉnh Bình Phước) cũng cho rằng hiện nay luật Hình sự Việt Nam chỉ quy định tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, nếu nạn nhân từ đủ 16 tuổi trở lên thì không cấu thành tội dâm ô. Như vậy, trường hợp nạn nhân từ đủ 16 tuổi trở lên, nếu không có các hành vi phạm tội khác (như cưỡng dâm, hiếp dâm…) thì kẻ gây hành vi chỉ bị phạt hành chính về hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Hành vi này chỉ bị xử phạt hành chính tối đa 300.000 đồng.

Mặt khác, LS Nam cho rằng để xử lý hình sự hay xử lý hành chính đối với hành vi dâm ô theo pháp luật hiện hành buộc phải có hành vi cụ thể của người vi phạm như dùng tay sờ, bóp, hoặc dùng các bộ phận nhạy cảm về tình dục, cọ sát vào cơ thể hoặc bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc buộc nạn nhân sờ, bóp, cọ xát… vào những bộ phận kích thích tính dục hoặc bộ phận sinh dục của người phạm tội hoặc của người khác…mà không nhằm mục đích quan hệ tình dục.

Như vậy, theo cách hiểu của pháp luật hiện nay, để xử lý về hành vi này buộc phải có hành động cụ thể của người thực hiện, còn nạn nhân thì dưới 16 tuổi chứ chưa có quy định xử lý đối tượng về tội dâm ô đối với người trên 16 tuổi, đây cũng là bất cập đối với luật hình sự hiện nay.

“Do vậy, hành động của nam thanh niên cúi xuống nhìn ‘xuyên thấu’ váy của phụ nữ thì rất khó để xử lý vì luật chưa quy định cụ thể ở bất cứ điều khoản nào”, LS Nam phân tích.

Cần quy định thêm tội danh “quấy rối tình dục”

LS Nam nhấn mạnh hiện nay quy định đối với trường hợp nạn nhân là người thành niên vẫn còn bỏ ngỏ. Vì vậy, Nhà nước cần phải có quy định cụ thể hơn nữa vì thực trạng “quấy rối tình dục” đối với người thành niên ngày càng diễn biến phức tạp nhưng pháp luật không xử lý được gây bức xúc dư luận.

LS Huỳnh Công Thư (Phó chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Long An) phân tích, hành vi nam thanh niên nói trên chưa cấu thành tội danh nào trong luật hình sự, nếu đúng nam thanh niên dưới tuổi 18, không tác động vào thân thể cô gái nên hành vi này cũng không thể xử lý hành chính người có hành vi chưa đủ 18 tuổi được.

Theo LS Thư, hành vi này có thể cho là hành vi quấy rối tình dục, tuy nhiên “quấy rối tình dục” chưa được pháp luật định nghĩa, không có điều khoản quy định nên cũng không có cơ sở xử lý. Vì vậy pháp luật cần bổ sung khai niệm này và cần ban hành nghị định xử phạt hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng với mức phạt nặng để răn đe.

Theo Ngọc Lê

Báo Thanh Niên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả

Viết bình luận

<