TTO – Xe container gây tai nạn liên hoàn, xe container tông nát ôtô, 5 người thân tử nạn… liên tiếp các vụ tai nạn thương tâm do container gây ra. Tại sao?
Chiếc xe máy bị kẹt dưới gầm xe container – Ảnh: Hải Hiếu |
Thời gian gần đây liên tục xảy ra các trường hợp xe container gây tai nạn liên hoàn, lao vào nhà dân; xe container đâm xe khách hay xe container đội dầm cầu, người chết thảm dưới gầm container…
Nhiều vụ tai nạn thương tâm
Ngày 6-6, một xe container đang di chuyển trên đường Lê Hồng Phong (Bình Dương) bất ngờ va chạm với xe tải rồi tiếp tục tông vào một xe tải và một xe máy khác. Cuối cùng, xe container này lao vào một nhà dân…
Đầu tháng 6, một người mẹ chở bé gái lớp 4 đi học, khi băng từ trong hẻm ra đường lớn thì bị xe container cán chết.
Xe container lao vào nhà dân |
Cuối tháng 5 trên quốc lộ 1 trước Khu chế xuất Linh Trung (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TPHCM), xe container tông mạnh vào phía sau ôtô 4 chỗ làm 5 người trên xe thiệt mạng.
Trước đó, vào trung tuần tháng 5 một nữ sinh lớp 11 ở TP Buôn Ma Thuột cũng đã chết thảm dưới gầm xe container sau một cú va chạm khi đang trên đường đi xin việc làm thêm.
Doanh nghiệp chủ động “khai trừ” tài xế không đủ chuẩn
Không chỉ người dân lo tài xế sử container sử dụng ma túy mà doanh nghiệp cũng lo từng ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Thế Vinh, giám đốc Cty TNHH vận tải Minh Khang (TP.HCM), cho biết hơn 50 tài xế đang hoạt động tại công ty đều phải tham gia kiểm tra sức khỏe định kỳ nửa năm một lần. Đồng thời, mỗi tháng một lần sẽ tổ chức kiểm tra việc tài xế có sử dụng ma túy hay không.
“Không nhất thiết là một tháng mới kiểm tra một lần, hôm nào thấy tài xế có biểu hiện lạ là mình kiểm tra ngay. Nếu có vấn đề thì sẽ cho nghỉ việc liền”, ông Thế Vinh nói.
Ông Trần Văn Tâm, lãnh đạo Công ty TNHH vận tải Trần Nam (TP.HCM), cũng cho biết nếu thấy có biểu hiện bất thường của tài xế thì sẽ kiểm tra ngay, không đợi đến thời điểm kiểm tra định kỳ.
“Tuy nào giờ chưa xảy ra trường hợp nào nhưng chúng tôi kiên quyết xử lý khi có nghi ngờ”, ông Tâm nói.
Xe container đội dầm cầu vượt Lăng Cha Cả |
Ông Thái Văn Chung, phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết theo quy định, doanh nghiệp vận tải phải tiến hành việc kiểm tra sức khỏe định kỳ một năm/lần đối với các tài xế. Việc kiểm tra này bao gồm cả vấn đề thử có sử dụng ma túy hay các chất gây nghiện khác hay không.
“Việc kiểm tra sức khỏe của lái xe là trách nhiệm của doanh nghiệp. Để bảo đảm cho quá trình vận chuyển hàng hóa thì các doanh nghiệp phải sử dụng những lái xe có đủ tiêu chuẩn, nếu không, khi có sự cố xảy ra thì thiệt hại trước hết thuộc về doanh nghiệp đó”, ông Chung nói.
Tài xế container hai ngày ngủ 4 tiếng?
Sợ, kinh hoàng, ám ảnh, làm sao tránh… là tâm trạng chung của nhiều người khi biết và đọc về những tai nạn giao thông do xe container gây ra.
