Sau loạt bài “Chấn động nạn tráo sổ đỏ” (đăng từ ngày 17 đến 19-10) phản ảnh ba trường hợp bị tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (nói gọn là sổ đỏ), chúng tôi tiếp tục thu thập thêm một trường hợp khác có thủ đoạn lừa đảo ly kỳ hơn nhiều.
Ở vụ việc này, một phòng công chứng tại TP.HCM mắc bẫy đến hai lần.
Dàn cảnh tranh nhau mua nhà
Tháng 7-2019, chị HTT (quận 1, TP.HCM) rao bán căn nhà ở phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 với giá 16 tỉ đồng. Có nhiều người đến hỏi han nhưng không ai mua.
Sau đó có một nhóm người đến xem nhà, thỏa thuận giá cả và họ đồng ý mua giá 16 tỉ đồng. Hai bên hẹn nhau đến một tổ chức hành nghề công chứng ở quận 1 để soạn hợp đồng mua bán.
Tại đây, chị H. đưa một bộ hồ sơ nhà phôtô cho bên mua để họ gửi cho công chứng viên soạn thảo hợp đồng. Do hai bên chưa thống nhất được số lần thanh toán tiền nên hẹn hôm sau đến ký hợp đồng mua bán.
Hai ngày sau, chị H. gọi điện thoại cho bên mua nhưng họ không bắt máy, không liên hệ được.
Kế đó có nhóm khác đến hỏi mua nhà và trả giá là 15,8 tỉ đồng. Khi chị H. đang cho họ xem giấy tờ nhà (trong đó có bản chính sổ đỏ) thì bất ngờ nhóm mua cũ xuất hiện tại nhà chị cho biết muốn tiếp tục mua nhà.
Trước tình huống này, chị H. ra điều kiện ai thanh toán tiền trước thì chị bán nhà cho người đó. Trong lúc hai nhóm đang thỏa thuận với nhau thì chị H. cẩn thận lấy lại giấy tờ nhà để xuống gầm bàn ngay dưới chân mình… Cuối cùng, sau một hồi cự cãi thì hai nhóm ra về mà không thống nhất được nhóm nào mua nhà của chị H.
Bẵng đi mấy ngày sau, chị H. thấy có nhiều người đến nhà mình “thập thò” xem nhà. Chị hỏi thì họ nói “định bán nhà” trong khi chị vẫn là chủ nhà, vẫn đang sử dụng nhà từ nào giờ và chưa bán cho ai!
Bất thường về người mua nhà
Tá hỏa, chị coi lại thì mới ngớ ra sổ đỏ thật và tờ lệ phí trước bạ của mình đã không cánh mà bay từ lúc nào. Tìm hiểu thêm, chị mới biết là sau khi có được hai bản chính giấy trên, ai đó đã giả mạo chị và dùng CMND giả tên chị đến Phòng Công chứng số 2 công chứng hợp đồng ủy quyền cho người khác được quyền định đoạt nhà của chị.
Chưa hết, người được ủy quyền đã đến Văn phòng công chứng Hoàng Xuân Hoan ký hợp đồng mua bán nhà với giá 16 tỉ đồng. Đáng lưu ý là trong hồ sơ bán nhà có hộ khẩu, giấy xác nhận độc thân là bản sao y có chứng thực của một UBND phường trong khi chị vẫn đang giữ bản chính.
Điều bất thường nữa là người mua nhà có giá trị lớn như vậy nhưng đã không đến nhận nhà, cũng không lấy lại nhà mà chị đang ở. Sau khi đăng bộ xong, người mua nhà quay lại Phòng Công chứng số 2 ký hợp đồng thế chấp nhà để vay tiền ngân hàng.
Chị H. đã trình báo vụ việc bị tráo sổ nói trên cho Công an quận 1. Đồng thời, để căn nhà không tiếp tục bị mua bán nữa, chị H. đã treo bảng nhà đang có tranh chấp ở phía trước cửa nhà.
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ các thông tin có liên quan đến căn nhà này ở số báo sau.
Sáu lưu ý để tránh bị tráo sổ đỏ
1. Khi người dân có nhu cầu mua, bán nhà thì không nên phôtô và cung cấp cho người khác toàn bộ thông tin nội dung giấy tờ nhà (sổ đỏ, CMND/CCCD, hộ khẩu; lệ phí trước bạ…). Đồng thời không đưa toàn bộ thông tin bản chính sổ đỏ công khai trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo…) vì sẽ bị các đối tượng xấu lợi dụng các thông tin cụ thể đó để giả giấy tờ. 2. Cảnh giác với những người mua vội vàng vì người mua nhà phải xem xét giấy tờ, bản vẽ xây dựng, xem căn nhà từ trên xuống dưới rất kỹ rồi mới quyết định giá cả như thế nào chứ không vội vàng trả giá hay đồng ý mua. 3. Khi đưa giấy tờ nhà cho khách xem thì chủ nhà chỉ phôtô cung cấp các loại giấy cơ bản như sổ đỏ (nhớ che một phần thông tin của sổ đỏ), lệ phí trước bạ. 4. Trường hợp người mua muốn xem bản chính sổ đỏ thì trước khi đưa cho họ xem, chủ nhà cần đánh dấu vào bản chính (như lấy bút chì làm dấu ở một nơi mà chỉ có chủ nhà biết). Khi nhận lại sổ đỏ phải kiểm tra ngay để biết được có phải là bản chính hay bị tráo. 5. Cẩn thận với những người đi mua nhà mà đi thành từng nhóm hay như khi họ hỏi chuyện này, chuyện kia làm chủ nhà phân tâm khi đang cho họ xem bản chính giấy tờ nhà. Khi tiếp xúc cho khách mua nhà coi bản chính sổ đỏ thì phải cử người theo sát, để ý vào sổ đỏ để tránh bị tráo sổ. Không để cảnh lộn xộn tranh cãi xảy ra, nhất là những người mua nhà có thể dàn cảnh. 6. Khi phát hiện sổ đỏ mình đang giữ là sổ giả thì phải gấp rút trình báo cơ quan công an có thẩm quyền, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện nơi cấp giấy để kịp thời ngăn chặn các giao dịch tránh hậu quả pháp lý đáng tiếc xảy ra. Ngăn chặn giao dịch do bị tráo sổ Hôm nay (22-10), bà Nguyễn Thị Năng (quận Tân Bình) là nạn nhân bị lừa tráo sổ đỏ trong bài viết “Bất thường mua đất 3 tỉ, bán 1 tỉ” (đăng ngày 17-10) đã đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân (TP.HCM) nộp đơn đề nghị ngăn chặn giao dịch mua bán thửa đất của mình. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân, cho biết: Chi nhánh văn phòng đã tiếp nhận đơn của bà Năng và đã ngăn chặn trên toàn hệ thống trong nội bộ. Đồng thời văn phòng sẽ gửi văn bản đến các cơ quan chức năng, các tổ chức hành nghề công chứng để yêu cầu ngăn chặn giao dịch đối với thửa đất của bà Năng. |