Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Bình tù chung thân về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổng hợp hình phạt là chung thân.
Bị cáo khách hàng nhóm vay lớn Phùng Ngọc Khánh (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty M&C) bị đề nghị mức án 18 -20 năm tù do có bàn bạc thống nhất với ông Bình trong việc vay sai quy định.
VKS phát biểu quan điểm tranh luận. Ảnh: H.Y
Ngoài trách nhiệm hình sự, VKS đưa ra quan điểm về giải quyết trách nhiệm dân sự trong vụ án.
VKS đề nghị tòa buộc ông Bình bồi thường số tiền đã lấy từ DAB rồi sử dụng vào mục đích cá nhân cùng hàng ngàn tỉ đồng là tiền ông và đối tác, thuộc cấp bàn bạc “rút ruột” ngân hàng bằng chiêu trò cho vay vốn sai quy định.
Cụ thể, ông Bình bồi thường 75,6 tỉ đồng chiếm đoạt của DAB và 3.139 tỉ đồng trong việc cho nhóm Hiệp Phú Gia và TTC vay. Bị cáo Khánh bị đề nghị bồi thường hơn 3.949 tỉ đồng vay của DAB.
Cạnh đó, VKS đề nghị HĐXX dành quyền khởi kiện dân sự cho bị cáo Bình đối với các nhóm khách hàng vay có tài sản đảm bảo không đủ điều kiện pháp lý.
Những bị cáo khác và những người liên quan đã vay tiền trái quy định phải có trách nhiệm hoàn trả, liên đới bồi hoàn hàng ngàn tỉ đồng.
Luật sư của ông Trần Phương Bình đang bào chữa. Ảnh: LS
Về tài sản kê biên trong quá trình giải quyết vụ án, VKS đề nghị HĐXX tiếp tục giao DAB quản lý tất cả tài sản thế chấp (bất động sản, vốn góp trong nhiều dự án, cổ phần doanh nghiệp, nhà, đất) nhằm đảm bảo thi hành án.
Đối với các khoản vay của nhóm khách hàng Đồng Tiến, đề nghị tòa buộc Trần Quang Khải có trách nhiệm hoàn trả hơn 257 tỉ đồng đối với 7 khoản vay tín chấp sai quy định, buộc Bùi Văn Dội hoàn trả hơn 165 tỉ đồng đối với 3 khoản vay tín chấp sai quy định.
Đối với nhóm khách hàng Tân Vạn Hưng, đề nghị HĐXX buộc Vũ Thị Liên hoàn trả gần 1.100 tỉ đồng và liên đới với người liên quan hoàn trả hơn 268 tỉ đồng là khoản dư nợ của nhóm Tân Vạn Hưng tại DAB.
Viện cũng đề nghị HĐXX tiếp tục tạm giữ 250 tỉ đồng Công ty Ba Son đã nộp lại, để đảm bảo việc thi hành án của ông Bình. Các tài sản được các nhóm khách hàng thế chấp vay tiền tại DAB tiếp tục giao cho ngân hàng quản lý để xử lý nợ.
Bào chữa cho bị cáo Bình, luật sư đưa ra nhiều kiến nghị HĐXX nhằm có phương án khắc phục được phần lớn hậu quả xảy ra.
Tuy nhiên luật sư băn khoản về việc chưa có sự thống nhất về thời điểm tính thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến kinh tế nên vẫn xảy ra tình trạng mỗi cấp tòa xác định một cách khác nhau.
Luật sư cho rằng theo Bộ luật hình sự với một số tội danh, nếu quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm thì để kết tội, các cơ quan buộc tội phải chứng minh được thiệt hại xảy ra.
Thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy, thiệt hại phải là hậu quả của hành vi phạm tội và là thiệt hại thực tế.
Luật sư đề nghị HĐXX và VKS đánh giá, xác định thiệt hại trong vụ án DAB giai đoạn 2 này là khoản chênh lệch giữa dư nợ gốc và lãi phát sinh đến thời điểm khởi tố vụ án trừ đi giá trị tài sản đảm bảo và phong tỏa, kê biên mới được coi là hợp lý.
Đồng thời việc thu hồi và khắc phục hậu quả vụ án gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi bị coi là tội phạm.
Từ đó, luật sư đề nghị cơ quan tố tụng truy xét theo dòng tiền giải ngân từ các Hợp đồng tín dụng có dấu hiệu sai phạm và quá trình tạo lập, hình thành tài sản thế chấp, đảm bảo để giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, từ đó làm căn cứ xử lý, phát mãi trong quá trình thi hành án nhằm khắc phục triệt để hậu quả gây ra đối với DAB.