Hai ngày ngủ 4 tiếng Trong một cuộc trò chuyện, một lái xe container cho biết trong hai ngày chỉ ngủ được 4 tiếng, còn lại là thời gian cầm lái. Khi hỏi “sáng giờ đã chơi (hàng đá) chưa?”, anh này cho biết “chưa chơi. Muốn chơi lắm mà chạy không có tiền thì sao chơi?”. Tài xế này cho biết thêm mình chơi hàng đá từ năm 2006, khi còn đi lơ chứ chưa phải là tài xế như bây giờ. |
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao xe container liên tiếp gây tai nạn, trừ những sự cố ngoài tầm kiểm soát về mặt kỹ thuật, phải chăng nguyên nhân là do những người cầm lái thiếu sức khỏe, thiếu ngủ, thiếu kỹ năng, thiếu trách nhiệm với tay lái của mình?
Nghiêm trọng hơn, nhiều bạn đọc còn đặt vấn đề liệu các tài xế có phê thuốc hay phóng nhanh vượt ẩu vì tâm lý xe container là “xe vua” nên bất chấp luật lệ giao thông hay không?
Một bạn đọc kêu than tình trạng những xe container luôn chạy với tốc độ rất cao về phía giao lộ dù đèn đỏ đã bật, giành đường nguy hiểm bất chấp luật lệ, cúp đầu xe khác ở mọi hướng mà chẳng thèm bật xinhan, chạy sai làn đường…
Độc giả Lê Dân viết: Tài xế ngủ gục, chơi ma túy đá, chạy quá tốc độ, không đi đúng làn đường quy định, xe mất thắng… là hầu hết những nguyên nhân gây ra những tai nạn chết người thương tâm.
Chiếc xe container tông mạnh phía sau xe 4 chỗ làm 5 người chết – Ảnh: Hải Hiếu |
Một bạn đọc viết: Tài xế bây giờ thật liều lĩnh, làm bừa, sống gấp, chạy nhanh làm phương châm kiếm tiền nên sẽ còn nhiều tai nạn khủng khiếp nữa xảy ra.
“Xe container cướp đi rất nhiều mạng người. Xin ngành giao thông vận tải nghiêm túc xem xét lại” -bạn đọc Mỹ Đình viết.
Bạn đọc Van Nam cho rằng cần xem xét lại khâu kiểm định xe và cấp bằng lái. “Tôi thấy quá nhiều xe mất thắng, nổ lốp, trục trặc trong khi tham gia giao thông, gây hậu quả đau lòng. Cũng nên yêu cầu khám sức khỏe của lái xe, định kỳ 6 tháng một lần”.
“Thiết nghĩ đã đến lúc nên có thêm công cụ để kiểm tra chất ma túy trong máu tài xế, nếu phát hiện thì rút bằng và cấm lái xe vĩnh viễn” – bạn đọc Nguyễn Phú Quốc nói.
Nhiều ý kiến cho rằng nên xem lại việc cấp bằng lái cho những người muốn lái xe container.
“Nên xem xét lại khâu cấp bằng lái xe. Tôi thấy việc cấp bằng lái xe của VN hơi dễ, chỉ cần có tiền là có bằng bất kể bạn có vấn đề không tốt về sức khỏe. Nhiều trung tâm dạy lái xe còn quảng cáo, đảm bảo nộp hồ sơ thi là đậu”, bạn đọc viết.
“Bộ Giao thông vận tải có sự thay đổi về điều kiện bắt buộc đối với các tài xế xe container, như tuổi đời, kinh nghiệm (có thể là lái xe tải nhẹ từ 5 năm trở lên), trình độ học vấn phải là 12/12 trở lên… thì mới mong giảm thiểu các vụ tai nạn do xe container gây ra.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra một cách không bình thường, tài xế ngủ gật liên miên. Tại sao? Ngoài việc tài xế hút hít ma túy, có hay không việc doanh nghiệp áp lực, ép tài xế chạy suốt tuyến không được nghỉ ngơi? Vấn đề này cần được làm rõ.
Nhiều bạn đọc đề nghị các cơ quan quản lý an toàn giao thông, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải kiểm tra lại thời gian ngủ nghỉ của tài xế.
Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện Chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường toàn bộ thiệt hại do tài xế có sử dụng ma túy gây ra. Trường hợp chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện biết nhân viên lái xe đó có sử dụng ma túy mà vẫn giao xe hoặc điều động người đó điều khiển xe gây ra tai nạn làm chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng tội danh với tài xế hoặc về tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ quy định tại điều 205 Bộ luật hình sự. |