Tung tin giả về Covid-19: Phải xử lý hình sự, đừng chỉ phạt hành chính

Tung tin giả về Covid-19: Phải xử lý hình sự, đừng chỉ phạt hành chính

45

Các chuyên gia pháp luật cho rằng cần xử lý nghiêm việc đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội liên quan đến dịch Covid-19, không chỉ xử lý hành chính mà cần xử lý hình sự.

Một người ở Hà Tĩnh bị xử phạt 10 triệu đồng vì đăng tin thất thiệt về dịch bệnh /// Ảnh: Tân Kỳ

Một người ở Hà Tĩnh bị xử phạt 10 triệu đồng vì đăng tin thất thiệt về dịch bệnh. Ảnh: Tân Kỳ

Thời gian vừa qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đăng những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội Facebook.
Sở TT-TT TP.HCM đã mời chủ tài khoản Facebook Nguyễn Sin đến làm việc vào ngày 30.3 để làm rõ thông tin bịa đặt về “ca đầu tiên tử vong’ đăng trên Facebook này. Sở TT-TT TP.HCM cũng nhận định thông tin trên “có nội dung nghiêm trọng”, “gây hoang mang dư luận”, trong bối cảnh TP.HCM đang nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM cho biết Sở TT-TT sẽ tiếp tục phối hợp với Công an TP.HCM xử lý nghiêm cá nhân đăng thông tin thất thiệt trên mạng xã hội. Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính với mức 10 triệu đồng/người với một số người vì đưa tin thất thiệt trên mạng về dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.

Tung tin giả gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch

Theo một số chuyên gia pháp luật, hành vi tung tin thất thiệt không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần xử lý kiên quyết việc đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19, không chỉ xử lý hành chính mà cần xử lý hình sự để răn đe.
Trả lời PV Thanh Niên, luật sư (LS) Lê Quang Vũ (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, , căn cứ khoản a điều 101 Nghị định 15/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện (thay thế Nghị định 174/2013) có hiệu lực từ tháng 4.2020, người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người đó phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nói thêm, căn cứ Nghị định 15/2020 nếu người nào lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại tổ chức, cá nhân và gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng, gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.
Loan tin vịt “phong tỏa thành phố” vì Covid-19 trên Facebook, thanh niên nhận bài học đắt giá
Việc một số đối tượng tung tin đồn về dịch Covid -19, LS Trang cho rằng nên chăng cần phải xử lý hình sự, bởi vì cả nước đang chung tay chống dịch thì một số người tung tin sai sự thật gây ảnh hưởng lớn cho xã hội.
“Trong trường hợp, nếu xác định người tung tin sai sự thật trên mạng có tính chất vu khống thì có thể xử lý theo quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tù, ngoài ra phải bồi thường dân sự”, LS Trang nhấn mạnh.

Như thế nào thì hành vi tung tin giả về Covid-19 bị xử lý hình sự?

Theo LS Trang, ngày 30.3, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao vừa có hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại điều 288.
Ở tội danh này, mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù, phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng.
Công bố dịch Covid-19 do virus coronaSARS-CoV-2 trên cả nước
“Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174. Mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù, phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng”, LS Trang cho biết.
Một lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, theo điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng để “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh, luật quy định có một số hành vi chỉ xử lý hình sự khi trước đó đã xử lý hành chính về cùng hành vi đó.
Tùy từng hành vi tung tin thất thiệt trên mạng đó xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Bộ TT-TT, Sở TT-TT, Bộ Văn hóathể thao và du lịch… sẽ có trưng cầu xác định mức độ nguy hiểm rồi đề nghị cơ quan công an xử lý hình sự; nếu không thì sẽ xử lý hành chính.
“Đáng chú ý một số trường hợp gần đây lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đăng tin thất thiệt trên mạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đó là hành vi nguy hiểm đối với xã hội, sẽ xem xét để xử lý hình sự”, vị này nhấn mạnh.
Theo Ngọc Lê
Báo Thanh Niên

Tác giả