Như PLO đã phản ánh ngày 9-3, ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết địa phương đang tiến hành cách ly, gửi mẫu xét nghiệm của năm người đi kiểm tra. 4/5 người này đi cùng trên chuyến bay với ca nhiễm COVID-19 thứ 30 của Việt Nam.
Về thông tin trong năm người bị cách ly này có một người trước đó đã đánh tráo người khác đi cách ly thay mình, ông Nam xác nhận và cho biết: “Hiện cả năm người đều được cách ly, trước mắt chúng tôi tập trung các biện pháp để phòng, chống dịch đối với những người này”.
Ông Nam cũng xác nhận hiện lực lượng Công an huyện Hướng Hóa đang điều tra làm rõ vụ việc này và sẽ tiến hành xử lý nghiêm.
Khu vực cách ly trường hợp nghi nhiễm tại BV Phổi Đà Nẵng. Ảnh: T.AN
Cũng theo lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị, người thực hiện việc đánh tráo (ông H. – PV) đang là chủ tịch HĐQT một công ty triển khai dự án năng lượng điện gió tại tỉnh Quảng Trị. Còn bốn người cùng bị cách ly đang làm tại công ty này.
Vi phạm pháp luật
Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Vì vậy những hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm của các cơ quan chức năng đều sẽ bị xử lý tùy vào tính chất và mức độ vi phạm.
Ở đây ông H. đã có hành vi trốn tránh việc cách ly y tế bằng cách “đánh tráo” để nhân viên đi cách ly thay mình. Theo Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền 2-5 triệu đồng. Đồng thời người vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Cạnh đó, tại thời điểm này chúng ta cũng chưa nắm được ông H. có nhiễm COVID-19 hay không. Nếu kết quả ông H. dương tính với COVID-19 thì hành vi trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế bằng cách chỉ đạo cấp dưới đi cách ly thay mình của ông H. có khả năng làm lây lan dịch bệnh cho người khác.
Đó là việc lây lan cho những người tiếp xúc với ông H. trong thời gian ông này trốn tránh việc cách ly. Vì vậy, hành vi này có dấu hiệu của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS 2015.
Xử lý để cảnh tỉnh mọi người?
Đồng tình, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích đây là trường hợp rất nghiêm trọng vì với sự bùng phát của COVID-19 hiện nay, ông H. đã biết về những hậu quả do dịch COVID-19 gây ra.
Mọi người chung tay ngăn ngừa đại dịch này, đặc biệt các cơ quan chức năng đang ráo riết tìm những đối tượng đi trên chuyến bay VN1547 (có người nhiễm COVID-19) và những người tiếp xúc với những người này để thực hiện cách ly nhằm hạn chế việc lây lan dịch bệnh.
Trong khi đó ông H. lại trốn tránh việc cách ly bằng cách đánh tráo người khác đi cách ly thay mình. Đây là hành vi hết sức nguy hiểm, cho thấy việc ý thức kém về phòng chống dịch, cần phải xử lý để cảnh tỉnh mọi người.
Hành vi này của ông H. sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mức độ nghiêm trọng hơn nếu kết quả xét nghiệm ông H. dương tính với COVID-19 thì hành vi của ông H. còn có dấu hiệu của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240 BLHS 2015).
Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng.
Cũng cần lưu ý là dù pháp luật đã có các chế tài từ xử phạt hành chính cho đến các hình phạt nghiêm khắc hơn nếu vi phạm pháp luật hình sự.
Tuy nhiên, để đẩy lùi dịch bệnh, điều quan trọng hơn hết là ý thức con người. Vì vậy chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền và xử lý thích đáng các hành vi vi phạm thì mới có tính răn đe và ngăn ngừa dịch bệnh cho toàn xã hội.