Hỏi:
Tôi là nguyên đơn trong một vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do TAND TP.HCM đang thụ lý giải quyết sơ thẩm.
Tòa án đã gửi thông báo thụ lý, giấy triệu tập… cho bị đơn đến địa chỉ thường trú mà bị đơn đã ghi trong hợp đồng chuyển nhượng (có công chứng) với tôi. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã trả lời tòa án rằng: “bị đơn có đăng ký thường trú tại đây nhưng hiện không có mặt tại địa phương và cũng không rõ địa chỉ cư trú hiện tại ở đâu”. Sau đó, tòa án đã yêu cầu tôi cố gắng tìm kiếm địa chỉ mới của bị đơn.
Xin luật sư cho tôi hỏi: nếu tôi không thể tìm được địa chỉ hiện tại của bị đơn thì vụ án có được giải quyết tiếp hay phải đình chỉ?
Lê Hữu T. (Củ Chi)
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Công Bình. Vấn đề này chúng tôi xin giải đáp như sau:
Ảnh minh họa
Theo Điều 6 Nghị quyết 04/2017/HĐTP ngày 5-5-2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS 2015) quy định: Sau khi thụ lý vụ án, tòa không tống đạt được thông báo thụ lý vụ án do bị đơn, người liên quan không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì giải quyết như sau:
Nếu trong đơn kiện, nguyên đơn ghi đầy đủ và đúng địa chỉ của họ theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là hợp lệ. Nếu bị đơn, người liên quan đổi nơi cư trú mà không thông báo cho người khởi kiện biết địa chỉ mới thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ kiện.
Vậy trong trường hợp này, đơn khởi kiện bạn T. đã ghi địa chỉ bị đơn theo đúng địa chỉ được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng và tòa án cũng đã thụ lý vụ án. Nếu ông T. không tìm được địa chỉ cư trú mới của bị đơn thì tòa án vẫn tiếp tục tống đạt/niêm yết các văn bản tố tụng đến địa chỉ này và tiếp tục giải quyết, xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.
Luật sư Lê Quang Vũ, Giám đốc công ty Luật Công Bình