Thứ Năm, 7 Tháng 5, 2015 – 10:03
(Tin nhanh địa ốc) – Nhiều bạn đọc hỏi: “Tôi là Việt kiều muốn mua nhà ở Việt Nam. Xin hỏi tôi có thể đứng tên sở hữu nhà ở Việt Nam được không, cần những điều kiện gì, thời hạn sở hữu nhà là bao nhiêu năm?”
Luật sư Lê Quang Vũ, Công ty Luật TNHH Một thành viên Trẻ (Youth Law), cho biết theo luật pháp hiện hành tại Nghị quyết 19/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị định 51/2009/NĐ-CP thì doanh nghiệp có giấy chứng nhận đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, cá nhân đang sinh sống tại Việt Nam có Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú từ 1 năm trở lên thuộc các đối tượng được liệt kê dưới đây được mua và sở hữu căn hộ chung cư với mục đích để ở:
Luật sư Lê Quang Vũ, Công ty Luật TNHH Một thành viên Trẻ (Youth Law). Ảnh: nhân vật cung cấp.
- Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó.
- Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam (được tặng thưởng Huân chương, Huy chương); hoặc có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế – xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu.
- Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam không có chức năng kinh doanh bất động sản, có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở.
Thời hạn sở hữu căn hộ đối với cá nhân người nước ngoài là 50 năm kể từ ngày cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì thời hạn sở hữu tương đương với thời hạn của Giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp đó. Ngoài ra, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu 1 căn hộ, còn doanh nghiệp nước ngoài có thể sở hữu một hoặc một vài căn hộ, tùy theo nhu cầu sử dụng.
Còn theo Điều 159 và Điều 161 Luật nhà ở 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 tới thì điều kiện mua nhà, quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài được mở rộng hơn, dễ dàng hơn. Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm ba nhóm:
- Thứ nhất là tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật nhà ở và pháp luật có liên quan.
- Thứ hai, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài).
- Thứ ba, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân nước ngoài có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam, riêng đối với nhóm thứ hai và thứ ba nêu trên phải tuân thủ các quy định sau:
- a) Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.
- b) Trường hợp được tặng cho, được thừa kế nhà ở nhưng không phải là nhà ở thương mại hoặc nằm trong khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ hoặc vượt quá số lượng nhà ở quy định tại điểm a nêu trên thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.
- c) Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu. Thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận.
- d) Đối với tổ chức nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho tổ chức đó, bao gồm cả thời gian được gia hạn thêm. Thời hạn sở hữu nhà ở được tính từ ngày tổ chức được cấp Giấy chứng nhận và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận này;
Cần lưu ý, thời hạn sở hữu căn hộ đối với cá nhân người nước ngoài là 50 năm nên trước khi hết hạn sở hữu nhà ở theo quy định của Luật này, chủ sở hữu có thể tặng cho hoặc bán nhà ở này cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nếu quá thời hạn được sở hữu nhà ở mà chủ sở hữu không thực hiện bán, tặng cho thì nhà ở đó thuộc sở hữu nhà nước.
Như vậy, bạn cần xác định bạn thuộc đối tượng nào trong các trường hợp nêu trên để chuẩn bị hồ sơ cho phù hợp. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, căn nhà mà bạn định mua phải thuộc dự án phát triển nhà ở thương mại và không nằm trong khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại. Theo đó, trước khi quyết định nhận chuyển nhượng căn hộ, bạn cần liên hệ với chủ đầu tư dự án để làm rõ các điều kiện luật định trên.
Luật Sư Lê Quang Vũ